Những cách dạy con làm trẻ tổn hại sức khỏe tâm thần

17/05/2022 - 05:59

PNO - Theo tiến sĩ Malini Saba - một nhà tâm lý học và là Chủ tịch của tổ chức từ thiện Anannke Foundation, cha mẹ có thể vô tình làm tổn hại sức khỏe tâm thần của trẻ với những cách giáo dục sau đây.

 

Các bậc cha mẹ có thể vô tình làm tổn hại sức khỏe tâm thần của trẻ
Các bậc cha mẹ có thể vô tình làm tổn hại sức khỏe tâm thần của trẻ

1. So sánh con với những đứa trẻ khác

Theo tiến sĩ Saba, một trong những cách nuôi dạy con làm trẻ bị ảnh hưởng về mặt tinh thần nhiều nhất là so sánh con với những đứa trẻ khác. Đó nguyên nhân sâu xa của nhiều chứng rối loạn tâm thần ở trẻ, bao gồm mặc cảm tự ti, khiến trẻ luôn có ý nghĩ rằng “mình sẽ không bao giờ bằng các bạn khác”, kém tự tin, và thiếu sự yêu thương bản thân.

2. Không quan tâm các nhu cầu về cảm xúc của con

Trẻ có thể cảm thấy mình không được quan tâm, bị bỏ rơi thông qua những cử chỉ nhỏ, đôi khi là vô tình từ cha mẹ. Tiến sĩ Saba khuyên, khi trẻ bị tổn thương, dù chỉ vì một điều gì đó nhỏ nhặt, cha mẹ cũng cần phải an ủi, vỗ về trẻ, ôm trẻ nếu trẻ không được khỏe. Cha mẹ cũng nên chúc mừng trẻ khi các em đạt được những thành tích nhỏ, và quan trọng nhất là ở bên cạnh trẻ khi chúng cần.

Tiến sĩ cũng cảnh báo rằng, nếu cha mẹ không đáp ứng được nhu cầu về cảm xúc của con, trẻ có thể chuyển sang chia sẻ hoặc tìm sự hỗ trợ từ người khác, về điều này sẽ không loại trừ khả năng các em sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực sau này.

3. “Buộc tội” con để trẻ làm theo ý của mình

Theo tiến sĩ Saba, khi cha mẹ làm cho con có cảm giác tội lỗi (khi trẻ không hoàn thành một việc gì đó), hậu quả sẽ có thể rất tệ hại và lâu dài: trẻ mất sự tự tin, có khuynh hướng nghĩ rằng “mình sẽ chẳng thể làm được điều gì tốt đẹp”, từ đó giảm bớt lòng tự trọng. Saba khuyên, cha mẹ nên có một cuộc đối thoại “hòa bình” với con, và giải thích cho trẻ những mong muốn hoặc kỳ vọng của mình, thay vì lên án hoặc đổ lỗi cho con.

4. Đòi hỏi con đạt đến sự hoàn hảo

Tiến sĩ Saba cho rằng, trẻ em nên được dạy để “vươn tới các vì sao”, nhưng cha mẹ nên để cho con xem việc này như là một lựa chọn, chứ không phải là một yêu cầu. Để trở thành một người cầu toàn và xuất sắc trong mọi việc, một đứa trẻ sẽ phải không ngừng phấn đấu và làm việc chăm chỉ, không có điểm dừng.

Điều này sẽ đem đến cho các em một cảm giác bất mãn và thất bại sâu sắc, nếu không đạt được một thành tích nào đó. Kết quả là các vấn đề về sức khỏe tâm thần như buồn bã, căng thẳng và lo lắng, sẽ phát triển.

5. Bảo vệ con quá mức

Giữ con trong một “bong bóng an toàn” giúp các bậc cha mẹ loại bỏ rất nhiều lo lắng, nhưng mặt khác lại cản trở sự phát triển của trẻ. Saba khuyên cha mẹ hãy đặt mình vào vị trí của người hướng dẫn, thay vì là người giám hộ.

Nên tạo điều kiện cho con trải nghiệm cuộc sống, ngay cả khi điều đó sẽ có thể tạo ra cho trẻ sự sợ hãi ban đầu. Bởi vì qua đó, trẻ mới có cơ hội để phát triển sự tự tin trong khả năng của mình, để xử lý các tình huống đa dạng trong cuộc sống.

Nhất Nguyên (theo HT Lifestyle)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI