Người tiêu dùng nên nói “không” với thực phẩm lề đường

27/01/2021 - 08:16

PNO - Trước khi được bán ở các chợ dân sinh, chợ lẻ, siêu thị, cửa hàng tại TP.HCM, thực phẩm phải qua 2-3 khâu kiểm tra về nguồn gốc, thể hiện qua hóa đơn, giấy tờ nhập hàng. Riêng nhóm thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm tươi sống phải qua thêm các khâu lấy mẫu kiểm tra chất lượng.

Theo đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM, ngoài việc thành lập 20 đoàn kiểm tra ATTP tại các quận, huyện, tần suất lấy mẫu kiểm tra trong những ngày cận tết cũng dày đặc hơn nhằm ngăn chặn, xử lý ngay thực phẩm “bẩn” trước khi chúng đến tay người tiêu dùng qua các kênh trung gian. Ở các chợ đầu mối, các biện pháp giám sát thực phẩm được áp dụng nghiêm ngặt nhất do đây là đầu nguồn để đưa thực phẩm ra khắp thành phố.

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thành lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm dịp tết
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM thành lập 20 đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm dịp tết

Theo kết quả kiểm tra của ban mới đây, ở các chợ truyền thống, tần suất lấy mẫu tùy từng chợ, nhưng không nhiều như chợ đầu mối. Vì chợ truyền thống là khâu cuối, hàng hóa từ đây sẽ đi thẳng vào bếp của người tiêu dùng nên việc chưa chú trọng công tác lấy mẫu kiểm tra ở các chợ lẻ, chợ dân sinh tiềm ẩn nguy cơ không an toàn cho người tiêu dùng.

Đại diện ban quản lý các chợ truyền thống thừa nhận, việc quản lý ATTP chủ yếu là kiểm tra chứng từ, hóa đơn nhập hàng của các tiểu thương, có lấy mẫu kiểm tra nhưng chưa nhiều. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó ban Quản lý chợ An Đông, Q.5 - cho biết định kỳ, ban quản lý chợ phối hợp với Trung tâm Y tế Q.5 lấy mẫu, kiểm tra nhanh hàng hóa, thực phẩm tại chợ. Trong năm 2020, ban quản lý chợ đã lấy khoảng 20 mẫu ở 41 hộ, 85 sạp kinh doanh thực phẩm và 27 hộ kinh doanh ăn uống.

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM, đáng lo nhất hiện nay là chất lượng thực phẩm ở các chợ tự phát. Người buôn bán ở lề đường không có giấy chứng nhận gì, không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, trong khi các tiểu thương chợ truyền thống phải có chứng từ, phải trải qua tập huấn, kiểm tra, kiểm định. Điều này tạo ra sự thiếu công bằng. Để công bằng, đồng thời đảm bảo chất lượng thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, khách hàng nên chọn mua hàng từ các tiểu thương uy tín. 

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI