Những hiểu lầm về vắc xin với phụ nữ mang thai

16/12/2022 - 19:43

PNO - Những phụ nữ mang thai lần đầu, chưa có kinh nghiệm, thường gặp phải không ít bối rối, lo lắng. Nhiều chị em còn hiểu lầm, cho rằng việc chích vắc xin ảnh hưởng đến thai kỳ. Trên thực tế, có những loại vắc xin được chỉ định cho phụ nữ trước hoặc trong lúc mang thai nhằm bảo vệ sức khỏe người mẹ và em bé.

 

Chị em cần được bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn  và thăm khám để có một  thai kỳ khỏe mạnh ẢNH MINH HỌA: INTERNET
Chị em cần được bác sĩ chuyên khoa sản tư vấn và thăm khám để có một thai kỳ khỏe mạnh (Ảnh minh họa)

Kiêng chích vắc xin vì… sợ thai nhi dị tật

Chị Lưu Minh Lan (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) đang mang thai tuần thứ 20. Chị Lan rất e ngại khi được bạn bè khuyên nên chích vắc xin uốn ván. Đây là lần đầu chị mang thai. Mẹ chị thường dặn trong thai kỳ phải kiêng thuốc men, nếu không có thể gây dị tật cho em bé. Vì thế, chị sợ chích vắc xin uốn ván lúc này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi. 

Như chị Lan, chị Hoàng Thanh Hải (25 tuổi, quê Bình Dương) cũng rất mù mờ về những thông tin liên quan tới sức khỏe thai kỳ. Chị Hải đang mang thai tuần thứ 16. Chị không hề biết trước khi mang thai cần chích các loại vắc xin cơ bản để phòng ngừa cho mẹ và bé. “Ngày xưa mẹ tôi có bầu chị em tôi cũng đâu chích ngừa. Đây là lần đầu tôi nghe nói phải chích vắc xin trước khi mang thai. Nhiều khi mang thai bất ngờ, ngoài kế hoạch thì sao?” - chị Hải thắc mắc.

Không phải phụ nữ nào cũng có điều kiện tiếp xúc với những thông tin về chăm sóc sức khỏe thai kỳ, nhất là những chị em ở vùng nông thôn. Rất nhiều phụ nữ giống như chị Lan, chị Hải - tỏ ra bối rối khi được khuyên phải chích vắc xin để có một thai kỳ khỏe mạnh.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học y dược TPHCM), khi mang thai, sức đề kháng của phụ nữ yếu hơn bình thường, do đó nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên. Vì vậy, tiêm phòng cho bà bầu là biện pháp đơn giản, hiệu quả giúp bảo vệ người mẹ và em bé khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm.

Vắc xin nào cần chích trước khi mang thai?

Vắc xin phòng bệnh cho thai phụ và em bé được chia làm 2 giai đoạn: trước và trong lúc mang thai. 

Những vắc xin cần chích trước khi mang thai là sởi - quai bị - rubella, viêm gan B, cúm, thủy đậu, ung thư cổ tử cung do HPV. Sởi - quai bị - rubella là các bệnh lây qua đường hô hấp. Đề kháng của phụ nữ mang thai suy giảm hơn bình thường nên rất dễ mắc phải 1 trong 3 căn bệnh này. 

Nếu mẹ bầu mắc bệnh sởi, khả năng cao thai nhi sẽ bị dị dạng, sinh non, sẩy thai hoặc thai chết lưu. Đối với bệnh quai bị, vi rút sẽ gây viêm nhiễm buồng trứng, phá hủy tế bào trứng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Mắc bệnh quai bị cũng gây sinh non, thai chết lưu, dị tật bẩm sinh. Kết quả thống kê cho thấy, ở 90% phụ nữ mắc bệnh rubella trong thai kỳ, em bé sẽ bị dị tật như điếc hoặc mù. Bệnh thủy đậu cũng vô cùng nguy hiểm cho người mẹ và thai nhi. Ước tính 0,4% thai nhi dưới 20 tuần tuổi bị dị tật bẩm sinh nếu người mẹ mắc bệnh thủy đậu.

Ngoài ra, trong quá trình mang thai, người mẹ mắc bệnh cúm cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Con rất dễ dị tật nếu mẹ mắc cúm trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy nếu người mẹ được tiêm vắc xin phòng cúm sẽ giúp giảm tỉ lệ trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh hay dị tật sứt môi, hở vòm.

Vắc xin phòng cúm thường có hiệu quả bảo vệ trong vòng 1 năm kể từ thời điểm chích. Đặc biệt, vi rút viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguy cơ gây xơ gan, viêm gan. Vi rút này có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình chuyển dạ, sinh nở. Người mẹ nên làm xét nghiệm viêm gan B, dựa vào đó bác sĩ sẽ tư vấn về việc tiêm phòng để bảo vệ an toàn cho bản thân và em bé. 

Những loại vắc xin vừa kể trên cần chích trước khi mang thai 3 tháng. Riêng vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV cần được chích trước khi mang thai 6 tháng. HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây bệnh đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh. Vi rút HPV có thể tồn tại âm thầm và phát triển trong cơ thể mà không tạo ra bất kỳ triệu chứng nào. Bé gái và phụ nữ sẽ được bảo vệ tới 90% khỏi bệnh ung thư cổ tử cung do HPV nếu được chích ngừa trong khoảng thời gian từ 9-26 tuổi. Để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất, bạn cần tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung do HPV. Trong đó, liều thứ 2 cách liều 1 từ 1-2 tháng, liều 3 sau liều 1 khoảng 6 tháng. 

Vắc xin nào chích trong thai kỳ?

Bên cạnh những vắc xin phải chích trước khi mang thai, có một số loại vắc xin cần hoặc có thể chích trong thai kỳ. Nhìn chung, những vắc xin tái tổ hợp được cho là an toàn với phụ nữ mang thai. Có thể hiểu đơn giản rằng vắc xin tái tổ hợp là các chế phẩm sinh học của vi sinh vật được làm giảm độc lực, không còn khả năng gây bệnh đối với đối tượng nhận vắc xin. Khi đưa vắc xin này vào cơ thể, chúng có khả năng kích thích cơ thể sinh miễn dịch. Lúc này, cơ thể chịu sự kích thích của kháng nguyên, sẽ xuất hiện đáp ứng miễn dịch sản xuất ra một loại protein mới có chức năng bảo vệ cơ thể gọi là kháng thể. Thực ra các vắc xin như viêm gan siêu vi B, cúm, HPV đều là loại tái tổ hợp được giảm độc lực. Mọi người không chích những loại vắc xin này cho phụ nữ mang thai vì cho rằng không quá cấp bách để chích chúng trong thai kỳ. 

Mặt khác, có những loại vắc xin được chỉ định cần chích trong thai kỳ, chẳng hạn vắc xin ngừa uốn ván. Bác sĩ Thắm khuyến cáo, chích vắc xin uốn ván khi mang thai là vô cùng quan trọng, giúp bảo vệ bà mẹ và em bé trong quá trình sinh nở. Vi khuẩn uốn ván có thể xâm nhập trong lúc sinh nở theo đường sinh dục và gây uốn ván tử cung đối với bà mẹ. Không chỉ thế, vi khuẩn uốn ván còn dễ dàng xâm nhập tại vị trí cắt và buộc dây rốn, dẫn đến nhiễm trùng uốn ván rốn sơ sinh ở em bé. Mắc bệnh uốn ván, mẹ và em bé có thể bị suy hô hấp, tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.

Do đó, bác sĩ Thắm lưu ý những phụ nữ mang thai lần đầu (chưa từng tiêm phòng uốn ván, chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin) sẽ tiêm 2 mũi (vào thời điểm thai kỳ trên 20 tuần và 30 ngày kể từ lúc tiêm mũi 1). Đối với chị em mang thai lần 2, đã tiêm đủ 4 mũi uốn ván, mũi tiêm cuối trước 10 năm thì không cần phải tiêm nhắc lại. 

Ngoài ra, hiện có một loại vắc xin ho gà thế hệ mới được khuyến cáo nên chích cho thai phụ khi tuổi thai từ 20-25 tuần. Tiêm vắc xin ho gà này trong thai kỳ sẽ giúp sinh ra kháng thể để giảm tỉ lệ ho gà ở trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi. Thông thường, trẻ từ 2 tháng tuổi mới tới lịch chích vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván. Do đó, trong khoảng thời gian đệm (từ khi chào đời tới 2 tháng tuổi), nếu chẳng may trẻ bị nhiễm bệnh ho gà thì biến chứng vô cùng nặng nề, nguy hiểm. Trẻ sơ sinh bị lây nhiễm bệnh ho gà từ mẹ có tỉ lệ tử vong từ 1 - 3%. Sở dĩ nên chích vắc xin này khi mẹ mang thai từ 20-25 tuần vì các nghiên cứu cho thấy ở thời điểm đó, vắc xin sinh ra kháng thể bảo vệ em bé hiệu quả nhất. 

Bên cạnh vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván, những vắc xin như viêm gan A, phế cầu, viêm não mô cầu, viêm màng não mủ do HIB đều được cho là an toàn trong thai kỳ. Tuy nhiên, trước và trong lúc mang thai, chị em nên tới chuyên khoa sản thăm khám để được bác sĩ tư vấn và có chỉ định phù hợp. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI