Nhiều căn bệnh trỗi dậy sau đại dịch COVID-19

29/06/2022 - 06:54

PNO - Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát có nhiều căn bệnh đã được kiểm soát tốt, thậm chí nhiều chuyên gia y tế các nước cho rằng nó có thể đã bị diệt vong nhưng không ngờ nay lại trỗi dậy và mang nhiều đột biến hơn thể hơn.

Trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải tiếp tục đối mặt với đại dịch COVID-19, các chuyên gia y tế cảnh báo: nhiều loại vi-rút mới tiềm ẩn khả năng xuất hiện. Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, các bệnh như viêm gan bí ẩn ở trẻ em, bệnh đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, tả, sởi, bại liệt… xuất hiện trở lại khiến thế giới phải đẩy mạnh việc kiểm soát, tiêm chủng.

Cuối tháng Tư vừa qua, cả Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về tình trạng nguy hiểm khi tình hình hội đủ các điều kiện gây bùng phát các căn bệnh cũ, ảnh hưởng đến y tế sức khỏe toàn cầu, đặc biệt là với trẻ em.  

Trong hai tháng đầu năm 2022, toàn cầu có số ca nhiễm sởi tăng 79% so với cùng kỳ năm 2021. Từ đầu tháng Sáu, Singapore đã thông báo bệnh sốt xuất huyết trở nên khẩn cấp khi số ca bệnh trong nửa năm 2022 cao hơn cả năm 2021. Tương tự, ở Việt Nam, những ngày qua, Bộ Y tế đã liên tục nhắc nhở các địa phương phải vừa chống dịch COVID-19, vừa nỗ lực phòng, chống sốt xuất huyết và các bệnh khác. Hiện Việt Nam có khoảng 77.000 người mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong. 

Một số căn bệnh đang bùng phát bất thường sau dịch COVID-19, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe toàn cầu
Một số căn bệnh đang bùng phát bất thường sau dịch COVID-19, làm dấy lên lo ngại về sức khỏe toàn cầu

Trước đó không lâu, các chuyên gia y tế cũng vô cùng bối rối khi căn bệnh viêm gan bí ẩn xuất hiện và đối tượng tổn thương là trẻ em. Ngày 24/6, WHO cho biết toàn thế giới đã có 920 trường hợp viêm gan bí ẩn, xuất hiện ở 33 quốc gia. Trong đó có 45 em (5%) phải ghép gan và 18 em (2%) đã tử vong.  

Chưa dừng lại, hai tháng qua thế giới choáng váng khi số ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ - vốn là bệnh lưu hành ở châu Phi - bùng phát ở châu Âu và Mỹ. Điều đáng ngại là theo các nhà khoa học, bệnh đang đột biến với tốc độ cao gấp 12 lần so với dự kiến, có khả năng lây nhiễm cao hơn so với các phiên bản trước của vi-rút. Thế giới đã có hơn 3.400 bệnh nhân ở gần 40 nước được báo cáo.

Mới nhất phải nói đến bệnh bại liệt bỗng xuất hiện trở lại ở Anh sau hơn hai thập kỷ bị xóa sổ. Hôm 22/6, WHO và giới chức y tế Anh cho biết đã phát hiện một loại vi-rút gây bệnh bại liệt trong các mẫu nước thải ở London. Gần đây, Ukraine và Israel cũng đã lần lượt ghi nhận các ca mắc bại liệt.

Đứng trước hàng loạt căn bệnh cũ và mới xuất hiện ngày càng khó lường, chính phủ các nước đã và đang khẩn trương hành động. Tuy nhiên, theo Liên Hiệp Quốc, tình trạng đói nghèo dẫn đến suy dinh dưỡng cũng khiến con người dễ nhiễm bệnh hơn, vi-rút dễ đột biến hơn và dịch bệnh dễ lây lan hơn. Do đó, Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới chung tay viện trợ cho các nước nghèo, nơi nhiều dịch bệnh đang lưu hành và nhiều căn bệnh tiềm ẩn đang đe dọa.

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng Giám đốc WHO - cho biết đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn các dịch vụ tiêm chủng, hệ thống y tế bị quá tải trong khi các căn bệnh chết người bùng phát trở lại. “Dịch vụ tiêm ngừa nhiều căn bệnh khác sẽ còn chịu ảnh hưởng của tình trạng gián đoạn này trong nhiều thập kỷ tới. Bây giờ chính là thời điểm để đưa các chương trình tiêm chủng thiết yếu trở lại đúng quỹ đạo và khởi động chiến dịch tiêm chủng lặp lại để mọi người đều có thể tiếp cận với các loại vắc-xin, từ đó có thể ngăn chặn sự trở lại của nhiều căn bệnh”, ông nói. 

Thu Thanh (theo Reuters, WHO, UNICEF, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI