Những ngôi trường độc đáo, tiện lợi tặng trẻ vùng cao

25/03/2023 - 06:13

PNO - Ngoài hình dáng, các trường, điểm trường này còn thông thoáng, lấy ánh sáng tự nhiên, có không gian học nhóm, sân chơi, vườn hoa, thư viện…

 

Điểm trường mầm non và tiểu học Lùng Vài - ẢNH: VĂN PHÒNG KIẾN TRÚC 1+1>2 CUNG CẤP
Điểm trường mầm non và tiểu học Lùng Vài - Ảnh: Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 cung cấp

Những năm gần đây, một số công trình trường học vùng cao đã giành được các giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế. Những điểm trường này được xây bằng sự đóng góp tiền bạc, công sức của cộng đồng.

Chung tay xây trường

“Điểm trường mầm non Bó Mon - Ý tưởng về một trạm kết nối” vừa được kiến trúc sư Đàm Vũ (Văn phòng KIENTRUC O) chia sẻ tại hội nghị kiến trúc quốc tế mùa xuân (AIA International) 2023, do Viện Kiến trúc sư Hoa Kỳ tổ chức ngày 9/3.

Công trình này từng giành giải Nhất hạng mục Dự án tốt nhất trong lĩnh vực kiến trúc công cộng trong cuộc thi kiến trúc quốc tế Baku do Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) tổ chức năm 2021 đồng thời từng giành giải thưởng của ngành xây dựng, kiến trúc Việt Nam năm 2020 (Ashui Awards 2020) hạng mục Dự án chung tay của năm. 

Bó Mon là điểm trường thuộc Trường mầm non Tú Nang ở xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Trước năm 2018, điểm trường này chỉ là những gian nhà tạm. Ông Thào A Thái - Trưởng bản Bó Mon - kể: “Lớp của các cô, các cháu mầm non thủng mái, nắng lên cao là rọi hết vào mặt, vào đầu các cháu, trời mưa thì cô cháu phải trú nhờ ở lớp tiểu học”. 

Năm 2018, với kinh phí do các tổ chức thiện nguyện và các nhà hảo tâm đóng góp, công trình điểm trường Bó Mon được thiết kế và xây dựng. Tháng 6/2019, điểm trường mầm non Bó Mon được hoàn thành, là món quà đặc biệt mà những tấm lòng hảo tâm dành tặng trẻ em của 3 bản Bó Mon, Cô Tông và Cay Mon. 

Cô giáo Thu Trang xúc động: “Những lần mưa đá, nhiều nhà bị vỡ mái nhưng trường Bó Mon vẫn nguyên vẹn. Từ lúc có trường mới, các cháu được chăm sóc, dạy dỗ ở trường cả ngày, còn trước đó, đến trưa là các cháu phải về nhà. Trường mới, đẹp khiến các cháu thích đi học hơn”.

Tháng 2/2023, công trình điểm trường mầm non và tiểu học Lùng Vài (xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và cộng sự cũng được trao giải Ashui Awards 2022 hạng mục Dự án chung tay của năm.

Ở Lùng Vài, trẻ phải học trong gian lớp lụp xụp, tường và mái đều chắp vá đủ loại vật liệu trong nhiều năm. Đầu năm 2020, điểm trường Lùng Vài được khởi công xây dựng với kinh phí hơn 2 tỉ đồng do quỹ Thời báo Kinh tế Sài Gòn và một doanh nghiệp đóng góp. 

Nhìn đàn cháu tung tăng chạy nhảy khắp trường, bà Phàn Thị May rạng rỡ: “Chưa bao giờ mình thấy cái “nhà” nào đẹp thế này. Trẻ con Lùng Vài thích lắm. Thứ Bảy, Chủ nhật được nghỉ mà chúng vẫn rủ nhau đến trường chơi”.

Điểm trường Đao thuộc Trường tiểu học số 2 (xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cùng tổ hợp Trường tiểu học Lũng Luông và điểm trường mầm non Lũng Luông (xã Thượng Nung, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên), điểm trường tiểu học và mầm non Nà Khoang (xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La)… cũng đều hình thành từ sự chung tay, góp sức của các quỹ từ thiện, các đơn vị, doanh nghiệp cùng các cá nhân hảo tâm.

Sân chơi, lớp học ngoài trời của điểm trường Bó Mon - ẢNH: K.T.O.
Sân chơi, lớp học ngoài trời của điểm trường Bó Mon - Ảnh: K.T.O.

Kiến trúc độc đáo, nhiều tiện ích

Điều đặc biệt là kiến trúc các điểm trường Bó Mon, Lùng Vài, Lũng Luông không “vuông thành sắc cạnh” như đại đa số trường, lớp mà mỗi công trình đều độc đáo, hòa vào cảnh sắc, không gian của bản làng. Chúng như đóa hoa giữa núi rừng. 

Công trình tổ hợp trường tiểu học và điểm trường mầm non Lũng Luông của kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào và cộng sự có mái tôn nhiều màu (trắng, xanh da trời, xanh lục, vàng, hồng) cuốn hút mọi người ngay từ cái nhìn đầu tiên. Ngôi trường trông như cánh diều nâng giấc mơ của học trò nghèo, hoặc mang dáng dấp hình chữ S. 

Công trình điểm trường Bó Mon của kiến trúc sư Đàm Vũ lại trông như nốt nâu trầm điểm giữa núi đồi phủ tràn sắc xanh của cỏ cây, mái lợp tôn nhưng cong cong như cánh sáo diều, uốn lượn mềm mại. 

Theo kiến trúc sư Đàm Vũ, việc thiết kế mái rộng và uốn lượn tạo ra những vùng bóng mát di chuyển sinh động theo ánh sáng mặt trời cùng mây ngàn và sương khói, tạo nên hình ảnh động cho công trình kiến trúc gắn kết với khung cảnh núi đồi trải dài. Mái còn như chiếc ô che chắn, bảo vệ cả phòng học lớn, nhà lưu trú nhỏ cho giáo viên và hành lang rộng rãi.

Giữa 2 phòng là khoảng sân cho bọn trẻ vui chơi, cũng là nơi anh, chị của trẻ học gần đó ngồi đợi em để cùng về nhà. Khoảng sân sạch sẽ có thể trở thành lớp học ngoài trời mà không sợ nắng rọi vào mặt. Kiến trúc sư Đàm Vũ đã đặt tên cho dự án xây dựng này là “Điểm trường mầm non Bó Mon - Ý tưởng về một trạm kết nối”.

“Chúng tôi muốn đây là món quà ý nghĩa cả về vật chất lẫn tinh thần cho trẻ em bản địa. Hy vọng những rung động cảm xúc về công trình sẽ tác động đến các em, hình thành trong các em những điều đẹp đẽ. Chúng tôi cũng cố gắng tạo thêm những giá trị vô hình mà công trình trường học có thể mang lại cho các cháu, đó là sự thoải mái và tươi mới khi vui đùa, học tập nhưng vẫn thể hiện được sự kết nối với dòng chảy văn hóa lâu đời của người dân bản địa. Thiết kế mới mẻ, độc đáo nhưng vẫn đảm bảo được phương thức xây dựng đơn giản, hiệu quả” - kiến trúc sư Đàm Vũ nói.

Sáng tạo từ những khó khăn riêng 

Điểm trường Bó Mon được thi công trong điều kiện khó vận chuyển vật liệu; những ngày mưa, máy phát điện không hoạt động nổi do quá lạnh. Việc xây điểm trường tiểu học và mầm non Nà Khoang cũng vậy. Có hôm, cả bản Nà Khoang rủ nhau ra suối Nậm Sập từ rất sớm để nhặt đá cuội, sỏi nhỏ mang về xây trường.

Điểm trường Lùng Vài rộng đến 600m2, nằm trên chỏm đồi, với 2 lớp cho trẻ mầm non, 1 lớp cho học sinh tiểu học, 1 phòng nghỉ cho giáo viên, 1 bếp ăn, 1 nhà vệ sinh. Các phòng kết nối với nhau mềm mại, nương theo hình dáng quả đồi. Mái lợp đa tầng uốn lượn, hài hòa với những con đường, những thửa ruộng bậc thang, những đồi núi quanh co.

Địa hình hiểm trở, đường sá xa xôi, kinh phí hạn hẹp, nếu xây điểm trường Lùng Vài bằng gạch thông thường, chi phí sẽ bị đội lên gấp nhiều lần. Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào cùng các cộng sự của ông ở Văn phòng Kiến trúc 1+1>2 đã tận dụng các nguyên vật liệu có sẵn ở Lùng Vài để xây trường. Họ tận dụng đất tại chỗ để san nền, trộn với phụ gia để trát tường, dùng gạch đồi ép gạch. Cách làm này được ứng dụng cho rất nhiều công trình trường học vùng cao do ông thiết kế miễn phí từ 2016 đến nay.

Các quỹ từ thiện, những tấm lòng hảo tâm đã, đang và tiếp tục xây mới, cải tạo trường, lớp vùng cao. Hy vọng sẽ ngày càng có thêm nhiều ngôi trường đẹp đẽ, tiện lợi dành tặng học trò miền núi. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI