Về nhà thôI

Nguyễn Quốc Hoàng Anh - Cảm thức văn hóa bản địa phải hiện diện trong DNA

04/02/2022 - 07:29

PNO - Nguyễn Quốc Hoàng Anh không phải là người trẻ đầu tiên hay duy nhất chọn lối đi về với di sản văn hóa giữa nhịp sống đương đại. Nhưng điều đặc biệt là chàng trai 9X ấy được sinh ra và lớn lên trong gia đình hòa trộn đa văn hóa.

Khi những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật dân gian và truyền thống dần lẩn khuất vào dáng hình trăm năm, hành trang văn hóa để người Việt mang vào tương lai lại vơi dần. Nỗi âu lo về đứt gãy văn hóa không phải đến hôm nay mới sục sôi nhưng nhiều năm qua, lối đi ngược về nguồn cội là lối đi độc hành, khá cô đơn mà nếu ai đó không vững vàng, họ buộc phải quay đầu trong nuối tiếc…

Vào một đêm, năm 20 tuổi, từ Hà Nội, một cuộc trò chuyện được kết nối giữa Nguyễn Quốc Hoàng Anh và bạn thân người Mỹ. Họ say sưa bàn luận về di sản, về văn hóa, những cuộc chiến và nhiều câu chuyện đã quá vãng. Trong cuộc chuyện trò ấy, Hoàng Anh không “lép vế” dù họ đang nói về những sự kiện xảy ra trên đất Mỹ. Nhưng, mọi thứ bỗng dừng lại khi người bạn đề nghị: “Bạn biết về văn hóa của nước tôi nhiều đấy, nhưng tôi cần bạn kể cho tôi nghe, quê hương của bạn có gì?”. Lời đề nghị đơn giản đã giáng một đòn đau vào sự tự tôn của chàng trai đang mê say nói về thế giới bên ngoài. Thì ra, Hoàng Anh từng đi Đông, đi Tây nhưng trên mảnh đất cội nguồn, nơi cậu sinh ra và thuộc về, cậu hiểu biết quá ít ỏi.

Trong mái nhà ngồn ngộn ký ức

Nguyễn Quốc Hoàng Anh không phải là người trẻ đầu tiên hay duy nhất chọn lối đi về với di sản văn hóa giữa nhịp sống đương đại. Nhưng điều đặc biệt là chàng trai 9X ấy được sinh ra và lớn lên trong gia đình hòa trộn đa văn hóa, đậm tính truyền thống và gắn liền với nhiều giai đoạn lịch sử của xã hội Việt Nam.

Ngày đó, khi còn là cậu bé được sống cùng ông bà nội ở TP.Nam Định - cái nôi của đạo Mẫu và là vùng đất của nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, Hoàng Anh sớm được tiếp xúc với Truyện Kiều, tiếng đàn, tiếng trống của chầu văn. Nhưng ngoài việc được tiếp xúc với những di sản phi vật thể - yếu tố tác động từ bên ngoài, chính trong gia đình của Hoàng Anh, niềm yêu thích dành cho các loại hình nghệ thuật cũng đã hình thành qua nhiều thế hệ. 

“Cụ nội tôi là bạn thân của nhà thơ Tú Xương. Dòng họ có nhiều người phục vụ cho các triều đại phong kiến với không gian sống được phủ đầy nghệ thuật như chầu văn, ca trù, chèo… Nhưng đến thời Pháp thuộc, gia đình làm việc với chính quyền thuộc địa và bắt đầu theo Tây học. Ông nội tôi được cụ cho học kèn saxophone, rồi tới bố tôi học accordion và piano. Và như một cái duyên, mẹ tôi cũng là biên đạo múa ballet. Về sau, rời quê, tôi lớn lên trong khu văn hóa nghệ thuật Mai Dịch, Hà Nội; xung quanh là các khu tập thể của đoàn chèo, đoàn tuồng, nhà hát nhạc vũ kịch… mà mọi người vẫn hay gọi vui là kinh đô nghệ thuật” - Hoàng Anh kể.

Dẫu đắm mình trong nghệ thuật truyền thống, từ ban đầu, Hoàng Anh vốn không dành sự quan tâm cho chúng. Chàng trai học piano cổ điển và mê nhạc jazz, hip hop… thích sự mới mẻ, phóng khoáng từ Tây phương. Cho đến năm 20 tuổi, sau nhiều cuộc trò chuyện với bạn bè quốc tế, Hoàng Anh mới thấy những mâu thuẫn lớn đang va đập thật mạnh bên trong mình về văn hóa và danh tính con người trước vòng xoáy toàn cầu hóa. Nghĩa là, người trẻ Việt am hiểu văn hóa ngoại quốc, có thể kể tên những nghệ sĩ, dòng nhạc, câu chuyện đất nước khác nhưng với quê hương, họ lại không rành, thậm chí, thiếu đi sự quan tâm cần phải có. 

Hoàng Anh chọn trở về và càng tìm hiểu, anh càng bị thôi thúc đi sâu hơn vào các loại hình nghệ thuật, di sản. Từ những tìm tòi, anh cũng bắt đầu ý thức rằng văn hóa là hành trang mà mỗi người nên mang theo suốt cuộc đời để biết mình đến từ đâu và thuộc về đâu. Nếu không đủ hiểu biết về văn hóa bản địa, khi bước ra thế giới, bất kỳ ai cũng sẽ cảm thấy có chút gì đó tự ti vì sẽ thế nào nếu bạn nói mãi về văn hóa Mỹ, Hàn, Nhật… mà chẳng biết sự phong phú và đa dạng văn hóa của Việt Nam là gì?

Người dân tại khu Văn Chương đang theo dõi  vở Sơn Hậu - Beyond the Mountain - ẢNH: TUẤN ĐÀO
Người dân tại khu Văn Chương đang theo dõi vở Sơn Hậu - Beyond the Mountain - ẢNH: TUẤN ĐÀO

“Tôi hay nói về “ký ức”, bạn có thể hiểu rằng giống như thuở bé, những đứa trẻ đều được nghe tiếng mẹ hát ru, nghe ông bà kể chuyện… và kết nối với văn hóa dân gian một cách vô hình. Theo thời gian, khi trưởng thành, với rất nhiều những bộn bề của cuộc sống, chúng đã quên đi. Nhưng vào thời điểm nào đó, được nghe lại những thanh âm quen thuộc hay những hình ảnh gợi nhớ kỷ niệm, ký ức sẽ ùa về như mới hôm qua. Cách tôi tìm ra con đường mình đang đi cũng tình cờ và nhiều cảm xúc như thế” - Hoàng Anh chia sẻ.

Cứ đi rồi sẽ thành đường

Sau khi hiểu về gia đình, Hoàng Anh lên đường thu nạp kiến thức từ các khóa học, trải nghiệm trực tiếp cùng các nghệ nhân dân gian, nghệ sĩ truyền thống và học thêm từ sách chuyên khảo, các công trình nghiên cứu về văn hóa, lịch sử. Anh tham gia chương trình Cafe thứ 7 để lắng nghe những chia sẻ của nhạc sĩ Dương Thụ, nhà văn Nguyên Ngọc hay sau này là lần gặp gỡ với nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo. Hoàng Anh cũng sớm được tiếp cận với những đại diện tiêu biểu của nghệ thuật đương đại và âm nhạc thể nghiệm như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Sơn, nhạc sĩ Trần Kim Ngọc để học hỏi và cũng trở thành một phần của Trung tâm Âm nhạc và Nghệ thuật thể nghiệm Đom Đóm. 

"Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang xích lại gần nhau hơn, nên mọi thứ cũng ngày càng giống nhau. Sẽ không còn gì đáng nhớ nếu đến các thành phố khác nhau lại nhìn thấy các không gian, nhà hàng hay đường phố giống nhau. Toàn cầu hóa là điều tốt nhưng sự đồng hóa làm mất đi mọi ý nghĩa. Nếu muốn đi thật xa, hãy phát triển từ cội rễ của mình. Bạn có thể cảm nhận được lịch sử trong DNA của mình."

Cyril Kongo, từ dự án Âm - Thanh sắc - Màu

“Từ năm 2013, tôi quyết định nghiên cứu nghiêm túc hơn về văn hóa - di sản. Trong năm 2014, dự án Lênh đênh qua cửa Thần Phù về đạo Mẫu được thực hiện. Dù có những tác động nhất định với công chúng nhưng đôi lúc, tôi thấy mình cô đơn trên hành trình đang đi và vì làm cá nhân nên một số dự án chưa được trọn vẹn. Trước đó tôi đã gặp nhà thiết kế Diego Chula - một người bạn Tây Ban Nha nặng lòng với văn hóa Việt - mà sau này, tôi thường gọi yêu là bố Diego. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều về văn hóa và cuộc sống. Ông khuyên tôi nên mở rộng hơn các mối quan hệ với cộng đồng, hướng đến các nhóm yếu thế và giúp thúc đẩy cộng đồng phát triển bằng các hoạt động văn hóa” - Hoàng Anh tâm sự. 

ẢNH: TRƯƠNG HOÀNG VIỆT
ẢNH: TRƯƠNG HOÀNG VIỆT

Và thế là, trong những bước đi tiếp theo, Hoàng Anh mang tinh thần đó tham gia vào nhiều khu vực văn hóa khác nhau từ giải trí, nghệ thuật đương đại tới cộng đồng: MV Qua cầu gió bay, dự án Âm - Thanh sắc - Màu, Sơn Hậu - Beyond the Mountain… Trong đó, Qua cầu gió bay của ban nhạc Limebócx kết hợp dân ca quan họ và beatbox, với những hình ảnh liền anh liền chị đan xen hình ảnh đô thị hóa. Dự án Âm - Thanh sắc - Màu do huyền thoại graffiti gốc Việt Cyril Kongo bảo trợ và đồng hành cùng các nghệ sĩ trẻ tại Việt Nam. Chất liệu jazz, hip hop, nhạc thể nghiệm đan xen với tiếng trống đế, trống cơm, có tiếng của nhân vật hề chèo (nghệ sĩ Ngọc Minh - Nhà hát chèo Việt Nam) trong vở chèo Xúy Vân giả dại… Chuỗi trình diễn đã mang tới công chúng những suy nghĩ về nơi chốn, sự giao thoa văn hóa giữa phương Đông và phương Tây. 

Sơn Hậu - Beyond the Mountain là cuộc dấn thân khác của Hoàng Anh cùng Hà Nguyên Long, đi sâu hơn vào nghệ thuật truyền thống. Họ giữ nguyên tính hình tượng của nghệ thuật tuồng cũng như lối diễn xướng đã tồn tại trăm năm, chủ yếu thay đổi không gian và âm nhạc với nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm, để khán giả lớn tuổi được sống lại phút giây hoài niệm nhưng người trẻ xem cũng thấy cuốn hút.

“Tôi bị choáng ngợp bởi vẻ đẹp lộng lẫy của nghệ thuật truyền thống. Tim tôi như thắt lại trong lần đầu thật sự tập trung nghe tiếng trống, tiếng kèn bóp, đàn bầu ngân vang. Giây phút đó, tôi nhận ra được con đường mình muốn đi. Khai phá những con đường là rất khó khăn và nhiều trở ngại, nhưng nếu mình chỉ chờ đợi mà không làm thì sẽ không thể biết mình sẽ đi được bao xa. Hãy nhìn ra thế giới để thấy rằng có những thứ chúng ta tưởng như đang đi lùi (tìm về với những giá trị xưa cũ) nhưng thực tế là đang tiến về phía trước” - Hoàng Anh nói thêm.

Sự tự hào về văn hóa bản địa phải hiện diện trong DNA

Hoàng Anh học nhạc tại Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và học cả ngành đạo diễn, phát triển thương hiệu. “Nghề chính của tôi trước đây thuộc mảng tư vấn chiến lược thương hiệu và quảng cáo, nghề tay trái là đạo diễn phim và nghề tay phải liên quan đến âm nhạc” - Hoàng Anh liệt kê chưa đầy đủ về những thứ anh có thể làm. Chuyện đa nghề, đa ngành trong thời buổi hiện tại với Hoàng Anh là một yêu cầu bắt buộc để người trẻ hoàn thiện, khám phá những khả năng của bản thân. 

Ý thức tự giác tìm tòi, học hỏi trong suốt nhiều năm qua giúp Hoàng Anh có được nền tảng vững, vốn hiểu biết sâu về nhiều ngành nghề. Cùng với việc được đi đến nhiều vùng đất, quốc gia để tìm hiểu về di sản và cách giữ gìn, phát triển văn hóa bản địa, Hoàng Anh nhận ra, chỉ có tình yêu với di sản thôi chưa đủ mà phải có cách tiếp cận và chiến lược.

"Nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng là những biểu hiện quan trọng của con người, kết nối chúng ta với nhau, với quá khứ và hiện tại, đồng thời giúp chúng ta hình dung ra tương lai của mình. Trải nghiệm văn hóa mang sắc thái địa phương còn giúp kết nối chúng ta với những ý tưởng, quê hương, cảm xúc và tính cá nhân, đồng thời khơi dậy niềm vui, ý nghĩa, trí tưởng tượng và sự đồng cảm."

Nguyễn Quốc Hoàng Anh

Kể câu chuyện cũ theo cách mới không phải “ghép” một câu hát hay giai điệu tồn tại vài trăm năm vào các yếu tố hiện đại và phủ cho nó lớp áo tinh tươm, mà cần có sự hiểu biết nhất định để đào sâu và phát triển nó. Ví như dự án Sơn Hậu - Beyond the Mountain, để truyền đạt thông điệp, Hoàng Anh và Nguyên Long giữ nguyên tư tưởng về sự trung nghĩa, về tình yêu và tôn vinh những giá trị đạo đức tốt đẹp. Họ sáng tạo trên nền tảng chất liệu của tuồng truyền thống, từ âm nhạc cho tới câu chuyện. “Sẽ thật mơ mộng nếu nghĩ đến việc làm mới di sản mà không có tri thức nền tảng. Bạn chỉ có thể làm với điều kiện phải có sự nghiên cứu sâu sắc về cái mình làm hoặc cần có một đội ngũ cố vấn, hỗ trợ chuyên môn cạnh bên” - Hoàng Anh chia sẻ.

Theo Hoàng Anh, trong chín năm tìm hiểu văn hóa bản địa, đến gần đây, anh nhận thấy cộng đồng người trẻ quan tâm đến di sản và nghệ thuật truyền thống đã đông hơn. Họ biết cách tận dụng mạng xã hội để thu hút sự chú ý của cộng đồng. Anh tin rằng, muốn di sản tiếp tục phát triển, cần phải có sự thay đổi từ các phương tiện khác nhau để kết nối chúng với cộng đồng. Hoàng Anh và cộng sự cũng đã xây dựng Lenngan - một nền tảng văn hóa nghệ thuật và sáng tạo đa ngôn ngữ với mong muốn làm nổi bật những nét đặc sắc về văn hóa địa phương; hệ sinh thái văn hóa đa dạng gồm nhiều kênh như: 84Noise, Sài Gòn vi vu, Hà Nội vi vu, Cổ động… 

ẢNH: TRƯƠNG NGỌC SƠN
ẢNH: TRƯƠNG NGỌC SƠN

Tình yêu bao giờ cũng cần được nuôi dưỡng, thể hiện bằng những hành động cụ thể, thường nhật, liên tục với số lượng đông đảo. Hoàng Anh cho biết khi các hội nhóm này đoàn kết lại, tất cả sẽ tạo nên một sức mạnh tập thể đủ để tác động đến nhiều nhóm công chúng. Những biểu hiện đó cho thấy người trẻ hiện đại không thờ ơ với văn hóa, môi trường sống và những đổi thay thời cuộc.

Hoàng Anh lo lắng về sự đứt gãy văn hóa trong dòng chảy lịch sử đang ngày càng hiện rõ tại Việt Nam. Trong khi, quá trình toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia có nền kinh tế lớn sẽ “ảnh hưởng văn hóa” lên các quốc gia nhỏ hơn và nếu văn hóa quốc gia không đủ mạnh thì theo thời gian, danh tính con người, tri thức bản địa và sắc thái địa phương sẽ dần phai mờ. “Do đó, tôi cùng Lenngan muốn tạo nên một không gian nơi nghệ nhân, nghệ sĩ, công chúng và các nguồn lực xã hội có thể cùng đối thoại, đồng hành. Đây là thời điểm vàng tại Việt Nam để có thể tác động đến nhận thức về văn hóa nghệ thuật khi dân số trẻ có tri thức, thẩm mỹ khác với thế hệ trước rất nhiều. Giữ gìn bản sắc, theo chiều sâu, phải là sự tái dụng di sản trong đời sống thường nhật của con người, tức là đưa những vị khách vốn là những người chủ của văn hóa trở về với đúng vị trí của mình, kết nối họ với bối cảnh xã hội đương đại” - Hoàng Anh nhấn mạnh. 

Tận tụy trong hành trình với nghệ thuật và di sản, Hoàng Anh luôn mong có thật nhiều người giống anh của năm 20 tuổi, tức thời điểm chợt nhận ra có quá nhiều câu hỏi về cá nhân và cội nguồn cần phải đi tìm câu trả lời. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI