Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp trước quyết định đưa sản xuất trở lại

26/09/2021 - 12:27

PNO - Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương để tìm giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn do dịch COVID-19 sớm quay lại sản xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp. Mục đích là lắng nghe ý kiến, đề xuất... từ chính các doanh nghiệp và Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.

Theo Thủ tướng, sau một thời gian quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống dịch với nhiều sự thay đổi chiến lược, dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, đặc biệt tại những tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… 

Hình ảnh Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Ảnh: Báo Chính phủ
Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp - Ảnh: VGP

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết đã có trên 85.000 doanh nghiệp (chiếm 10% tổng số doanh nghiệp cả nước) rút khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm nay; trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020.

Các thành phần kinh tế, các ngành nghề bị ảnh hưởng tiêu cực hơn khi các tỉnh/thành đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội trong những tháng qua. Tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, chi phí sản xuất, kinh doanh tăng vọt… nhiều đơn hàng bị mất, nhiều lĩnh vực kinh tế hoạt động dưới 60% công suất. Các lĩnh vực du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Chủ tịch Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam cho rằng, với diễn biến dịch bệnh trong 4 tháng qua, không thể trở về trạng thái "zero COVID" (đưa số ca nhiễm về 0). Doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Thủ tướng là phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp. Theo đó, chiến lược ứng phó với COVID-19 phải thay đổi, thay vì dồn toàn lực tập trung phòng chống COVID-19, cần tập trung song song với việc duy trì, phát triển kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, vẫn còn một số hạn chế trong việc thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Một số chính sách triển khai tại các địa phương khá cứng nhắc, thiếu thống nhất gây khó khăn cho đối tượng hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp khiến số doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp. Ngoài ra, vấn đề được các doanh nghiệp mong mỏi nhất lúc này là Chính phủ khẩn trương có hướng dẫn cụ thể các quy định về tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để họ có thể chủ động phương án sản xuất kinh doanh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu góp ý từ cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây; giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; giao Bộ Công thương tiếp tục theo dõi, đánh giá và xem xét phương án giảm chi phí các dịch vụ thiết yếu như điện, xăng với mức 10-30%...

Hàng quán tại TPHCM đang dần mở của để phục vụ khách là tín hiệu đáng mừng khi dịch bệnh dần được kiểm soát. Ảnh: Quốc Thái
Hàng quán tại TPHCM đang dần mở cửa để phục vụ khách là tín hiệu đáng mừng khi dịch bệnh dần được kiểm soát - Ảnh: Quốc Thái

Trước hội nghị này, rất nhiều hiệp hội ngành hàng đã gửi các kiến nghị tới Chính phủ để phản ánh những vướng mắc, khó khăn và các giải pháp tháo gỡ.

Chẳng hạn, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất Bộ Y tế chủ trì cùng các địa phương đàm phán trực tiếp với các nhà sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh để mua số lượng lớn (trên 100 triệu bộ với chi phí gốc), với giá khoảng 1,5 USD/kit (tương đương khoảng 35.000 đồng). Nếu mua được giá gốc với số lượng lớn thì có thể tiết kiệm được cho ngân sách hàng ngàn tỷ đồng.

Công nhân tại một doanh nghiệp chế biến tại TPHCM đang trong dây chuyền sản xuất. Ảnh: Quốc Thái
Công nhân một doanh nghiệp chế biến tại TPHCM đang trong dây chuyền sản xuất - Ảnh: Quốc Thái

Hội này cũng đề nghị Chính phủ xem xét các doanh nghiệp đều khó khăn như nhau và được giãn nợ đồng loạt 6-9 tháng không để xuống nhóm nợ, trừ các ngành vẫn hoạt động tốt trong đại dịch như y tế, thực phẩm, sắt thép…; giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng, kiến nghị mức giảm 50% đến hết tháng 6/2022 đối với thuế suất giá trị gia tăng và áp dụng đại trà, không chọn lọc về mặt hàng nhằm giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giảm giá cho khách hàng tiêu dùng...

Ngoài ra, Hội Doanh nhân trẻ kiến nghị Bộ Y tế thống kê một bài thuốc Nam, thuốc Bắc để có thể đưa vào danh sách thuốc điều trị COVID-19 sau khi có rất nhiều doanh nghiệp áp dụng chữa trị cho nhân viên bị nhiễm COVID-19 hiệu quả.

Các hiệp hội (Thực phẩm minh bạch, Lương thực - thực phẩm TPHCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Dệt may Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhựa Việt Nam và Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam) cũng gửi kiến nghị về những điểm không phù hợp trong dự thảo hướng dẫn “Thích ứng an toàn với dịch COVID-19” của Bộ Y tế với Chính phủ. Tám hiệp hội này cho rằng, dự thảo "sống chung" với COVID-19 của Bộ Y tế chưa thể sống chung mà vẫn mang mục tiêu “Zero COVID”.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI