Ngọn lửa nhỏ “tham lam”

19/07/2016 - 09:22

PNO - “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”, tâm niệm thế, nên cô gái nhỏ cứ dấn thân và cống hiến, vì những thế hệ tiếp nối hạnh phúc hơn, bình yên hơn…

Thuộc thế hệ 8X đời cuối, Đặng Trần Ngọc Ngân như ngọn lửa nhỏ, bùng cháy và lan tỏa sang những người xung quanh. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”, tâm niệm thế, nên cô gái nhỏ cứ dấn thân và cống hiến, vì những thế hệ tiếp nối hạnh phúc hơn, bình yên hơn…

* Nhiều lần đại diện các bạn trẻ gặp gỡ với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Ngọc Ngân cảm thấy như thế nào?

- Thật sự đó là vinh dự lớn lao và cơ hội học hỏi từ một nhà lãnh đạo hàng đầu. Cuộc hội kiến đầu tiên với tổng thống Mỹ và cái bắt tay tại Nhà Trắng, Washington DC là kỷ niệm không thể nào quên đối với tôi. Townhall tại Kuala Lumpur lại là cơ hội kết nối ở tầm Đông Nam Á, nhấn mạnh vai trò của những người trẻ trong việc tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng.

Còn lần gặp tổng thống Barack Obama vừa rồi mang lại cảm xúc thật sự đặc biệt. Với cá nhân mình thì đây có lẽ sẽ là cơ hội cuối cùng được gặp ông Obama ở vai trò tổng thống vì không lâu nữa ông sẽ rời khỏi Nhà Trắng. “Giây phút lịch sử” được tổng thống Mỹ gọi tên “Ngân Đặng và tổ chức của cô ấy” là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi và Đồng hành ước mơ (ĐHƯM). Tin rằng sự ghi nhận của tổng thống Barack Obama không chỉ dành cho bản thân tôi hay ĐHƯM mà là cho tất cả cá nhân, tổ chức, tình nguyện viên, thành viên đã từng đi cùng và ủng hộ chúng tôi.

Ngon lua nho “tham lam”
Ngọc Ngân (trái) tại Kuala Lumpur 11/2015 trước thềm YSEALI Townhall

* Cơ duyên nào đưa đẩy Ngọc Ngân đến với nhóm tình nguyện ĐHƯM?

- Là một sự tình cờ. Đầu tháng Chín năm 2010, trong một lần hướng dẫn một người bạn Nhật Bản đến Việt Nam làm đề án về công tác xã hội, tôi tình cờ biết đến Nhà an toàn Thảo Đàn, nơi chuyên nuôi dưỡng trẻ đường phố. Trước kia, tôi nghĩ trẻ em đường phố là trẻ lang thang, không nơi nương tựa, bán vé số, đánh giày… để kiếm sống. Thảo Đàn đã giúp tôi thay đổi quan niệm về các em. Trẻ em đường phố còn là những em có gia đình nhưng không được về nhà, hay gia đình không đủ điều kiện nuôi dưỡng. Mỗi em mỗi hoàn cảnh nhưng đều có một điểm chung là: thiếu tình thương, sống bất cần và tương lai mờ mịt.

Qua quan sát và tiếp xúc, hiểu được những rủi ro phải đối mặt và hành trình đấu tranh để sinh tồn của các em, tôi phần nào lý giải được nguyên nhân của sự bất cần, không vâng lời, cũng như nhân sinh quan méo mó và thái độ sống tiêu cực của trẻ. Tất cả bắt nguồn từ những tháng ngày mưu sinh trên phố.

Điều đó đặt ra trong tôi hàng loạt câu hỏi: Tại sao ở cái tuổi đáng lẽ phải được học hành, được vui chơi, được yêu thương, các em lại phải lầm lũi kiếm sống? Tại sao cha mẹ lại sinh ra các em hoàn thiện về hình hài, nhưng lại bỏ bê về nhân cách? Việc nuôi lớn một con người không lẽ chỉ đơn thuần là thỏa mãn nhu cầu ăn, mặc, ở thôi sao? Tương lai của những đứa trẻ này rồi sẽ về đâu với tình trạng không học thức, không ước mơ? Phải chăng đó là trách nhiệm của xã hội hay chính những người trẻ như bạn, như tôi - trách nhiệm của chúng ta? Chúng ta nên và có thể làm gì tốt hơn cho trẻ và cho xã hội?

Câu trả lời chắc chắn phải là giáo dục, không chỉ là giáo dục kiến thức mà còn là định hướng sống, giá trị sống, thái độ sống tích cực, và dám ước mơ. Đó chính là lúc tôi nhen nhóm ý tưởng về một dự án dạy học, dạy làm người, truyền tình thương yêu và niềm tin vào cuộc sống và một tương lai tươi sáng hơn cho các em.

Bên cạnh đó, với trẻ khiếm thị là một câu chuyện khác. Các em gặp khó khăn trong việc học tập vì hạn chế khả năng tiếp thu cũng như mất tự tin vì khiếm khuyết thể chất của mình. Những ước mơ và lựa chọn tương lai, do mặc cảm cũng như năng lực, vì vậy, không tồn tại.

Để giải quyết nhu cầu cấp bách đó, tôi và bạn Đỗ Ngọc Thảo đã sáng lập ra ĐHƯM. Dự án dạy học ĐHƯM ra đời, với niềm tin vào sức mạnh của giáo dục và ước mơ và cơ hội tiếp cận công bằng cho tất cả mọi người.

Thời điểm thành lập ĐHƯM vào tháng 10 năm 2010, tôi đang là sinh viên năm thứ tư Đại học Ngoại thương TP.HCM. Trong thời gian qua, ĐHƯM đã có hơn 450 lượt tình nguyện viên với hơn 7.000 giờ dạy học, xây dựng năm thư viện ở hai thành phố. Ban điều phối vẫn nỗ lực liên tục để duy trì tốt ba dự án: dự án dạy học và định hướng cho trẻ, dự án dạy học lưu động và dự án quyên góp sách.

ĐHƯM hiện có các lớp dạy hàng ngày cho trẻ tại bốn mái ấm và các lớp kỹ năng vào cuối tuần tại hai mái ấm khác. Hàng năm, ĐHƯM cũng tổ chức quyên góp sách để xây dựng thư viện và có các lớp dạy để cải thiện văn hóa đọc cho trẻ. Kết quả đạt được, ngoài những con số như đã đề cập, điều khiến ĐHƯM hạnh phúc nhất chính là sự cải thiện về suy nghĩ, hành vi ở từng em học sinh mà ĐHƯM can thiệp và hỗ trợ.

* Trong khi nhiều bạn trẻ đồng trang lứa lao vào làm kinh tế, kiếm tiền, Ngân lại đi làm thiện nguyện. Liệu có một dòng chảy ngược?

- Tôi nghĩ đơn giản đó là đam mê và lựa chọn của mỗi người. Ai cũng sẽ có vai trò của riêng mình ở một nơi nào đó, làm một việc gì đó, giúp ích cho cộng đồng và mọi người bằng cách này hay cách khác. Làm kinh tế quan trọng, vì vốn dĩ đó là cách tạo ra sản phẩm, dịch vụ và của cải cho xã hội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng có những vấn đề quá nhỏ (để Nhà nước phải hỗ trợ chính sách) hoặc chi phí cao, mà không có lợi ích kinh tế (để doanh nghiệp chọn làm) thì chắc chắn cần có sự giúp sức của các tổ chức phi lợi nhuận, từ đó giải quyết các vấn đề xã hội.

Thành lập ĐHƯM từ năm thứ tư đại học, thời điểm đó tôi chưa hình dung tương lai của ĐHƯM sẽ đi bao lâu và bao xa. Tôi chỉ bắt đầu mọi thứ với một sự thúc giục và niềm tin mãnh liệt: “Vì trẻ cần được học và dạy dỗ, đây là việc phải làm. Vì cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng là dành cho tất cả mọi người, nên chúng ta - những người trẻ cần đứng ra gánh vác”. May mắn tôi có đội ngũ thành viên ban điều phối tâm huyết để cùng làm với mình, có những Mạnh Thường Quân không ngừng ủng hộ và động viên, có các “fan” của ĐHƯM ở khắp mọi miền đất nước.

* Ngọc Ngân là cô gái như thế nào nhỉ - say mê hoạt động tình nguyện và cũng rất ưa thích thiền định. Ngân vừa tĩnh vừa động, nhịp nhàng, hòa quyện ư?

- Mỗi sáng tôi bắt đầu với thiền và thể dục. Trong ngày thì làm việc ở công ty. Tối đến lớp học. Rồi trả lời mail, làm bài tập và làm việc. Cuối tuần họp nhóm ĐHƯM.

Có hai con người mà tôi kính trọng vô cùng. Bà Oprah đi qua tất cả thăng trầm và luôn hướng về phía trước, bà có một nghị lực và bản lĩnh phi thường. Còn thiền sư Thích Nhất Hạnh là bởi sự minh triết, an nhiên tự tại. Hai người ấy đều truyền cảm hứng lớn lao cho người khác và tạo ra sự thay đổi.

Ngon lua nho “tham lam”
Các em thuộc nhóm ĐHƯM trong một buổi họp mặt

Tôi luôn tin vào sự tốt đẹp và tử tế ở con người. Cuộc sống thú vị lắm vì luôn có nhiều thử thách để rèn luyện bản thân, mài giũa tâm hồn (tôi rất thích ý này trong quyển Cách sống của Inamori). Đôi nét phác họa về chân dung tôi đấy (cười).

* Mơ ước trong tương lai của Ngân?

- Có lẽ hơi tham lam một tí, nhưng xin phép chia sẻ đôi chút về mơ ước tương lai ở nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, mơ ước cho trẻ: là cơ hội tiếp cận giáo dục công bằng cho đối tượng trẻ thiệt thòi để trẻ có thể phát triển bình thường, lớn lên như mọi người và có niềm tin theo đuổi giấc mơ của mình. Cộng đồng quan tâm nhiều hơn và hỗ trợ cho trẻ.

Thứ hai, mơ ước cho ĐHƯM: nhận được sự quan tâm ủng hộ nhiều hơn nữa của các nhà tài trợ, Mạnh Thường Quân để phát triển hoạt động lâu dài, bền vững, mang được nhiều lợi ích thiết thực hơn cho trẻ.

Cuối cùng, vài điều cho bản thân: tôi hy vọng có cơ hội đi đến nhiều vùng đất mới, gặp gỡ nhiều người hơn, không ngừng học hỏi.

***

Ngân xác định: “Mọi thứ đều có thể. Hãy dám ước mơ và nỗ lực hết mình. Chúng ta có thể làm mọi thứ, nếu có một giấc mơ đủ lớn và có khát khao học tập, phát triển không ngừng”.

Đặng Trần Ngọc Ngân sinh năm 1989, là người sáng lập và Chủ nhiệm nhóm tình nguyện Đồng hành ước mơ - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cho trẻ đường phố, mồ côi và khuyết tật. Ngoài ra, Ngân có chuyên môn về nhân sự và đang làm việc cho một tập đoàn nước ngoài.

Ngọc Ngân từng đoạt học bổng giao lưu văn hóa Việt Nhật - Fujisawa 2009; học bổng YSEALI dành cho thủ lĩnh trẻ 2015 tại Mỹ.

Sở thích cá nhân: thiền định.

Lạc quan, tràn đầy năng lượng và mạnh mẽ là điều mọi người hay nói về Ngọc Ngân.

Khánh Thủy (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI