Những cánh đồng chết

05/09/2019 - 07:39

PNO - Hàng trăm dự án, hàng chục điểm khai thác khoáng sản ở H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đã khai tử hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp của nông dân.

Hết “cửa” làm nông

Cánh đồng Hố Trâu, Hố Bạc thuộc thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, H.Hòa Vang trước đây màu mỡ, mang lại nguồn lương thực dồi dào cho địa phương, giờ chỉ còn cỏ dại, phân trâu và bùn đen bạc màu lẫn vào những đống đá xay thành phẩm của các chủ bãi đá. 

Ông Võ Trung, 66 tuổi, suốt một đời chỉ biết làm nông. Cách đây hơn chục năm, hơn một sào lúa tại cánh đồng Hố Trâu của ông bị doanh nghiệp bức tử vì đất đá mỗi mùa mưa đổ ào về lấp hết mương thoát nước. Doanh nghiệp khai thác đá nọ đã phối hợp với chính quyền địa phương trả cho ông khoản tiền “hỗ trợ”. Ông Trung còn mấy thước đất trồng lúa bên đồng Hố Bạc nhưng chỉ được ít lâu, một doanh nghiệp khác được cấp phép khai thác khoáng sản cũng “xay” cánh đồng này như doanh nghiệp nọ đã làm với đồng Hố Trâu.

Ông Trung hết đất, hết kiếp làm nông. Hằng năm, gia đình ông nhận được tiền hỗ trợ của các chủ mỏ khai thác từ mấy trăm ngàn giờ lên 1,2 triệu đồng/sào/năm. Cả hai cánh đồng Hố Trâu và Hố Bạc rộng khoảng 7ha, bị bồi lấp, bức tử hoàn toàn. 

Nhung canh dong chet
Ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu, xã Hòa Nhơn, sau những cánh đồng chết là các mỏ đá “sống” khỏe

Bà Trần Thị Hóa - 52 tuổi, ở tổ 3, thôn Phước Thuận - Phước Hậu - có 4 sào ruộng ở cánh đồng Thung. Giữa núi rừng bao vây, cánh đồng Thung rộng gần chục héc-ta xanh ngát một màu… cỏ dại. Cánh đồng này bỏ hoang hơn chục năm nay. Bà Hóa đang cuốc cỏ bên luống lạc sát mé rừng, trước mặt con đường công vụ mới mở mấy năm để xe chở nguyên vật liệu ra vào các khu khai thác mỏ. Cũng từng được nhận tiền hỗ trợ như ông Trung, nhưng giờ bà Hóa và hàng chục hộ nông dân có đất ở cánh đồng Thung không còn nhận được tiền nữa, vì đơn vị khai thác mỏ đã hết hạn khai thác, rời đi. 

Ông Lê Văn Tuân - Trưởng thôn Phước Thuận - Phước Hậu có 197 hộ dân - nói: “Họ đi rồi thì tiền cũng đi theo luôn. Ở cánh đồng Thung, ngoài 8ha bị ảnh hưởng trực tiếp, còn có hơn 2ha cũng gián tiếp bị ảnh hưởng, không sản xuất do khai thác mỏ, nhưng không đơn vị nào chịu trách nhiệm. Sau này, cả chục héc-ta đang được hỗ trợ hiện nay hết hạn khai thác mỏ, cũng sẽ chung số phận với 10ha đang nằm chết kia thôi”.

“Mỗi sào, họ hỗ trợ 1,2 triệu đồng, ngó thì có lời so với công sức, vốn liếng đổ ra, nhưng khi không còn đất làm nông, thời gian dôi dư sẽ tiêu tốn nhiều hơn. Những phụ phẩm lương thực dùng để chăn nuôi cũng không còn, nghĩa là mất thêm một nguồn thu từ chăn nuôi” - ông Tuân nhẩm tính.

Khó hồi sinh cánh đồng chết

Cả thôn Phước Thuận - Phước Hậu hiện còn nhận tiền hỗ trợ trên diện tích khoảng 10ha, đồng thời cũng có khoảng 10ha khác bị hoang hóa do ảnh hưởng của việc khai thác mỏ nhưng không còn nhận được tiền hỗ trợ. Hiện còn khoảng 17ha đang được người dân sản xuất nông nghiệp. Sau những cơn “hút máu” ruộng đồng, đời sống người dân Phước Thuận gặp không ít khó khăn. Họ phải lăn lộn để tìm mọi phương kế sinh sống, lo cho con cái học hành. “Hồi trước, còn 4 sào ruộng, nuôi chục con heo, đến kỳ xuất chuồng cũng kiếm được chục triệu đồng, lo cho con ăn học. Giờ thì ruộng mất, trăm thứ phải lo, mà tiền hỗ trợ cũng không còn” - bà Hóa kể.

Xã Hòa Nhơn không chỉ ở thôn Phước Thuận - Phước Hậu bị ảnh hưởng, khiến đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Còn nhiều thôn khác cũng rơi vào tình cảnh này do việc khai thác mỏ hoặc triển khai các dự án làm đường, tái định cư… Ông Trần Văn Thu - Phó chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn - cho biết, từ năm 2010 đến nay, toàn xã có 50ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng; có 18 xứ đồng tại 9 thôn bị ảnh hưởng, trong đó hơn 29ha đất nông nghiệp bị bồi lấp do việc khai thác mỏ đất, đá gây ra, 21ha do triển khai dự án. Tuy có sự hỗ trợ tiền cho diện tích không sản xuất được hằng năm, nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời. 

“Hằng năm, cứ vào mùa mưa, đất đá từ trên núi lại trào xuống theo nước mưa, lấp hết kênh mương, lấp ruộng đồng thì không có cách gì cải tạo được. Nên giải pháp cải tạo đồng để tái sản xuất nông nghiệp là không khả thi, trừ khi dừng hẳn hoạt động khai thác mỏ trong khu vực này” - ông Thu nói.

Theo ông Đặng Phú Hành - Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang - UBND huyện kiến nghị UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ tiền cho dân, chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi đất nông nghiệp không sản xuất được do ảnh hưởng dự án và đã thu hồi được 19,5ha. Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng - cho biết, dù đã phân kỳ thu hồi nhưng việc thu hồi đất nông nghiệp không sản xuất được phải theo đúng quy trình. Trong thời gian chưa triển khai được, chính quyền thành phố sẽ tìm giải pháp hỗ trợ cho người dân. 

Hơn 500ha đất nông nghiệp bị ảnh hưởng

Theo UBND H.Hòa Vang, 11 xã ở huyện này có tổng cộng 537,4ha đất nông nghiệp không sản xuất, trong đó có 126,13ha do ảnh hưởng bởi dự án, 37,04ha do khai thác khoáng sản, 28,29ha hoang hóa do nguyên nhân khác. Hòa Vang còn có 345,97ha đất sản xuất một vụ, đất màu không chủ động được nguồn nước.

Lê Bảo

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI