Nhiều người khá giả Trung Quốc muốn ra nước ngoài vì áp lực "zero COVID"

15/06/2022 - 18:33

PNO - Mất kế sinh nhai vì phong tỏa, cuộc sống đảo lộn khi trường học, các khu mua sắm đóng cửa, nhiều gia đình trung lưu tại Trung Quốc tìm cách ra nước ngoài để tìm tương lai tốt hơn.

 

Nhân viên y tế trong trang bị bảo hộ cá nhân đẩy xe chở đồ ăn trưa cho người dân tại một khu phố bị phong tỏa ở Thượng Hải.
Nhân viên y tế đẩy xe chở đồ ăn trưa cho người dân tại một khu phố bị phong tỏa ở Thượng Hải

Ở lại hay rời đi?

Lan Li cho biết anh lo lắng cho tương lai của gia đình mình vì chính sách "zero COVID" ảnh hưởng nặng nề đến công việc kinh doanh của anh, khiến con trai anh phải học trực tuyến và đất nước trở nên lạc lõng với phần còn lại của thế giới.

Anh từ bỏ hy vọng về một cuộc sống trở lại bình thường sau nhiều tháng Thượng Hải bị phong tỏa. Lan Li có kế hoạch đóng cửa công ty và chuyển đến Hungary, nơi anh nhìn thấy cơ hội tốt hơn và cậu con trai 13 tuổi có thể theo học một trường quốc tế.

Anh mệt mỏi nói với AFP và yêu cầu giấu tên thật của mình: "Những tổn thất trong năm nay khiến chúng tôi gần như mất sạch. Chúng tôi đã sử dụng tiền tiết kiệm của mình để trả lương cho 400 công nhân trong thời gian đóng cửa. Điều gì sẽ xảy ra nếu tình trạng phong tỏa tái diễn một lần nữa vào mùa đông này?".

Việc Thượng Hải phong tỏa kéo dài cùng tình trạng thiếu lương thực đã khiến một số người xem xét việc ở lại quê hương, nơi họ không còn sinh kế, hay rời đi.

Các trường học bị đóng cửa và nhiều kỳ thi phải hoãn lại, bao gồm cả kỳ thi đại học “gaokao” và các kỳ đánh giá năng lực để nộp đơn vào hệ thống trường đại học Mỹ.

Li thất vọng vì việc học song ngữ tốn kém của con trai anh chủ yếu diễn ra trực tuyến suốt hai năm, và lo lắng về cách Bắc Kinh thắt chặt giám sát chương trình giảng dạy. “Đây là một sự lãng phí tuổi thanh xuân của bọn trẻ”, Li nói.

Là người khá giả, Li có thể tận dụng cơ hội đầu tư tại châu Âu, cho phép anh và gia đình định cư ở Budapest. Anh giải thích: "Nhiều người biết rằng nếu họ bán tất cả tài sản của mình, họ có thể sống an nhàn ở một quốc gia châu Âu".

Nhà tư vấn nhập cư Guo Shize có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết, công ty của ông đã chứng kiến ​​sự bùng nổ các yêu cầu kể từ tháng Ba, trong đó lượng khách hàng ở Thượng Hải tăng gấp 3 lần. Ngay cả sau khi lệnh phong tỏa được nới lỏng, các yêu cầu này vẫn tiếp tục đổ đến, cao hơn gấp đôi so với mức bình thường.

Mọi người xếp hàng để xét nghiệm axit nucleic trên một con phố, trong bối cảnh các biện pháp ngăn chặn mới ở nhiều khu vực của thành phố nhằm hạn chế sự bùng phát của COVID-19 ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 11/6
Người dân xếp hàng để xét nghiệm COVID-19 trên một con phố ở Thượng Hải, hôm 11/6

Cấm xuất cảnh

Các ngành chức năng đã tìm cách ngăn chặn những cuộc thảo luận về việc di cư, khiến những người dùng Internet nhanh nhẹn sử dụng thuật ngữ "chạy trốn" để thay thế.

Các tìm kiếm cho thuật ngữ này trên ứng dụng nhắn tin WeChat đã tăng cao nhất trong thời gian Thượng Hải phong tỏa.

Nhưng khi ngày càng có nhiều người xem xét các cách rời đi, Bắc Kinh đã tăng cường chính sách xuất cảnh nghiêm ngặt đối với công dân Trung Quốc.

Tất cả các chuyến du lịch "không cần thiết" ra khỏi đất nước đã bị cấm. Việc gia hạn hộ chiếu bị tạm dừng, do quan ngại nguy cơ ca nhiễm COVID-19 xâm nhập vào đất nước.

Trong nửa đầu năm 2021, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chỉ cấp 2% số hộ chiếu được cấp trong cùng kỳ năm 2019.

Emily - một phụ nữ di cư đến Đức - nói với AFP rằng cô nhận được hàng chục tin nhắn từ những người Trung Quốc tìm kiếm mẹo để “chạy trốn”.

Emily đã cố gắng giúp một người họ hàng có được hộ chiếu mới để nhận việc ở châu Âu, nhưng đơn xin xuất cảnh đã bị từ chối.

Cô chia sẻ: "Nó giống như việc những đứa trẻ muốn đến nhà bạn chơi nhưng cha mẹ không cho chúng rời đi", và cho hay hộ chiếu được bán với giá lên tới 30.000 nhân dân tệ (4.500 USD) trên thị trường chợ đen.

Một người hành nghề tự do nói với AFP rằng anh ta đã bị các nhân viên sân bay bắt quay về khi cố gắng bay đến Thổ Nhĩ Kỳ để làm việc vào tháng 10/2021, dù anh đã làm xong thủ tục.

Anh kể lại: "Hành trình của tôi nghe có vẻ quá đáng ngờ đối với họ. Họ mang hộ chiếu của tôi vào văn phòng và 15 phút sau nói với tôi rằng tôi không đáp ứng được các yêu cầu để rời đi".

Dù vậy, vài tuần sau đó người này đã nhập cảnh Macau bằng một giấy thông hành khác, trước khi bắt chuyến bay sang châu Âu.

Tấn Vĩ (theo AFP, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI