Người mất trong mùa dịch, lo hậu sự ra sao?

09/08/2021 - 07:11

PNO - Nhiều người lo sợ khi gặp một tang lễ tổ chức ngoài cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành hiện nay, dù thực tế nhiều trường hợp tử vong không liên quan đến dịch COVID-19.

Nhiều gia đình bối rối vì bị nghi ngờ

Gọi điện đến Báo Phụ Nữ TPHCM mới đây, bà N.T.V. (Q.Bình Tân, TPHCM) cho biết, bà và gia đình vô cùng lo lắng khi người hàng xóm ở đối diện qua đời. Đám tang diễn ra chóng vánh, vài người tham dự mặc quần áo bảo hộ phòng, chống dịch COVID-19. 

Bà V. tỏ ra nghi ngại, phải chăng người hàng xóm mất vì nhiễm SARS-CoV-2? Nếu vì lý do đó, sao chính quyền… không phong tỏa toàn khu dân cư, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đối với người dân sinh sống chung quanh? 

Tâm trạng lo lắng, nghi ngại của bà V. cũng là nỗi hoang mang chung của rất nhiều người khi bắt gặp một tang lễ tổ chức ngoài cộng đồng trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành hiện nay, dù thực tế các ca tử vong không liên quan đến dịch COVID-19.

 

Nhiều người mất trong mùa dịch không phải do nhiễm COVID-19 cũng bị kỳ thị (trong ảnh: một người ở trong khu vực phong tỏa qua đời nhưng không phải do nhiễm COVID-19 được đưa ra ngoài để mai táng)
Nhiều người mất trong mùa dịch không phải do nhiễm COVID-19 cũng bị kỳ thị (trong ảnh: một người ở trong khu vực phong tỏa qua đời nhưng không phải do nhiễm COVID-19 được đưa ra ngoài để mai táng)

Khoảng một tuần trước, ông N. (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TPHCM) qua đời vì căn bệnh ung thư. Đặt vấn đề với chính quyền xã Vĩnh Lộc A, một người hàng xóm của ông N. khẳng định: “Ba ngày trước khi mất, ông N. phải thở bằng bình oxy”. Việc ông N. phải thở bằng oxy khiến nhiều người trong xóm trọ tin rằng, ông qua đời do nhiễm SARS-CoV-2, không dám đến gần phòng trọ của ông. Những người hàng xóm còn gây sức ép, yêu cầu người thân của ông không được tổ chức đám tang ngay tại xóm trọ, đồng thời phải nhanh chóng đưa thi thể ông N. đi nơi khác. Thành phố đang giãn cách, gia cảnh lại khó khăn khiến người thân ông N. bối rối, không biết phải giải quyết ra sao. 

Mặc dù gia đình ông N. đã cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 của ông là âm tính với SARS-CoV-2, nhưng vì lo ngại dịch bệnh, hàng xóm vẫn kiên quyết không cho gia đình ông N. tổ chức tang lễ tại nơi ở. Thế là công ty mai táng cùng gia đình đành đưa thi thể ông N. ra một mảnh đất trống cách đó 25km để thực hiện một đám tang dã chiến trong chưa đầy một tiếng. Tất cả chi phí cho đám tang lẫn hỏa táng đều do Công ty Vận chuyển cấp cứu Nhật Tâm (Q.Bình Tân) và nhóm thiện nguyện tài trợ.

Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật - Giám đốc Công ty Vận chuyển cấp cứu Nhật Tâm, do thành phố áp dụng biện pháp giãn cách, nên thủ tục tổ chức đám tang đã khó càng khó hơn khi không ít người có tâm lý lo sợ, đánh đồng các trường hợp tử vong đều là do COVID-19.

Làm công tác thiện nguyện từ nhiều năm qua, ông Nguyễn Hoàng Nhật cùng với nhóm thiện nguyện chỉ nhận giúp những gia đình thực sự khó khăn. Tuy vậy, trong mùa dịch bệnh, ông cũng đặt các điều kiện như chỉ giải quyết các trường hợp tử vong do những bệnh lý thông thường. Theo đó, người mất và thân nhân phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính. Điều đó giúp ông cùng với nhóm của mình có thể… “đi đường dài”, tránh trường hợp phải chịu cách ly, phong tỏa khiến công việc ảnh hưởng.

“Nghĩa tử là nghĩa tận, dù gia cảnh khó khăn, bất cứ ai cũng mong muốn tổ chức cho người thân của mình đã mất một tang lễ ấm cúng, dù đơn giản, nhanh gọn, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như nguyên tắc 5K và quy định giãn cách” - ông Nguyễn Hoàng Nhật khẳng định. Và trong hoàn cảnh ấy, ông Nguyễn Hoàng Nhật cho hay, mảnh đất trống của gia đình ông đã trở thành “nơi tổ chức tang lễ dã chiến” cho nhiều gia đình, phần lớn đều bị hàng xóm kỳ thị, xa lánh, phản đối việc tổ chức tang lễ ngay tại nơi người mất từng sinh sống.

Quy định về hậu sự ra sao?

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Văn Nhân - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM (tiền thân của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM) - cho biết, Thông tư 02/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng quy định, đối với người mất do nguyên nhân thông thường, trong điều kiện thường không bảo quản lạnh thì thời gian quàn ướp thi hài không quá 48 giờ kể từ khi mất. Đối với người mất do bệnh truyền nhiễm nhóm A, B thì thời gian quàn ướp thi hài không quá 24 giờ kèm một số yêu cầu về xử lý thi hài như hóa chất diệt khuẩn, bọc kín bằng vật liệu không thấm nước…

Ông Lê Văn Nhân cho hay: “COVID-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, nhưng do tính chất của dịch bệnh nên ngành y đã ban hành thêm các văn bản liên quan để hướng dẫn cụ thể về phòng, chống dịch tại lễ tang; xử lý thi hài người tử vong do mắc COVID-19 tại cộng đồng; tổ chức hoạt động mai táng đảm bảo phòng, chống dịch và hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám, chữa bệnh”.

Cũng theo ông Lê Văn Nhân, tình hình dịch bệnh phức tạp hiện nay khiến người dân khi thấy một gia đình có người mất hoặc bắt gặp một đám tang ngoài cộng đồng sẽ có cảm giác ít nhiều sợ hãi, rồi liên tưởng và quy chụp chết do COVID-19, dẫn đến tâm lý kỳ thị.

Phần nữa là thủ tục tổ chức đám tang cho người mất do các bệnh lý thông thường được yêu cầu giống như tổ chức đám tang cho người nhiễm COVID-19 tử vong ngoài cộng đồng. “Đó là nguyên tắc phổ quát mang tính dự phòng được áp dụng trong y khoa” - ông Lê Văn Nhân khẳng định và phân tích, nguyên tắc phổ quát đòi hỏi coi mọi ca tử vong ngoài cộng đồng đều là F0, từ đó, việc tổ chức tang lễ phải đảm bảo phục vụ phòng, chống dịch lây lan trong cộng đồng. 

Ông Nguyễn Hữu Duy - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh - khẳng định, người chết ngoài cộng đồng do bất cứ lý do gì, chính quyền đều tuyên truyền để người nhà tổ chức đúng quy định, thủ tục như đám tang của một F0 ngoài cộng đồng; tức gói gọn trong 24 giờ và thực hiện hỏa táng, không tổ chức cho người đến viếng tang. Tuy vậy, theo ông Trần Vũ Hữu Duy, việc tổ chức đám tang được vận động hạn chế tối đa về mặt thời gian. Đối với người mất mà trước đó có triệu chứng của COVID-19, chính quyền địa phương sẽ tổ chức xét nghiệm và trực tiếp xử lý thi thể người mất nếu kết quả xét nghiệm dương tính. 

Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho hay: liên quan thủ tục, chi phí hỏa táng, lưu giữ tro cốt gửi về cho gia đình đối với người mất do COVID-19 tại các cơ sở y tế, khu cách ly, thành phố hiểu rằng đây là việc thiêng liêng, do đó cố gắng thực hiện chu đáo nhất. Riêng các ca tử vong ngoài cộng đồng, không chỉ do COVID-19 mà với các bệnh lý thông thường khác, trường hợp gia đình khó khăn thì thành phố thông qua ngân sách, các nguồn vận động xã hội sẽ hỗ trợ chi phí mai táng. 


Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI