Nhiễm trùng máu vì nấm da đầu lây qua lược dùng chung

19/11/2018 - 12:05

PNO - Dù đang mùa khô hanh, các bác sĩ da liễu cảnh báo tình trạng nhiễm nấm da đầu ở trẻ em tăng gấp ba lần, nhiều trường hợp nghiêm trọng, kháng thuốc.

Đa phần kháng thuốc

Chỉ trong một tuần của tháng 11, riêng Phòng khám Chăm sóc da của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh đã tiếp nhận liên tục nhiều trường hợp trong độ tuổi từ 4-6 bị nhiễm nấm sợi tơ gây nấm da đầu (lây nhiễm từ thú nuôi, gia súc…) nghiêm trọng. Tại Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cũng ghi nhận nhiều ca bệnh nhi nhiễm nấm sợi tơ da đầu bị kháng thuốc. 

Trường hợp thứ nhất là bé N.T.C.A., 4 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình (TP.HCM). Da đầu bé A. sưng nề, có dịch mủ nằm sâu dưới các chân tóc ở vùng da này. Phụ huynh cho biết, từng đưa bé đi khám và điều trị bằng kháng sinh, thuốc bôi chữa viêm nhưng không khỏi. Bác sĩ đã chỉ định làm xét nghiệm cấy nấm, quả nhiên phát hiện bé bị nhiễm nấm sợi tơ.

Bé được dùng thuốc kháng nấm bôi và uống nhưng không mấy hiệu quả. Sau hai lần tái khám, bệnh nhi phải điều trị qua đường truyền. Điều đáng nói, lúc truyền thuốc kháng nấm thì bệnh thuyên giảm, nhưng chỉ cần ngưng thuốc da đầu bé A. lại tái phát. 

Nhiẽm trùng máu vi nám da dàu lay qua luoc dung chung
Bị nhiễm nấm da đầu không điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và thẩm mỹ của trẻ

Trường hợp thứ hai là bé P.Q.T., 6 tuổi, quê tỉnh Cần Thơ. Chị N.T.D., mẹ của bé kể, ban đầu chỉ thấy con kêu ngứa đầu, khi kiểm tra phát hiện da đầu bé có vài chấm đỏ ở chân tóc. Dần dần, các chấm đỏ lan rộng ra và có mủ. Mảng da đầu bị tổn thương sưng bọng, nhiễm trùng, chảy mủ. Kết quả kháng nấm đồ cho thấy bệnh nhi kháng với tất cả các loại thuốc điều trị nấm thông thường, đồng thời còn bị nhiễm trùng máu, có thể đe dọa tính mạng.

Bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để theo dõi và khống chế tình trạng nhiễm trùng máu, kết hợp truyền thuốc kháng nấm đặc hiệu. Điều các bác sĩ lo ngại là bé còn nhỏ, dùng thuốc lâu dài tuy khống chế được bệnh nấm và nhiễm trùng máu nhưng khó tránh ảnh hưởng tới chức năng của gan, thận.

Lây bệnh do xài chung lược

Điều đáng nói, lẽ ra vào thời điểm thời tiết đang chuyển sang mùa khô hanh như hiện nay thì các ca bệnh do vi khuẩn, vi nấm phải giảm. Một điều quan trọng nữa, đa phần những bé tới khám đều kháng thuốc chữa nấm khiến quá trình điều trị vô cùng phức tạp vì bệnh nhân còn nhỏ tuổi.

Bác sĩ Vân Thanh lý giải, nguyên nhân có thể xuất phát từ trường lớp. Ở độ tuổi mầm non và lớp một, học bán trú, các bé thường được cô bảo mẫu chải đầu, cột tóc khi ngủ trưa dậy. Dùng chung lược chải tóc chính là nguyên nhân lây bệnh cho các bé. 

Tiếp đến, có bé mới điều trị nấm lần đầu nhưng lại xuất hiện tình trạng kháng thuốc chữa nấm do hai nguyên nhân. Thứ nhất, khi bị các bệnh ngoài da, phụ huynh tự đoán trẻ bị nấm da và tự mua thuốc về bôi cho trẻ. Thứ hai, do bác sĩ kê toa có thuốc chữa nấm khi mới chỉ khám lâm sàng.

Để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc điều trị nấm ở trẻ em, nếu nghi ngờ nên cho trẻ làm thêm xét nghiệm cấy nấm rồi mới kê toa. Chỉ cần một bé bị kháng thuốc chữa nấm khi lây nhiễm qua cho bé khác thì bé này cũng bị nhiễm nấm kháng thuốc.

Nhiễm nấm sợi tơ trên da đầu, không điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng. Dù điều trị khỏi nhưng các tổn thương để lại sẹo, tóc sẽ không thể mọc lên ở vùng da đầu bị hóa sẹo, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và tâm lý của trẻ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI