Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ:

“Nhiều con đường để đến lễ hội trong tâm thức từng người”

22/02/2021 - 07:34

PNO - Những tập tục bắt rễ sâu rộng vào đời sống văn hóa - tinh thần của người Việt cũng tự thích ứng với trạng thái “bình thường mới” do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong câu chuyện đầu năm, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (ảnh) nói: “Không đi lễ hội năm nay thì ta đi năm sau. Có nhiều con đường để đến lễ hội trong tâm thức từng người”.

Có nhiều cách để duy trì giá trị của lễ hội

*Phóng viên: Xin hỏi ông, lễ hội đầu năm mới đóng vai trò như thế nào trong đời sống tinh thần của người Việt?

-Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Trong đời sống tinh thần người Việt, cũng như bất cứ cư dân nào trên thế giới, lễ hội đóng một vai trò hết sức quan trọng. 

Trước hết, đó là thời điểm để con người giải tỏa, nghỉ ngơi, vui chơi, ăn uống, tái sản xuất sức lao động qua chuỗi ngày dài vất vả kiếm sống. Chơi hội, vui hội sẽ đáp ứng nhu cầu hạnh phúc trong nghỉ ngơi, thụ hưởng thành quả lao động của chính mình.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

Có làm lụng cật lực thì phải có nghỉ ngơi. Có kiếm sống vất vả thì có hưởng thụ. Đây là thời điểm con người tự khẳng định mình trước mọi người, cộng đồng mình trước cộng đồng khác. Đồng thời, cũng là lúc mở rộng quan hệ, mở rộng giao lưu khỏi sự o bế của đời sống khép kín thường nhật. Đón khách ngày hội là một phong tục tốt đẹp bao đời. Tinh thần cố kết cộng đồng rộng lớn, lan tỏa tình đồng loại là một giá trị xuyên suốt của lễ hội.

Lễ hội cũng là dịp bùng nổ những năng lực văn hóa cá nhân và cộng đồng; là thời điểm mạnh của mọi phương thức trình diễn từ triển lãm thành quả, biểu dương lực lượng đến tổng hợp các loại hình văn hóa nghệ thuật. Là khi cộng đồng hướng về cội nguồn với một tâm thức thiêng liêng, thành kính trong tế lễ. Người ta xem lại quá khứ, khẳng định hiện tại và kỳ vọng vào ngày mai tốt đẹp hơn.

Lễ hội trình diễn những bản sắc văn hóa của nhiều cộng đồng cụ thể trước mọi người, trước nhân loại và khẳng định nhân loại là một tập hợp đa dạng, phong phú, hấp dẫn các bản sắc khác nhau. Thế giới thưởng thức và chung vui văn hóa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Lễ hội người Việt phong phú và mang đặc sắc văn hóa để đóng góp cho nhân loại phần giá trị của mình.

* Đây vốn là một sự kiện văn hóa quan trọng của người Việt nhân dịp đầu năm mới. Tuy nhiên, vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 mà từ năm ngoái đến nay, chúng ta đã trải qua hai mùa lễ hội lặng lẽ.  

- Không những cần thiết mà đó là lựa chọn khôn ngoan, đúng đắn, hợp tình hợp lý của Đảng, Chính phủ, của toàn thể hệ thống tổ chức chính trị xã hội. Lựa chọn đó được đại đa số nhân dân đồng thuận. Dẫu khiêm tốn đến mấy thì cũng phải khẳng định rằng, trong năm 2020, Việt Nam là một trong số ít quốc gia đã chống dịch thành công. Tinh thần đồng thuận, lẽ sống vì mình và vì mọi người, tính đoàn kết cộng đồng, sự xả thân của nhiều lực lượng... để vượt qua cơn hoạn nạn đặc biệt này, đã trở thành đề tài nghiên cứu, thành kinh nghiệm ứng xử được nhiều nước thừa nhận. Đó cũng là niềm tin để chúng ta đi vào cuộc sống “bình thường mới” trong tình thế rất bất bình thường hiện nay. 

Bảng hướng dẫn Phật tử đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 được đặt tại chùa
Bảng hướng dẫn Phật tử đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 được đặt tại chùa

Không đi lễ hội năm nay thì đi năm sau

* Những năm qua, báo chí phản ánh không ít thực trạng buôn thần bán thánh, trục lợi thánh thần cũng như đời sống tâm linh của người Việt ít nhiều đã trở nên hỗn loạn. Điều đó phản ánh một thực tế xã hội ra sao? 

- Câu hỏi này lớn quá, cần những chuyên đề riêng. Nhưng tôi cho rằng, không một cộng đồng nào trên thế giới lại hoàn toàn sạch sẽ, trong suốt, hoàn thiện, hoàn mỹ. Tất cả những tiêu cực đó đều có thật. Đặc biệt là xu hướng thị trường hóa một cách cực đoan việc tổ chức, việc thực hành lễ hội. Nhưng tôi nghĩ, cái khó bó cái khôn. Khi cuộc sống đã dần khấm khá thì người ta có thể nhìn nhận lại và tự điều chỉnh lối sống của mình, hướng tới những hạnh phúc khác hơn, cho mình và cho cộng đồng. Bằng nghiên cứu, thực hành và kinh nghiệm, tôi hoàn toàn tin vào điều đó.

Tại một số chùa, các phật tử hành lễ và không đeo khẩu trang - ảnh: tam Nguyên
Tại một số chùa, các phật tử hành lễ và không đeo khẩu trang - ảnh: Tam Nguyên

* Việc thu hẹp, tiết chế, thậm chí đóng cửa nhiều cơ sở thờ tự làm cho lễ hội năm nay trở nên yên ắng hơn rất nhiều. Ông có nghĩ, đây là dịp để người Việt nhìn nhận lại nhu cầu tâm linh của mình, cũng như là cơ hội thanh lọc chính mình? 

- “Bình thường mới” là một chủ trương đúng đắn. Chúng ta có thời gian để suy ngẫm lại cuộc sống, chúng tôi gọi là cùng nhau sống chậm một chút. Tự suy ngẫm, thanh lọc là điều cần thiết khi cuộc sống cuốn ta đi sôi sục, làm không kịp nghĩ. Nhưng tốt nhất đây là thời gian tích lũy nghề nghiệp, chuyên môn, dự định cho từng người. Trong vấn đề lễ hội, đây là thời gian thầm lặng để chúng ta học thêm, nghĩ thêm, sáng tạo thêm, rút kinh nghiệm để thấu hiểu hơn, có phương hướng bảo tồn và phát huy tốt hơn, ngẫm về những phương sách quảng bá hiệu quả và rộng lớn hơn cho văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, những cách thức ứng dụng giá trị tổng hợp của lễ hội cho văn hóa trong điều kiện COVID-19 cũng đã được sáng tạo và lan tỏa. Các phương thức trình diễn tổng thể trong lễ hội có thể xé lẻ ra, lấy tinh hoa của nó để sáng tạo những trình diễn đáp ứng nhiệm vụ chống dịch. Có rất nhiều con đường để đi đến lễ hội trong tâm thức từng người.

Chúng ta từng trải qua một thời gian đằng đẵng của chiến tranh giành độc lập dân tộc. Trong bối cảnh đó, lễ hội truyền thống đã ngừng trong khoảng thời gian không ngắn để chuyển sang những phương thức trình diễn cộng đồng khác. Nhưng rồi bắt đầu những năm 1990, lễ hội bùng phát trở lại trong cuộc sống thời bình. Lễ hội - tổng phổ không gian văn hóa đa dạng, phong phú gắn với các diễn xướng dân gian ở các vùng miền sẽ không mất đi khi tạm ngưng hoạt động lễ hội. Tôi chỉ lưu luyến trong vài mùa lễ hội vừa qua nhưng hoàn toàn không đáng lo ngại về việc đứt quãng văn hóa lễ hội. Cái gì đã là giá trị văn hóa hàng trăm năm, hàng ngàn năm thì sẽ có sức sống lâu bền. Nó sẽ ngủ đông khi điều kiện khắc nghiệt, và sẽ bừng nở khi mùa xuân tới. Có nhiều cách để duy trì giá trị của nó trong thời điểm đặc biệt này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ

 

* Không ai cấm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên, trong tình hình đặc biệt, vẫn có một số người bất chấp dịch bệnh, tổ chức các hoạt động lễ hội tụ tập đông người. Ông đánh giá ra sao về hiện tượng này?

- Việc đó vi phạm những quy định thuộc về pháp luật theo nghĩa rộng. Nó sẽ được pháp luật điều chỉnh. Nhưng một điều dễ thấy là dư luận phê phán rất nhiều, hầu như trên các trang mạng, người ta đều gay gắt phản ứng. Hiện tượng này xảy ra không nhiều, và đó là điều rất đáng tiếc. Nhưng cuộc sống là vậy, bất cứ một địa hạt nào cũng có những người thiếu ý thức. Không nơi nào là thiên đường cả đâu.

* Không đi lễ hội, người dân sẽ phải giải quyết nhu cầu tinh thần của mình như thế nào, thưa ông? Từ góc nhìn của một người nghiên cứu văn hóa, ông có những lời khuyên nào?

- Cuộc sống đâu chỉ là lễ hội. Hạnh phúc đến với ta bằng nhiều con đường. Đặc biệt trong thời đại thông tin như hiện nay. Không đi lễ hội năm nay thì ta đi năm sau. Tôi khó mà khuyên được mọi người vì mỗi người một số phận riêng. Nhưng với tôi, trước hết tôi chấp nhận thử thách và sẵn sàng cho tình huống căng thẳng hơn nữa.Bởi vậy, tổ chức cuộc sống cho chính mình, đặc biệt cho gia đình trong hoàn cảnh này là vô cùng quan trọng.

Tạo ra niềm vui, tiết kiệm chi tiêu, lao động cá nhân trên mọi lĩnh vực để tăng thu nhập, học và hành theo hướng tích lũy tri thức, nghề nghiệp, đóng góp từ thiện cho những nơi khó khăn, thông cảm với những số phận kém may mắn, góp sức cùng hệ thống chính trị xã hội trong việc dập dịch... Đó là ứng xử khôn ngoan để cuộc sống ổn định cho chính mình và cho người khác.

Cốc Vũ (thực hiện)


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI