Người trẻ mắc “bệnh của người già” ngày càng nhiều

19/04/2022 - 06:12

PNO - Tình trạng trẻ hóa bệnh nhân cao huyết áp đang trở thành một trong những nỗi lo của xã hội, bởi đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tình trạng đột quỵ.

Trẻ em cũng mắc "bệnh người già"

Phát hiện cậu con trai mắc COVID-19, sau hai ngày sốt cao, gần như không hạ nhiệt dù uống thuốc, chị T.M.H. (TP.Hà Nội) lo lắng và quyết định đưa con vào viện thăm khám. Khi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bé được chẩn đoán cao huyết áp trên nền béo phì và mắc COVID-19. Chị H. chia sẻ, chị biết con trai thừa cân - nặng hơn 70kg dù mới học lớp Sáu, tuy nhiên, chị hoàn toàn bất ngờ khi biết con bị cao huyết áp. “Trước đây, nhiều lần cháu đi khám nhưng hầu hết cũng chỉ nghe nhịp tim, đo chiều cao, cân nặng… chứ ít đo huyết áp. Cháu cũng không có biểu hiện gì khác thường nên gia đình càng không nghĩ tới việc con mắc phải căn bệnh này”, chị H. buồn bã.

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS - TS) Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, thực tế, trẻ em mắc “bệnh người già” là câu chuyện đã được cảnh báo trong nhiều năm gần đây. Đáng nói, bệnh cao huyết áp diễn tiến âm thầm và không được chú ý, chỉ khi có biểu hiện như mệt mỏi, nôn ói, hôn mê, co giật gia đình mới đưa các cháu đến bệnh viện và phát hiện mắc bệnh.

Việc phát hiện sớm cao huyết áp, không cách nào khác là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo huyết áp đều đặn
Việc phát hiện sớm cao huyết áp, không cách nào khác là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo huyết áp đều đặn

Theo các chuyên gia, tăng huyết áp (THA) thường không gây ra các triệu chứng nổi trội. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp phải trong trường hợp khẩn cấp khi trị số huyết áp quá cao có thể bao gồm: nhức đầu, co giật, nôn mửa, đau tức ngực, thở hụt hơi, tim đập nhanh, đánh trống ngực… THA ở trẻ nhỏ thường liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác nhau như khuyết tật tại tim, các bệnh về thận, di truyền từ cha mẹ hoặc rối loạn nội tiết tố… Với trẻ lớn, trên sáu tuổi, đặc biệt là những trẻ thừa cân, béo phì có thể gặp phải THA nguyên phát. THA nguyên phát tự xảy ra, không có điều kiện cơ bản tác động từ đầu.

PGS - TS Nguyễn Tiến Dũng cảnh báo, căn bệnh cao huyết áp ở trẻ em nguy hiểm như những gì người lớn gặp phải. Bệnh có thể gây ra các biến chứng như tiểu đường, bệnh lý về tim mạch, trụy tim, não nếu không được điều trị, can thiệp kịp thời.

Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ

Thống kê của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy, nước ta có khoảng 12 triệu bệnh nhân mắc bệnh cao huyết áp. Trong đó, người trẻ dưới 35 tuổi mắc bệnh này chiếm từ 5 - 12%. Điều đáng nói, trên 50% bệnh nhân cao huyết áp không biết mình mắc bệnh và khoảng 30% biết mình mắc bệnh nhưng điều trị không hiệu quả. 

PGS - TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, thông tin, tại đơn vị này, có gần 10% bệnh nhân đột quỵ nói chung là người trẻ. Trong số đó, THA là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ, bên cạnh các vấn đề bất thường về mạch máu, đái tháo đường…

Hiện, hầu hết bệnh nhân bị THA đều không rõ nguyên nhân, còn gọi là THA nguyên phát. Chỉ một số nhỏ bệnh nhân (dưới 10%) xác định được nguyên nhân là do hậu quả của một số bệnh lý nền khác - THA thứ phát. Do đó, các dấu hiệu nhận biết bệnh cao huyết áp thường không đặc hiệu, và người bệnh không có biểu hiện gì khác thường. “Việc phát hiện sớm cao huyết áp, không cách nào khác là phải kiểm tra sức khỏe định kỳ, đo huyết áp đều đặn. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, béo phì, người trong gia đình có tiền sử cao huyết áp… nên đặc biệt chú trọng vì có nguy cơ cao mắc căn bệnh này”, PGS - TS Mai Duy Tôn nói. 

Theo một nghiên cứu của Học viện Nhi khoa Mỹ, một số yếu tố nguy cơ dẫn đến THA nguyên phát bao gồm THA bẩm sinh do di truyền hoặc do tiền sử gia đình, bị thừa cân, béo phì, tiểu đường loại 2 và tăng cholesterol hoặc triglyceride. Nghiên cứu này chỉ ra, khảo sát trong số các trẻ bảy tuổi, có khoảng hơn 50% số ca THA trẻ em có nguyên nhân là béo phì. Con số này tăng lên 85 - 95% ở tuổi vị thành niên. 

Do đó, để ngăn ngừa THA, các chuyên gia khuyến cáo, cần thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý ngay từ những năm đầu đời của trẻ. Đặc biệt, chế độ ăn cần giảm mặn, tăng cường rau xanh, hoa quả tươi, hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và a-xít béo no… Người trẻ cũng nên hạn chế uống rượu, bia, “nói không” với thuốc lá và tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp. Nên thu xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý bao gồm cả nghỉ ngơi tích cực như nghe nhạc, đọc báo… Bảo đảm ngủ đủ, tránh stress, căng thẳng thần kinh. Gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị bệnh THA, thì phải tuân thủ lối sống lành mạnh chặt chẽ hơn. Khám sức khỏe định kỳ hằng năm và giải quyết các nguy cơ nếu có. Người bệnh THA cần điều trị liên tục, lâu dài, có sự theo dõi sát sao của thầy thuốc, tránh tự ý điều trị bằng các thuốc không rõ nguồn gốc dễ dẫn tới những hậu quả đau lòng. 

H. Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI