Những bác sĩ không khoác áo blouse

12/04/2020 - 10:00

PNO - Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, có những y bác sĩ ngày đêm âm thầm với công việc ít người biết, từ điều tra dịch tễ của các ca bệnh, ca nghi mắc đến tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xử lý, khoanh vùng kịp thời… Họ chính là những “người hùng” trong tuyến đầu chống dịch.

Y bác sĩ Viện Pasteur TP.HCM xuyên đêm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ các nơi gửi về
Y bác sĩ Viện Pasteur TP.HCM xuyên đêm xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm từ các nơi gửi về

Hành khúc ngày và đêm

Đó là cách mà những y bác sĩ làm công tác xét nghiệm, dự phòng miêu tả về thời gian làm việc của mình những ngày này. Nghe có vẻ thi vị nhưng thực tế là họ phải căng mình làm việc suốt ngày đêm và ở hẳn nơi làm việc.

Vừa mở hộp cơm trưa, Trương Thị Thanh Lan, cử nhân y tế công cộng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận được thông báo có ca mới mắc COVID-19. Cô vội kiểm tra lại chiếc ba-lô cá nhân lúc nào cũng sẵn bên mình, bên trong có mấy chiếc khẩu trang chuyên dụng, bộ đồ phòng dịch, bao tay, nước sát khuẩn… rồi vội vã lên đường.

Công việc của Lan là điều tra dịch tễ, xác định hành trình, những người mà bệnh nhân (BN) mắc COVID-19 gặp gỡ, giao tiếp trong 14 ngày gần nhất. “Chúng tôi thường đến gặp trực tiếp BN chứ ít khi trò chuyện qua điện thoại, bởi phải đến tận nơi mới biết BN có nói thật hay không, có hoảng loạn không để mình còn kịp hỗ trợ tâm lý. BN nhớ chính xác bao nhiêu, cung cấp thông tin chính xác bao nhiêu thì nguy cơ chặn dịch lây lan trong cộng đồng càng đỡ được bấy nhiêu. Bất kể ngày đêm, xa gần… chỉ cần nghe có BN mắc COVID-19 trên địa bàn TP.HCM là mọi người lại phân nhau đến tận nơi” - Lan chia sẻ.

Nửa đêm, Sài Gòn những ngày thực hiện cách ly toàn xã hội gần như vắng bóng các phương tiện giao thông. Từ xa, chiếc xe chuyên dụng của một bệnh viện mang biển số tỉnh nhấp nháy đèn xin đường, đem theo mẫu bệnh phẩm của BN COVID-19 vội vã đỗ trước Trung tâm Cúm quốc gia của Viện Pasteur TP.HCM. Ngay lập tức, cử nhân Nguyễn Trung Hiếu, Phòng Vi-rút hô hấp của Khoa Vi sinh miễn dịch Viện Pasteur TP.HCM đưa mẫu vào xét nghiệm.

“Sau khi nhận mẫu bệnh phẩm, chúng tôi phải tiến hành xét nghiệm ngay để có kết quả sớm nhất, phục vụ nhanh nhất cho công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời tránh để BN chờ đợi trong lo lắng. Không ai bảo ai nhưng mọi người đều trong tâm thế chạy đua với thời gian, đáp ứng khẩn cấp công tác phòng chống dịch” - Hiếu nói nhanh.

Từ ngày có dịch đến nay, Hiếu và đồng nghiệp của anh nhiều đêm thức trắng. Nhất là những ngày lượng người nhập cảnh tăng lên, rồi những người ở khu cách ly tập trung gần hết hạn 14 ngày, họ cần giấy chứng nhận “âm tính” để ra trại. Mỗi người ở khu cách ly có ít nhất 2 lần lấy mẫu. Do đó, số lượng mẫu sẽ gấp đôi số người cách ly. Đó là chưa kể với những mẫu có dấu hiệu nghi ngờ, phải xét nghiệm nhiều lần. Không chỉ chịu trách nhiệm xét nghiệm COVID-19 cho TP.HCM, viện còn đảm trách cho 19 tỉnh thành phía Nam nên luôn chuẩn bị tư thế đón mẫu bệnh phẩm đến bất cứ lúc nào, kể cả nửa đêm hay rạng sáng.

Tổ điều tra dịch tễ của HCDC chuẩn bị tác chiến
Tổ điều tra dịch tễ của HCDC chuẩn bị tác chiến

Chỉ cần thiếu tập trung trong tích tắc sẽ rất nguy hiểm

Theo chân những người tiếp xúc với BN để truy tìm các dấu vết lây nhiễm có thể có của bệnh là công việc vất vả, yêu cầu mỗi y bác sĩ phải liên tục theo dõi, cập nhật hằng ngày. Công việc tiềm ẩn đầy nguy cơ lây nhiễm, cực kỳ nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết và hình dung được.

“Mọi người đều làm hết khả năng, sẵn sàng ứng trực liên tục, không ai được phép ngừng liên lạc. Trong bất cứ tình huống nào, khi có lệnh điều động là phải lên đường. Chúng tôi đều xác định không sợ dịch nếu biết cách phòng chống” - Huỳnh Thị Hoài Thương, bác sĩ y học dự phòng của Khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc HCDC, nhìn nhận.

Theo thạc sĩ - dược sĩ Cao Minh Thắng, Phó khoa Vi sinh miễn dịch Viện Pasteur TP.HCM, điều lưu ý của xét nghiệm COVID-19 là mẫu bệnh phẩm có thể chứa vi-rút sống. Do đó phải thực hiện nghiêm quy định xử lý bệnh phẩm trong tủ an toàn sinh học cấp độ 2. Kỹ thuật viên chỉ cần thiếu tập trung trong tích tắc thì nguy cơ lây nhiễm sẽ rất cao.

Do công việc buộc phải tiếp xúc với người nhiễm hoặc nhóm có nguy cơ cao, Thanh Lan luôn tự “cách ly” mỗi khi về nhà: “Tôi không dám trò chuyện, ôm ba mẹ như trước. Ba mẹ tôi lớn tuổi lại có nhiều bệnh nền. Thế nên về tới nhà là tôi đi thẳng vào phòng và ở hẳn trong đó, chẳng dám gặp ai…”.

Nhắc đến con gái nhỏ, Nguyễn Thị Ngọc Thảo, nhân viên Phòng Vi-rút hô hấp của HCDC, tâm sự: “Con gái rất bám mẹ nên tôi hầu như không dám về nhà bởi lỡ có chuyện gì thì ân hận lắm. Có khi nhớ con, đêm khuya tôi mới về một chút để được ngắm con ngủ, lấy ít đồ dùng cá nhân và gần sáng thì trở lại viện, tiếp tục công việc”.

Dù hôm nay là ngày cuối cùng làm việc đi nữa...

Trước đây, bác sĩ dịch tễ thường theo dõi, giám sát các bệnh dịch như sởi, sốt xuất huyết, bệnh dại… trên địa bàn. Từ khi xuất hiện dịch COVID-19, công việc của họ tăng lên gấp nhiều lần. Những bữa cơm dang dở, những đêm thức trắng, những chuyến đi liên miên… đã trở nên thường xuyên đối với họ. 

Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19
Lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm COVID-19

“Nói thì đơn giản nhưng muốn tìm được một trường hợp người tiếp xúc gần để đưa vào cách ly có khi phải mất hơn một ngày. Bởi chỉ cần sai tên họ hay năm sinh, số điện thoại là lại phải rà soát, đối chiếu lại từ đầu. Tìm không ra là không yên tâm, vì họ có thể mang mầm bệnh, là mối nguy cho cả cộng đồng…” - một bác sĩ điều tra dịch tễ thổ lộ.

Ai đã được phân theo dõi BN mắc COVID-19 nào là phải theo dõi, giám sát thường xuyên đến khi nào họ khỏi bệnh, lúc đó mới hoàn thành chuỗi ca để chuyển sang BN khác. “Chúng tôi không phải công an, người dân, du khách cũng không phải tội phạm, nên không thể làm như… ép cung được. Những lúc ấy, chúng tôi phải mềm mỏng, khéo léo tuyên truyền, vận động, tránh gây áp lực để người dân bình tĩnh hợp tác. Thế nên mới có chuyện, có người khai báo sai, thiếu những người mình gặp, những nơi mình đi; sau khi được giải thích, vận động, họ xin khai báo lại từ đầu…” - Thanh Lan trải lòng.

Bộ phận tiếp nhận mẫu của Viện Pasteur TP.HCM làm việc 24/24
Bộ phận tiếp nhận mẫu của Viện Pasteur TP.HCM làm việc 24/24

Công việc xét nghiệm rất quan trọng và cần độ chính xác cao. Khi phát hiện sớm một ca mắc COVID-19, ngay lập tức viện sẽ báo với Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của các tỉnh thành, thực hiện nhanh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, kịp thời điều trị cho người bệnh, điều tra dịch tễ người tiếp xúc, khoanh vùng, xử lý môi trường… ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, dập dịch kịp thời, bảo vệ an toàn cho sức khỏe nhân dân, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra - dược sĩ Cao Minh Thắng phân tích.

Phó giáo sư - tiến sĩ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay, mặc dù công việc nhiều, lại chịu sức ép về thời gian nhưng đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế đều tận tụy, nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ mong cuộc sống được bình yên.

10g đêm, trước khi “vào ca”, các y bác sĩ lại giúp nhau mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, sửa chiếc khẩu trang ngay ngắn với ánh mắt đầy lạc quan. Và chúng tôi biết dù hôm nay có là ngày cuối cùng làm việc đi nữa, họ vẫn sẽ cố gắng hết mình, với ước mong ngày càng có nhiều xét nghiệm âm tính, nhiều BN khỏi bệnh được trở về nhà… 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI