Những giáo viên hết lòng vì học sinh ngay giữa "tâm bão" COVID-19

17/02/2021 - 07:56

PNO - Giữa lúc “cơn bão COVID-19” vẫn không ngừng hoành hành trên khắp thế giới thì vẫn có hàng ngàn giáo viên đã và đang không ngại lăn xả trong mọi hoàn cảnh vì những học trò thân yêu của mình.

Dưới đây là một số thầy cô giáo có những việc làm giản dị nhưng rất đáng khâm phục.

Cô giáo dạy tiếng Anh trở thành bảo mẫu

Khi nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ phụ huynh của cậu học sinh 7 tuổi của mình, cô giáo dạy tiếng Anh Luciana Machado Lira (tiểu bang Connecticut, Mỹ) lập tức trở thành “bà Bụt” ngay đúng lúc gia đình cậu bé đang trong cơn tuyệt vọng.

Cô giáo dạy tiếng Anh Luciana chạy ngay đến bệnh viện sau khi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ phụ huynh
Cô giáo dạy tiếng Anh Luciana chạy đến bệnh viện ngay sau khi nhận được cuộc gọi cầu cứu từ phụ huynh học sinh của mình

Mẹ của cậu học sinh đang ở bệnh viện để chuẩn bị sinh em bé, và cô nhận được kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19. Oái ăm hơn, người phụ nữ gốc Tây Ban Nha này không nói được tiếng Anh. Cô không thể giao tiếp với các y bác sĩ ở bệnh viện và cũng không thể liên lạc được với người chồng đang đi làm.

Đang lúc rối trí, chợt nhớ đến cô giáo người Tây Ban Nha dạy tiếng Anh cho con trai mình, cô đánh liều gọi điện thoại cầu cứu. Chỉ ít phút sau, Luciana đã có mặt tại bệnh viện để làm “thông dịch viên” trong suốt quá trình vượt cạn của cô.

Không chỉ là cô giáo, giờ đây cô Luciana còn trở thành bảo mẫu tự tay chăm sóc em bé sơ sinh khi mẹ của em đang phải điều trị COVID-19
Không chỉ là cô giáo, giờ đây cô Luciana còn trở thành bảo mẫu chăm sóc em bé sơ sinh khi mẹ của em đang phải điều trị COVID-19

Những ngày sau đó, cô giáo trẻ tốt bụng này còn trở thành bảo mẫu chăm sóc em bé sơ sinh để người mẹ yên tâm điều trị COVID-19.

“Cô tiên” của học sinh mắc chứng tự kỷ

Ở thành phố Apaseo el Alto thuộc bang Guanajuato (Mexico), một giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt tên là Nay đã biến chiếc xe bán tải của mình thành một “lớp học di động” để giúp những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt không bị hụt kiến thức do trường học phải đóng cửa suốt thời gian dài vì dịch bệnh.

Liên tục trong nhiều tháng liền, cô Nay lái xe hàng giờ đồng hồ đến tận nhà của các em học sinh ở những làng quê hẻo lánh nơi không có internet để dạy các em những bài học trong chương trình học phổ thông.

Tấm ảnh này đã thu hút sự quan tâm của công chúng tại Mexico với những lời khen ngợi dành riêng cho cô giáo tốt bụng
Tấm ảnh này đã thu hút sự quan tâm của công chúng tại Mexico với những lời khen ngợi dành cho cô giáo tốt bụng

Mới đây, tấm ảnh cô giáo Nay đeo khẩu trang, ngồi trên chiếc xe bán tải màu đỏ đang chăm chú dạy một cậu bé mắc chứng tự kỷ được một phụ huynh chụp và chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người.

Cư dân mạng đã dành những lời tốt đẹp cho cô giáo Nay như: cô giáo tuyệt vời, cô giáo thiên thần, người hùng của trẻ tự kỷ...

Cô giáo tự tay may “khẩu trang chuyên dụng” cho học sinh khiếm thính

Khi tất cả mọi người buộc phải đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh thì cô giáo Leslie Bailey (đang dạy ở một trường tiểu học tại thành phố Bossier, tiểu bang Louisiana, Mỹ) đã nhận ra một vấn đề nghiêm trọng đối với các học sinh khiếm thính của mình - vốn chỉ có thể dựa vào những cử động của đôi môi để hiểu nghĩa của câu từ.

Cô bé Baleigh Berry, 9 tuổi, là học sinh khiếm thính. Giờ đây, em đã có thể hiểu được những gì cô giáo giảng nhờ vào chiếc khẩu trang đặc biệt này
Nhờ vào chiếc khẩu trang đặc biệt, cô bé Baleigh Berry, 9 tuổi, là học sinh khiếm thính đã có thể hiểu được những gì cô giáo giảng 

Cô Leslie đã “sáng chế” ra một loại khẩu trang may bằng tay có khung trong suốt ở phần miệng. Nhờ vậy, tất cả học sinh của cô có thể học bài một cách bình thường. Và điều đặc biệt hơn cả là, cả cô và trò đều có thể nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của nhau.

Cô giáo với những chiếc khẩu trang tự may dành riêng cho học sinh khiếm thính. Video: GMA

 Cô giáo “hô biến” gara để xe của mình thành thư viện cho trẻ em

Cô Jennifer Martin là giáo viên dạy lớp 3 tại thành phố Austin (tiểu bang Texas, Mỹ). Nhận thấy trẻ em ở khu vực mình đang ở không có thư viện để đọc sách trong thời gian trường học đóng cửa, cô cùng bố mình đã quyết định cải tạo gara để xe của gia đình thành một thư viện nhỏ với hơn 2.000 đầu sách các loại, phần lớn là từ nguồn đóng góp của mọi người và từ tủ sách của gia đình cô.

"Tạo được thói quen đọc sách cho trẻ em là điều rất quan trọng. Để làm được điều đó cần phải có một nơi vừa thuận tiện, vừa vui vẻ để các em chịu đến đọc sách", cô Jennifer chia sẻ.

Trẻ em tỏ ra rất thích thú với thư viện nhỏ của cô Jennifer
Các em nhỏ tỏ ra rất thích thú với thư viện của cô Jennifer

Cô giáo sắp sinh vẫn dạy học từ xa ngay trong phòng chờ sinh bệnh viện

Thay vì phải nằm yên trên giường trong bệnh viện để chờ ngày sinh nở, cô giáo Janet Udomratsak ở Lancaster (California, Mỹ) lại tranh thủ thời gian để dạy học trực tuyến cho học trò của mình từ phòng chăm sóc thai phụ ở bệnh viện phụ sản.

Cô Janet cho biết, cô làm điều này một cách tự nguyện, không chỉ vì trường học thiếu giáo viên dạy thay mà vì cô thật sự nhớ học trò của mình.

Cô Janet đang dạy học từ xa ngay từ bên trong phòng chờ sinh của bệnh viện
Cô Janet đang dạy học từ xa ngay bên trong phòng chờ sinh của bệnh viện

Thầy giáo trở thành “shipper” giao 7.500 bữa cơm trưa cho học sinh nghèo phải học từ xa tại nhà

Thầy Zane Powles, giáo viên tiểu học ở một vùng quê nghèo thuộc nước Anh, cảm thấy không yên tâm khi học sinh của mình phải học ở nhà trong thời gian trường học đóng cửa, trong khi bố mẹ các em vẫn phải đi làm.

Lo lắng bữa trưa của các học trò nghèo sẽ không đủ dinh dưỡng, trong suốt 17 tuần liên tục,  thầy Zane đều đến trường thật sớm để chuẩn bị suất ăn trưa cho hơn 100 học sinh của mình thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến trưa, thầy lại lặn lội đến nhà giao cơm cho từng học sinh “để đảm bảo không có đứa trẻ nào phải bị đói”.

Thày Zane tự tay mang cơm trưa đến từng nhà cho học trò của mình
Thầy Zane tự mang cơm trưa đến nhà cho từng học trò của mình

Cô giáo đọc sách cho học sinh bị trầm cảm

Trong quá trình dạy học từ xa cho học sinh lớp 1 của mình, cô giáo Katie Ricca (bang Florida, Mỹ) nhận thấy có một cô học trò nhỏ tự nhiên rơi vào trạng thái buồn bã vô cớ và có những hành vi hết sức “kỳ lạ”.

Ngay lập tức, cô giáo Katie dừng lớp học trực tuyến và lái xe hàng chục cây số đến nhà cô bé. Bằng con mắt nghề nghiệp của mình, cô Katie biết ngay cô học trò đang mắc chứng trầm cảm. Từ đó, hàng ngày cô giáo trẻ lại đến nhà cô bé để chơi cùng và đọc sách cho em.

Hàng ngày, cô Katie đều lái xe đến nhà cô học trò nhỏ bị trầm cảm để hướng dẫn em vượt qua giai đoạn khó khăn này
Hàng ngày, cô Katie đều lái xe đến nhà cô học trò nhỏ bị trầm cảm để hỗ trợ em vượt qua giai đoạn khó khăn

Nguyễn Thuận (theo Inspire More)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI