Nhà cao tầng một nơi, giao thông công cộng một nẻo

13/01/2020 - 18:36

PNO - Đó là đánh giá của trí thức kiều bào về công tác quy hoạch đô thị tại TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chiều 13/1, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TPHCM, các sở ban ngành thành phố đã có buổi gặp gỡ với 12 đại biểu kiều bào tiêu biểu, đại diện cho các chuyên gia trí thức, doanh nhân, hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài.

Sau 12 năm cảnh báo, giao thông... tệ hơn

Góp ý về quy hoạch bền vững, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Canada) cho rằng, việc phát triển nhà cao tầng tại các đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt TPHCM có nhiều quan điểm trái chiều.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

“Người nói cao ốc là “tội đồ" bức tử đô thị, người lại bảo lỗi không phải ở cao ốc. Các nhà quản lý đô thị cần có cái nhìn khoa học và tổng quan về việc đô thị chỉ nên phát triển cao ốc theo nguyên tắc quy hoạch bền vững. Ở các đô thị tiên tiến, nhà cao tầng luôn phát triển đi đôi với giao thông công cộng.

Còn muốn giảm giao thông cá nhân thì phải phát triển giao thông công cộng, nhưng nếu giao thông cộng cộng không gắn kết với nhà cao tầng, thì không bao giờ thành công được. Điều này thể hiện rõ từ các đô thị tiên tiến như: New York (Mỹ), Tokyo (Nhật), nhà cao tầng luôn đi đôi với giao thông công cộng. Nhưng ở Việt Nam, nhà cao tầng thường phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, chưa tạo thành các cụm và tuyến gắn kết tốt với giao thông công cộng" - ông Sơn nói. 

Theo ông Sơn, chúng ta cứ thấy đất trống là cắm nhà cao tầng vào, bất kể nguy cơ gây tác động xấu đến tắc nghẽn giao thông và quá tải hạ tầng kỹ thuật.

Như vậy, nếu chỉ quy kết nhà cao tầng là “tội đồ", mà không nói đến bối cảnh khu vực xây dựng, thì đó là cách nhìn sai lệch, chưa khoa học và hơi phiến diện" - ông Sơn khẳng định. 

GS.TS.Đặng Lương Mô (cố vấn Đại học Quốc gia TPHCM, kiều bào Nhật Bản) nói: “Tuy đô thị thông minh công nghệ số được lồng vào mọi chức năng hoạt động nhưng cốt lõi vẫn là phát triển cơ sở hạ tầng chính yếu: năng lượng, nước, giao thông. Đây là ba “rường cột cổ điển" của đô thị".

Theo giáo sư Mô, 12 năm trước, ông có nhận xét về tình trạng giao thông của TPHCM với hàng triệu xe gắn máy chạy vô trật tự, xe lam quá niên hạn, xe ba bánh chở cồng kềnh. 12 năm sau, giao thông còn tệ hơn với xe gắn máy tăng gấp đôi gấp ba lần, xe ba bánh, xe tự chế dù đã có lệnh cấm từ hơn 10 năm nhưng vẫn ngang nhiên lưu thông, ô tô nhiều gấp hàng chục lần, nhưng đường xá chỉ thêm được vài tuyến. Ở quận nội ô thì cơ bản đường xá không tăng thêm, không nới rộng được bao nhiêu, cả thành phố đều thiếu bãi đậu xe ôtô…

Ông Mô hiến kế, bên cạnh mở thêm đường, cấm xe máy vào nội đô và không phát triển ô tô cá nhân, cần áp dụng triệt để Luật Giao thông đường bộ năm 2019, đồng thời quy định thêm, bắt buộc mọi chủ sở hữu xe ô tô phải có bãi đậu xe.

“Ở Nhật Bản, khoảng 40 năm nay, người ta đã bắt buộc tất cả những ai có dự định mua xe ô tô phải xuất trình giấy chứng nhận có bãi đậu xe có chứng nhận của cơ quan chức năng và được kiếm tra hiện trường. Các công ty bán lẻ xe sẽ không bán cho những người không có giấy chứng nhận này”, ông Mô nói. 

Nghiên cứu quy chế quản lý nhà cao tầng

Tối cùng ngày, buổi họp mặt kiều bào mừng Xuân Canh Tý năm 2020 cũng đã diễn ra. Đây là hoạt động văn hóa truyền thống hàng năm của TPHCM. Qua đó, thể hiện tình cảm, sự trân trọng và quan tâm của lãnh đạo thành phố đối với cộng đồng kiều bào ta đang sinh sống, làm việc tại thành phố, cùng đa số kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài về thăm quê hương, đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Về các ý kiến liên quan đến quy hoạch đô thị, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu sở ngành liên quan nên nghiên cứu có quy chế quản lý nhà cao tầng tại TPHCM bảo đảm đồng bộ với quy mô xây dựng, quy hoạch giao thông…

Ông cam kết tất cả các ý kiến này của các kiều bào sẽ được tiếp thu, trả lời, phối hợp cùng nghiên cứu tính khả thi. Ngoài ra, còn 44 đầu việc mà thành phố đang tập trung giải quyết, thành phố sẽ có các buổi mời Việt kiều để lắng nghe góp ý đề cương trong từng nhóm chuyên đề. “Người Việt Nam dù đi đâu về đâu, tôi cũng tin rằng chúng ta đều muốn làm một điều gì đó, đóng góp gì đó cho quê hương… Xin cám ơn những suy nghĩ, trăn trở của bà con”, ông Nhân nói.

Tại hội nghị, Bí thư thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng tâm đắc với ý kiến của ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) về các đóng góp cho y tế và phúc lợi. Ông cho rằng, cần nghiên cứu kỹ hơn để thời gian lao động, làm việc ít đi, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ kiều bào
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi gặp gỡ kiều bào

Trước đó, ông Đăng cho rằng, y tế thành phố đang quá tải ở các bệnh viện, các bệnh viện đầu tuyến đang tiếp nhận người bệnh ở thành thị và từ nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.

Bên cạnh đó, theo ông Đăng, việc gia tăng dân số phải tương xứng với sự phát triển đô thị để cân bằng nguồn lực lao động với dự đoán dân số già của cả nước tăng 18% đến năm 2050.

Hiện tỷ suất sinh ở TPHCM năm 2019 là 1,4 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,1 con. Nguyên nhân do hiếm muộn, sự quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ và đàn ông chưa cao.

Bí thư Nhân nhận định, tỷ lệ sinh thấp của thành phố là bởi chúng ta chưa tạo điều kiện cần thiết về mặt con người. “Singapore cứ sinh con đầu lòng là nhà nước cho 8.000 USD. Cứ bỏ 1 USD tiết kiệm thì nhà nước cho 1 USD để cho con đi học. Thế nhưng, cũng chưa chắc họ đã chịu đẻ. Điều đó cần thiết nhưng chưa đủ. Cái đủ ở đây chính là phải có thời giờ để mà chăm sóc gia đình, con cái” - ông Nhân nói.

Trong năm 2019, theo Công an TPHCM, có hơn 425.500 lượt kiều bào nhập cảnh qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, so với năm 2018 có 424.000 lượt kiều bào.

Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, lượng kiều hối về thành phố năm 2019 là 5,6 tỷ USD.

Hiện khoảng 400 chuyên gia, trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, 200 trí thức hợp tác với các bệnh viện, trường đại học tại TPHCM.

Hiện có khoảng 3.000 doanh nhân kiều bào đầu tư tại TPHCM với tổng số vốn khoảng 45.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, có 34 doanh nghiệp do người Việt Nam ở nước ngoài mới thành lập, với tổng số vốn là 122.750.578.550 đồng.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI