Người Mỹ đổ vỡ quan hệ vì... Tổng thống Trump

11/02/2017 - 09:45

PNO - Bất đồng quan điểm chính trị giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè không phải chuyện hiếm ở Mỹ, nhưng mâu thuẫn đến mức không thèm nhìn mặt nhau thì chỉ có Tổng thống Trump mới… làm được.

Bà Gayle McCormick (73 tuổi) vừa chia sẻ chuyện gia đình bà bị ảnh hưởng bởi “cơn sóng thần” mang tên Tổng thống Donald Trump. Bà là một cai ngục đã nghỉ hưu, sống ở California, mang tư tưởng của đảng Dân chủ thuần túy.

Nguoi My do vo quan he  vi... Tong thong Trump
. Khảo sát của Reuters/Ipsos với 6.426 người được chọn ngẫu nhiên một tháng qua đã khiến nhiều người giật mình. 39% người được hỏi cho biết họ đã cãi vã với gia đình, bạn bè liên quan đến những chính sách của Tổng thống Trump.

Trước khi cuộc bỏ phiếu phổ thông diễn ra, bà vô tình nghe chồng trò chuyện với bạn bè, kể là ông ủng hộ ông Trump và lập tức bà có cảm giác bị chồng… “phản bội”.

Bà không thể tưởng tượng được là người chồng gắn bó suốt 22 năm của mình lại có thể suy nghĩ khác biệt với mình đến vậy. Điều đó khiến bà thật sự suy sụp.

Chồng bà chưa bao giờ miệt thị phụ nữ, cũng chưa từng lên án hay chỉ trích người nhập cư, nhưng vì sao lại ủng hộ ông Trump? Sau nhiều đắn đo, bà quyết định chia tay.

Bà cay đắng thừa nhận: “Đó không phải là một quyết định nhất thời mà vì tôi thật sự nhận ra chưa bao giờ khoảng cách vợ chồng lại lớn đến vậy. Tôi không thể ngồi cùng ông ấy để theo dõi những bản tin, những lời tuyên bố không thể lọt tai của ông Trump, trong khi chồng tôi vô cùng hào hứng về sự thay đổi để nước Mỹ vĩ đại trở lại. Chỉ cần một nhận định trái với suy nghĩ của mình từ đối phương là chúng tôi sẵn sàng buông những lời gây tổn thương nhau”.

Gần ba tháng kể từ khi diễn ra cuộc bầu cử gây chia rẽ nước Mỹ nhất từ trước đến nay, người dân Mỹ đang ngày càng thấm thía hậu quả. Đây là cuộc bầu cử đan xen thuyết âm mưu, những tranh luận gay gắt, chỉ trích cá nhân với sự “dấn thân” sâu sắc của giới truyền thông khi công khai ủng hộ đại diện của mình.

Cuộc bầu cử còn gây tổn thương cả hạnh phúc gia đình của người Mỹ, làm rạn nứt những quan hệ tưởng chừng rất bền chặt chỉ vì không chung quan điểm chính trị. Khảo sát của Reuters/Ipsos với 6.426 người được chọn ngẫu nhiên một tháng qua đã khiến nhiều người giật mình.

39% người được hỏi cho biết họ đã cãi vã với gia đình, bạn bè liên quan đến những chính sách của Tổng thống Trump. Tỷ lệ đối với khảo sát tương tự ở thời điểm trước bầu cử là 33%. Có 16% người được khảo sát cho biết, họ không còn nói chuyện với người thân, bạn bè. 17% đã chặn tài khoản facebook của những người từng rất thân thiết, vì bất đồng.

Với họ, đây là giai đoạn vô cùng khó khăn vì cảm giác bị phản bội. Anh Rob Brunello (25 tuổi), tài xế xe tải ở Mayfield Heights, bang Ohio, kể rằng anh đã bị người chung quanh tẩy chay vì thẳng thắn ủng hộ ông Trump.

Mọi người không quan tâm liệu chính sách của ông Trump hiệu quả đến đâu và cũng không đủ kiên nhẫn nghe anh Rob chia sẻ lý do đặt niềm tin vào ông Trump. 

Khi khảo sát trên được công bố, nhiều người Mỹ cũng nhận ra mình dường như cũng có mặt trong câu chuyện của Rob Brunello hay Gayle McCormick. William Lomey (64 tuổi), một cảnh sát về hưu tâm sự: “Khi biết tôi bỏ phiếu cho ông Trump, mọi thứ quay ngoắt ngoài sức tưởng tượng. Một người bạn thân thuở ấu thơ đã không còn nhìn mặt tôi”.

Bạn của William Lomey là người đồng tính nên ngay từ khi ông Trump ra tranh cử, người này đã sợ mình sẽ bị gạt ra ngoài xã hội. Khi biết William Lomey chọn Trump, người này đã xem bạn mình là kẻ thù, không tiếc lời thóa mạ. William Lomey kết luận: “Mọi người đều tổn thương quá nặng nề. Tốt nhất là đừng đưa ra quan điểm chính trị vào lúc này”.

Nhà tâm lý trị liệu Stacy Kaiser, nhiều năm kinh nghiệm làm việc với các cặp vợ chồng có mâu thuẫn cho biết, bà chưa bao giờ tiếp nhận số lượt các cặp vợ chồng cần hỗ trợ vì bất đồng liên quan đến bầu cử nhiều như thời gian qua.

Theo Stacy Kaiser, mọi người không phải mâu thuẫn về quan điểm chính trị giữa đảng Dân chủ hay Cộng hòa mà chính trận đồ truyền thông bủa vây quanh hai ứng cử viên ở thời điểm nước rút đã khiến chồng dễ dàng quay sang chửi vợ “đồ ngốc”, vợ thì mắng chồng “ngớ ngẩn”.

Bà Stacy Kaiser nói: “Họ đả kích nhau từ những chi tiết cá nhân, đời tư của ứng cử viên nhưng mang ý nghĩ mình đang bảo vệ công lý. Vì thế xung đột càng dễ phát sinh”.

Sau cuộc bầu cử, Tressa Pankovits (ở Connecticut) mới nhận ra mình từng là nạn nhân của sự căng thẳng không đáng có do truyền thông dẫn dắt. Cô và chị (sống ở Colorado) từng cùng ủng hộ đảng Dân chủ và đã bỏ phiếu cho ông Barack Obama trong hai cuộc bầu cử trước đây.

Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử vừa rồi, cô ủng hộ bà Clinton với chiếc áo ghi khẩu hiệu: “Tôi ở bên bà ấy”, trong khi chị cô ủng hộ ông Trump. Khi đó, những gì hai người nhắn tin trao đổi thường xuyên không phải là về các chính sách hai ứng cử viên cam kết trong chiến dịch vận động mà là chi tiết đời tư liên quan đến chuyện ngoại tình của cựu Tổng thống Bill Clinton, về hành vi và những lời nói thiếu kiềm chế của ông Trump.

Hiện chị em Tressa vẫn chưa làm lành được với nhau vì những điều chính Tressa cũng tự nhận ra là vô lý.

Stacy Kaiser đã khuyên khách hàng của mình: cách an toàn để tránh gây gổ với người thân khác quan điểm chính trị là đừng nhắc đến Tổng thống Trump. Nhưng, điều này hiện có vẻ rất khó thực hiện, khi ông Trump liên tục đưa ra những sắc lệnh hành pháp gây tranh cãi, ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội Mỹ.

Thiên Như (Theo Independent, Politico, NY Daily News, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI