Người già, trẻ em điêu đứng vì “bệnh mùa nồm”

18/03/2024 - 18:54

PNO - Hàng loạt bệnh viện ghi nhận gia tăng bệnh nhân là người già, trẻ nhỏ vì ảnh hưởng của thời tiết nồm ẩm của miền Bắc.

 

Từ sau Tết nguyên đán tới nay, số lượng bệnh nhân tăng 150% tại Bệnh viện Lão khoa
Từ sau Tết Nguyên đán tới nay, số lượng bệnh nhân tăng 150% tại Bệnh viện Lão khoa

Bệnh nhân cao tuổi tăng mạnh

Mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính từ năm 2007, mỗi khi thời tiết thay đổi, ông N.X.H. (Chương Mỹ, Hà Nội) bị khó thở, người nóng ran, khó chịu. Thời gian này, Hà Nội bước vào giai đoạn giao mùa, nồm ẩm, các triệu chứng trên của ông càng trầm trọng hơn. Vì vậy, ông H. được người nhà đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông khám, dự phòng bệnh có nguy cơ trở nặng.

Bác sĩ Phạm Chiến Thắng, Phó trưởng Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, gần đây, thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm khiến lượng bệnh nhân mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Trong đó có nhiều bệnh nhân là người cao tuổi mắc các bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mạn tính, hen phế quản…

Tương tự, bác sĩ Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) thông tin, sau dịp Tết nguyên đán, số lượng bệnh nhập viện tăng khoảng 150% so với trước tết chủ yếu liên quan đến bệnh về hô hấp. Thời tiết khó chịu, người cao tuổi ăn uống kém ngon miệng, các chứng đầy hơi chướng bụng, khó tiêu hóa cũng dễ “hỏi thăm”, giấc ngủ chập chờn...

Vị chuyên gia cũng lý giải thêm, thời tiết nồm ẩm là điều kiện cho các loại vi trùng, vi rút, nấm mốc… phát triển mạnh. Người cao tuổi với chức năng đề kháng bị suy giảm, trong điều kiện thời tiết này thường dễ mắc nhiễm trùng, đặc biệt là cúm mùa và các loại vi khuẩn đường hô hấp như phế cầu.

Khi các tác nhân này gây bệnh sẽ làm phức tạp các bệnh lý nền như đái tháo đường, suy thận, tăng huyết áp, bệnh phổi mạn tính… Các bệnh lý này dễ  gây ra các biến chứng nguy hiểm, cũng như đe dọa đến tính mạng người cao tuổi.

Trẻ nhỏ ồ ạt nhập viện

Một bệnh nhi điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông
Một bệnh nhi điều trị viêm phổi tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông

Bên cạnh người cao tuổi, trẻ nhỏ cũng là đối tượng dễ mắc bệnh trong điều kiện thời tiết thay đổi, nóng ẩm như hiện nay. Ngồi chăm con gái 3 tuổi đang điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, chị P.T.T.T. (Yên Nghĩa, Hà Đông) thở dài, hơn một tuần trước, thời tiết thay đổi mưa nắng thất thường, con gái chị có dấu hiệu sốt cao, ho nhiều, gia đình đưa bé đến viện khám, được các bác sĩ chẩn đoán viêm phổi, chỉ định nhập viện điều trị.

Nằm điều trị cùng khoa với con của chị T., chị Đ.T.H (Thanh Oai, Hà Nội) cũng chia sẻ, con gái chị rất “nhạy cảm” với thời tiết. Trước khi vào viện, trẻ bỏ bú, ho, chảy nhiều mũi, khó thở nên đưa vào bệnh viện khám và được chẩn đoán viêm phổi.

Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cũng tiếp nhận nhiều cháu bé nhập viện mắc bệnh lý do thời tiết nồm ẩm gây ra như viêm mũi dị ứng, sốt phát ban, viêm đường hô hấp do vi rút…

Tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, mỗi ngày có khoảng 2.000 bệnh nhân đến thăm khám. Đáng lưu ý, thời gian này, số bệnh nhi đến khám tăng cao, khoảng 150 ca/ngày, trong đó có 30 ca nhập viện. Hầu hết bệnh nhi đến khám và nhập viện đều liên quan đến bệnh về đường hô hấp.

Đại diện Bệnh viện Thanh Nhàn cũng cảnh báo về số ca bệnh gia tăng trong thời tiết chuyển mùa. Cụ thể, tại Khoa Nhi của Bệnh viện đang có khoảng 100 bệnh nhi điều trị, trong đó phần lớn trẻ mắc viêm phổi, cúm, sốt vi rút… Có trẻ khi cha mẹ đưa đến khám trong tình trạng thở nhanh, thở gắng sức và phải hỗ trợ cho thở ôxy.

Cách phòng ngừa bệnh trong thời tiết nồm ẩm

Theo các chuyên gia, để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm cần có giải pháp để giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Người dân nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học ngủ đúng giờ và đủ giấc; chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Đặc biệt đối với người già và trẻ nhỏ, cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết. Ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa; hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống.

Khi ra khỏi nhà, người dân nên đeo khẩu trang để phòng bệnh. Mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài. Luôn mang theo dù hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.

Để khắc phục tình trạng nồm ẩm, các gia đình có thể sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Mặt khác, sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà.

Huyền Anh

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI