Những giải pháp ổn định nguồn nhân lực cho TPHCM

04/10/2021 - 06:06

PNO - Việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 khiến nhiều người lao động ở TPHCM bị ngừng việc, mất việc, các doanh nghiệp thiếu hụt nguồn nhân lực khi tái mở cửa để sản xuất, kinh doanh. Lúc này, việc ưu tiên tiêm phủ, tiêm đủ liều vắc xin cho cả số công nhân đang ở TPHCM lẫn số đã về quê có nguyện vọng trở lại TPHCM làm việc là giải pháp tốt cho cả người lao động lẫn doanh nghiệp.

Chăm lo tốt để giữ chân lao động

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (Q.Bình Tân) - cho biết, trước khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Pouyuen Việt Nam có 56.700 công nhân. Từ cuối năm 2019, công ty đã có tình trạng thiếu nhân công nên rất chú trọng giữ chân người lao động. Từ tháng 6/2021, công nhân không đi làm được, công ty vẫn trả đủ lương tối thiểu đến hết tháng 8. Đến tháng 9, năng lực tài chính suy giảm, công ty vẫn cố gắng trả 50% lương tối thiểu và đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội để người lao động tiếp tục đồng hành, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Nhiều tháng qua, Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn sản xuất theo phương thức “ba tại chỗ” với 200 người tham gia trong tổng số 400 lao động của công ty. Ông Trương Tiến Dũng - Tổng giám đốc công ty kiêm Phó chủ tịch thường trực Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - cho biết, công ty luôn chú trọng giữ chân người lao động. Nếu chăm lo không tốt thì sau các đợt giãn cách xã hội, nguy cơ thiếu lao động sẽ rất cao.

Công nhân Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân)  làm việc theo phương thức “ba tại chỗ” được chăm lo bữa ăn, chỗ ở tốt để an tâm làm việc
Công nhân Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (Khu công nghiệp Tân Tạo, Q.Bình Tân) làm việc theo phương thức “ba tại chỗ” được chăm lo bữa ăn, chỗ ở tốt để an tâm làm việc

Khi sản xuất “ba tại chỗ”, ban lãnh đạo công ty cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với người lao động. Công ty chủ động chăm lo suất ăn tốt hơn, thêm rau, thêm trái cây để tăng cường sức khỏe cho người lao động. Với những người lao động đang ở nhà, ở trọ, công ty cũng đi chợ hộ để giúp họ tránh tiếp xúc, tránh lây nhiễm bệnh. 

“Trong bốn tháng qua, công ty có 15 ca mắc COVID-19 (F0), cả ở nhà lẫn ở công ty. Tuy nhiên, nhờ tiêm vắc xin cho người lao động từ rất sớm nên các ca F0 đều bình phục. Hiện đa số người lao động của công ty đã tiêm đủ hai mũi vắc xin” - ông Trương Tiến Dũng thông tin.

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 - qua khảo sát, phần lớn các thị trường khác cũng không thuận lợi lắm, nên khách hàng vẫn đặt niềm tin vào các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Qua khảo sát của hội, trong tuần đầu tháng 10 này, khi các DN thành viên tái hoạt động, khoảng 70 - 80% công nhân đã đi làm trở lại. Công ty May Sài Gòn 3 đã tiêm vắc xin mũi 1 cho 2.500 công nhân, đạt 100% và đã tiêm vắc xin mũi 2 cho 70% công nhân. Ông nói: “Với chính sách chăm lo tốt, công nhân coi công ty như ngôi nhà thứ hai, phần lớn công nhân gắn bó lâu năm nên khi hoạt động trở lại, không có người nào vắng mặt”.

Ổn định nguồn nhân lực bằng vắc xin

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM (LĐTBXH) gửi Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTBXH, TPHCM hiện có hơn 4,7 triệu lao động, trong đó có hơn 3,2 triệu người làm công ăn lương. Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao, đã có hơn 244.000 người phải tạm ngừng việc.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 1/10, ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM - cho biết, trong 5 tháng qua, đã có 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc không hưởng lương. Số DN vừa và nhỏ chiếm 98% tổng số DN của TPHCM; việc giãn cách xã hội kéo dài đã khiến nhiều DN không cầm cự nổi, phải phá sản nên số người lao động bị ảnh hưởng là rất lớn.

Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó trưởng Ban Quản lý các KCX và Công nghiệp TPHCM (HEPZA) - đầu năm 2021, tổng số làm việc trong các KCX, KCN của TP.HCM là 288.000 người. Khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có 720 DN sản xuất theo mô hình “ba tại chỗ” với 64.000 người lao động tham gia. Các DN sản xuất “ba tại chỗ” hay “một cung đường, hai điểm đến” cũng gặp khó khăn do chi phí quá lớn. Tất cả các DN đều muốn nhanh chóng hoạt động trở lại nhưng gặp khó khăn về nguồn lao động và nguồn cung nguyên vật liệu. Có khoảng 31.000 người lao động làm việc trong các KCX, KCN của TPHCM đã về quê, trong đó chủ yếu là những người quê ở gần TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ông Phan Kỳ Quan Triết - Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM - cho biết, thời điểm này, bên cạnh những DN vẫn duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều DN khác cũng chuẩn bị hoạt động trở lại.

Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước và trong ngày 1/10, việc sắp xếp lại nhân sự tại DN là một vấn đề nan giải. Các DN đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, có nhiều chế độ đãi ngộ để thu hút người lao động quay trở lại làm việc. “Thị trường lao động của TPHCM sẽ từng bước hồi phục và khởi sắc. Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng trong quý IV/2021 là khoảng 43.654 - 56.869 người”.

Đến nay, tại Công ty Pouyuen Việt Nam, đã có hơn 42.000 người được tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19 và hơn 20.000 người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Trong 17 KCN, KCN, khu công nghệ cao, đã có 242.000 người được tiêm vắc xin mũi 1 và trên 24.000 người được tiêm vắc xin mũi 2.

Theo các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp, đại diện các hiệp hội nghề nghiệp, để nhanh chóng có nguồn nhân lực cho các DN, trước mắt, UBND TPHCM cần ưu tiên tiêm phủ, tiêm đủ liều vắc xin cho cả số công nhân đang ở TPHCM lẫn số đã về quê có nguyện vọng trở lại TPHCM làm việc, đồng thời tiếp tục hỗ trợ gói an sinh, hỗ trợ chi phí nhà trọ, hỗ trợ việc di chuyển giữa nơi làm việc và nơi ở đối với công nhân ở các tỉnh gần TPHCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh… Về lâu dài, UBND TPHCM cần những giải pháp căn cơ, trong đó quan trọng nhất là chỗ ở, việc học hành của con cái… để người lao động các tỉnh yên tâm khi chọn TPHCM làm nơi mưu sinh.

Dự tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho biết, trong nhiều tháng qua, người dân, DN và 18 triệu người lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam đã bị dịch bệnh ảnh hưởng rất nặng nề. Chỉ 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do DN đáp ứng được yêu cầu để sản xuất “ba tại chỗ”. Dịch bệnh đang dần được kiểm soát và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ người dân, DN. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, sắp tới, phải tiếp tục tiêm vắc xin để bảo đảm sản xuất an toàn; tăng cường năng lực y tế để điều trị kịp thời các ca F0 phát sinh và có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng để người lao động yên tâm làm việc. 

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI