Người miền Trung dìu nhau qua hoạn nạn

21/10/2020 - 08:15

PNO - Nhiều tỉnh miền Trung đang hứng chịu đợt lũ khủng khiếp, tương đương với mức lũ năm 1999. Người dân ở đây đang sống trong tình cảnh thiếu thốn lương thực, giao thông cách trở. Thế nhưng, ngay ở rốn lũ miền Trung, đang lan tỏa nhiều câu chuyện ấm áp tình người.

“Nhà ai ngập cao, qua nhà tui ở”

Tính đến chiều 20/10, thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã bị nước lũ cô lập 13 ngày. Ngồi co ro trước căn nhà vừa bị nước lũ đánh sập, bà Lê Thị Hoa - 63 tuổi - ứa nước mắt kể: “Hôm bão số 5 vô, nhà bị tốc mái. Mấy ngày trước, nước lụt đánh sập luôn căn nhà”.

Nhà bị nước lụt đánh sập, bà Lê Thị Hoa - ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, H.Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - được người dân địa phương cho ở nhờ
Nhà bị nước lụt đánh sập, bà Lê Thị Hoa - ở thôn Phú Kinh, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - được người dân địa phương cho ở nhờ

Ông Phan Văn Việt - Trưởng thôn Phú Kinh - cho biết, hầu hết nhà dân đều bị ngập, nhưng nhờ người dân nương tựa nhau nên cũng giảm bớt được phần nào thiệt hại. “Hôm nước lụt dâng cao đột ngột, nhiều nhà dân ở đây bị nhấn chìm gần như hoàn toàn. Thấy tình cảnh như vậy, một số người có nhà hai tầng đã mời những người có nhà bị ngập đến ở chung” - ông Việt kể.Gia cảnh bà Hoa khá đặc biệt: con trai lớn của bà đã bỏ mạng trong đợt lũ năm 2008, để lại ba đứa cháu cho vợ chồng bà nuôi. Hai đứa nhỏ đã được gửi vào trung tâm nuôi trẻ mồ côi, đứa lớn là Phan Văn Nhuận (18 tuổi) hiện đang ở cùng vợ chồng bà. “Bữa nước lụt dâng cao, nhà sập, cũng may là người dân ở đây họ cho tôi đến nhà ở tạm. Nay nước rút, tôi mới quay về nhà dọn dẹp lại cái bàn thờ cho con trai” - bà Hoa nói.

Chiều 20/10, trong nhà bà Lê Thị Liễu - ở thôn Phú Kinh - vẫn còn người già và trẻ em trú tạm để tránh lũ. “Họ ở đây từ đợt bão số 5. Nhà tôi không bị ngập nặng nên tôi cho họ ở nhờ. Ở đây, gặp ai tôi cũng dặn, nhà ai ngập nặng thì qua nhà tui ở” - bà Liễu chia sẻ.

Nhà cụ bà Hồ Thị Mói là một trong số gần 1.500 căn nhà ở  phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị nước lũ nhấn chìm kể từ sau đợt bão số 5. Cụ Mói năm nay 80 tuổi, sống một mình trong căn nhà nằm ven sông Bồ. Hôm nước lũ đột ngột dâng cao, nhà bị ngập nước, cụ Mói chơi vơi trong biển nước. “Mệ (bà) đang chôn chân trong biển nước không biết mần răng (làm sao) thì vợ chồng bé Oanh lội nước chạy qua cõng Mệ về bên nhà. Vợ chồng bé Oanh nuôi mệ mấy ngày nên mới vượt qua được lụt” - cụ Mói kể.

Vợ chồng “bé Oanh” mà cụ Mói nhắc đến là chị Dương Thị Phương Oanh - Phó chủ tịch Hội LHPN phường Hương Vân. Nhà chị Oanh cách nhà cụ Mói khoảng vài trăm mét. Biết cụ Mói cao tuổi, sống đơn thân nên vợ chồng chị Oanh hay lui tới chăm sóc cụ. “Có chi mô (đâu). Em coi cụ như người nhà của mình, lúc cụ ốm đau, em hay qua giặt đồ cho cụ. Bữa đó, thấy nước lụt lên cao, em thấy không ổn nên chạy qua cõng cụ về nhà mình ở cho yên tâm” - chị Oanh tâm sự.

Cụ Mói kể lại chuyện được gia đình chị Oanh cứu giúp trong lũ dữ ở P.Hương Vân, thị xã Hương Trà,  tỉnh Thừa Thiên - Huế
Cụ Mói kể lại chuyện được gia đình chị Oanh cứu giúp trong lũ dữ ở phường Hương Vân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế

Khi lũ tràn về, toàn huyện Lệ Thủy như chìm trong biển nước. Nhà nhà đều phải chạy lũ. Ông Lê Hữu Bình có ngôi nhà hai tầng ở xã Tân Thủy. Gần 0g, ông vẫn mở cửa sẵn, đốt đèn lên và đăng thông tin lên Facebook mời mọi người có thể đến trú tạm. Khoảng 30 phút sau, đã có hàng chục người dân đến trú tại nhà ông an toàn. Gia đình ông cũng đã chuẩn bị một ít cơm, mì tôm để chia sẻ cho bà con lúc khó khăn. 

Ông Bình nói: “Lụt lội thì ai cũng khó khăn cả, nhưng nhà tôi may mắn hơn chút ít nên chia sẻ với bà con. Chỉ mong lụt mau qua, nước mau rút để người dân đỡ khổ, sớm ổn định cuộc sống”. Không chỉ có nhà ông Bình, những hộ khác ở huyện Lệ Thủy có nhà hai tầng hoặc ở những chỗ cao ráo cũng mở sẵn cửa để mọi người đến tạm trú. 

Nhà cao tầng hoặc ở những chỗ cao ráo mở sẵn cửa để mọi người đến tạm trú
Nhà cao tầng hoặc ở những chỗ cao ráo mở sẵn cửa để mọi người đến tạm trú

Tương tự, tối 19/10, nhiều nhà dân ở vòng xoay trung tâm TP. Hà Tĩnh vẫn sáng đèn. Họ mở sẵn cửa để đón người dân từ những vùng bị ngập sâu của Hà Tĩnh đến trú tạm trong những ngày bão lũ. 

Những bát cơm nghĩa tình 

Sáng 20/10, thay vì tổ chức tọa đàm ôn truyền thống ngày Phụ nữ Việt Nam, các chị trong Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường Đông Lễ, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nấu 200 suất cơm cho người dân làng Phú Lễ, thuộc khu phố 5, phường Đông Lễ, nơi bị nước lũ chia cắt.

Trong khi chuẩn bị nguyên liệu, thấy các lực lượng chức năng chuẩn bị quy tập thi thể 22 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 337 ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TP. Đông Hà), các chị đã bàn nhau nấu cơm miễn phí cho các đơn vị làm nhiệm vụ, thân nhân chưa sắp xếp được chỗ ăn ở. Một số chị em trong chi hội đã lên Facebook kêu gọi nên nhiều người gửi tiền, gạo, rau, cá... ủng hộ hoạt động này. Hơn mười chị em đã tập trung tại nhà chị Nguyễn Thị Thùy nấu cơm cho người thân chiến sĩ gặp nạn và lực lượng chức năng.

Những ngày qua, chị Thu Hằng - ở phường 5, TP. Đông Hà - cũng đứng ra vận động, kết nối mọi người ủng hộ mỗi ngày vài ngàn suất cơm cho vùng bị ngập nặng. Những ngày lũ, học sinh được nghỉ học nên chị mượn bếp của Trường tiểu học Hàm Nghi, Lê Hồng Phong tổ chức nấu ăn rồi trực tiếp mang cơm đến từng gia đình đang bị lũ cô lập. “Tôi thấy người dân ở vùng ngập lụt cần thức ăn để có sức vượt qua khốn khó nên mình bỏ chút sức ra nấu cơm, mong bà con sớm ổn định cuộc sống” - chị Hằng nói.

Cõng người già vượt lũ lịch sử ở Quảng Trị
Cõng người già vượt lũ lịch sử ở Quảng Trị

Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình là xã có hàng chục nhà bị ngập. Hội LHPN xã Trường Thủy đã huy động bà con quyên góp gạo, gia vị, thức ăn… để nấu cơm, gói bánh. Chín chi hội phụ nữ đã tập trung tại hai điểm để làm suất ăn giúp bà con vùng lũ. Dự kiến, 500 suất cơm và hàng trăm cái bánh đòn trước mắt của chị em phụ nữ xã Trường Thủy sẽ đến với bà con vùng lũ tối 20 và sáng 21/10. Ngoài ra, Hội Phụ nữ các địa phương khác trong huyện cũng đang tập trung nấu ăn để tiếp tế cho người dân vùng lũ. 

Trưa 20/10, từng chuyến xe tiếp tế lương thực vẫn đổ về Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Vừa khuân thùng hàng cứu trợ xuống xe, chị Đinh Thị Ngọc Vân - ở thị trấn Voi, huyện Kỳ Anh - vừa cho biết: “Nhân dân thị trấn Voi ủng hộ bánh mì, sữa, lương khô và nấu xôi, cháo để tiếp tế cho bà con tránh lũ. Sau khi phát ở bệnh viện, chúng tôi sẽ về các xã Cẩm Thành, Cẩm Quang, Cẩm Hưng tiếp tế lương thực cho bà con”.

Xe cứu trợ chưa rời, một chiếc xe chở bệnh nhân đi sinh nở tấp vào cổng bệnh viện. Để đưa sản phụ vào, người dân phải bì bõm trong biển nước. Nằm ở chỗ trũng, hiện tại, Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Xuyên vẫn mênh mông nước. Ông Phan Thanh Minh - giám đốc bệnh viện - cho biết: “Hôm qua đến giờ, bệnh viện thực hiện thành công 18 ca đẻ và mổ đẻ trong điều kiện nước ngập sâu. Hiện nay, nước vẫn ngập quá gối, bệnh viện phục vụ bệnh nhân trong biển nước. Mong cho nước rút nhanh, nếu không, bệnh viện không đảm bảo được các điều kiện phục vụ 
bệnh nhân”. 

 

Người dân có nhà cao tầng ở vùng lũ cho người già và trẻ em tạm trú
Người dân có nhà cao tầng ở vùng lũ cho người già và trẻ em tạm trú

Liên quan đến vấn đề thủy điện xả lũ làm gia tăng tình trạng ngập lụt ở miền Trung, bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 20/10, nhiều đại biểu đã lên tiếng khi trao đổi với phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM

Đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Quốc hội sẽ thảo luận về an toàn hồ, đập
Dưới sự chỉ đạo của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có cuộc giám sát về nội dung này tại một số địa phương. Sau đó, đoàn đã có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng có kiến nghị với Chính phủ về vấn đề này. Tại kỳ họp thứ 10, trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội và đồng bào cả nước sẽ được xem video để thấy được rõ hơn mức độ an toàn hồ, đập.
Quốc hội cũng xem xét về việc xây dựng dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận) và dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An). Hai dự án này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng do sử dụng trên 5ha rừng phòng hộ nên phải báo cáo Quốc hội. 

Đại biểu Dương Trung Quốc (tỉnh Đồng Nai): Thủy điện như những quả bom nổ chậm trong rừng sâu

Lũ lụt, sạt lở không phải hiếm hoi ở miền Trung, nhưng năm nay, quy mô và mức độ khủng khiếp quá. Có thể thấy, thiên nhiên đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ và miền Trung là khu vực dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, lâu nay, chúng ta vẫn chưa có những chủ trương, giải pháp căn cơ, bền vững. Chúng ta chỉ ứng phó, ít quan tâm tới tác động của con người - mà bây giờ người ta dùng khái niệm “nhân tai”. Bài toán kinh tế giữa lợi và hại chưa được đánh giá nghiêm túc theo một tầm nhìn dài hạn, bền vững. Có nhiều công trình chỉ đáp ứng nhu cầu trước mắt là tăng trưởng của địa phương, lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một trong những câu hỏi được đặt ra từ rất lâu là: tác động của các công trình thủy điện trong vấn đề này như thế nào? Hệ thống thủy điện mang lại sản lượng điện, đáp ứng nhu cầu cấp bách của chúng ta nhưng cũng được cảnh báo có nhiều tác động tiêu cực. Trong đó, chủ yếu là quản lý và quy hoạch như thế nào cho hợp lý. 
Qua đợt lũ lụt vừa rồi, cần có tính toán và kết luận cụ thể về chuyện này. Chúng tôi không lạm bàn nhưng chắc chắn nếu như quản lý không tốt - đặc biệt là chế độ khai thác nước - thì có thể có tác động phụ, tạo ra biến cố lớn. Do đó, cần sự quản lý chặt chẽ của cơ quan nhà nước và chế tài của pháp luật. 

Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội về vấn đề này. Các công trình thủy điện phần lớn nằm trong rừng sâu núi thẳm, đi lại khó khăn, khó quản lý. Khi hết hiệu quả kinh tế, các doanh nghiệp buông bỏ thì ai là người quản lý và bảo trì? Những tác động do thiên nhiên và công trình đó sẽ như một quả bom nổ chậm trong rừng sâu.  

Đại biểu Đỗ Văn Sinh (tỉnh Quảng Trị): Rà soát lại tất cả dự án, công trình thủy điện

Phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Thủy điện là một trong những dạng đầu tư gây ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Các cấp, ngành khi xác định đầu tư thủy điện, chắc đã phải thực hiện tốt về đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, qua đợt lũ lụt này, những ý kiến băn khoăn về việc đầu tư thủy điện là điều quan trọng để yêu cầu Chính phủ phải rà soát lại tất cả dự án đã và đang triển khai, thực hiện. Với các công trình đã đi vào hoạt động, phải kiểm tra lại xem công tác “phòng vệ” như thế nào. Các công trình sẽ làm cũng phải xem lại một cách khách quan, khoa học, chính xác.


 Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI