Nghệ thuật đâu chỉ là bản năng

28/04/2019 - 11:56

PNO - Khi thị trường giải trí chạy theo xu hướng khai thác triệt để tiếng cười thì khả năng hài hước của diễn viên đang là chọn lựa hàng đầu của hầu hết các nhà sản xuất.

Trong buổi thi tiếng nói sân khấu của khóa đào tạo diễn viên nâng cao, do NSƯT Hữu Châu phụ trách, hồi cuối năm 2018, nhiều khán giả “quen mặt” diễn viên Minh Dự đã rất ngạc nhiên khi thấy “thánh chửi” hóa thân khá ngọt vào vai anh chàng Niễng nghèo khó, tật nguyền, ở trích đoạn Sông dài.

Thoát khỏi lối diễn ồn ào, kiểu thoại lời liến thoắng, Minh Dự rất đằm và khá chi tiết từ động tác hình thể, cách thoại đến thể hiện tâm lý, cảm xúc… ở lớp diễn chuẩn bị đưa Lượm lên Sài Gòn chữa mắt. Ngỡ Niễng sẽ mở thêm một cánh cửa để Minh Dự có những hóa thân đa sắc, khác biệt hơn. Nhưng từ đó đến nay, Minh Dự lại quay về với hình ảnh và lối diễn đã quá quen thuộc với khán giả, kể từ khi anh xuất hiện trên các game show truyền hình. Có khác chăng, những câu chửi của “thánh chửi” đã được tiết chế và đôi khi thay bằng văn thơ - thế mạnh của chàng diễn viên tốt nghiệp cử nhân ngành văn học.

Nghe thuat dau chi la ban nang
Minh Dự với tạo hình và diễn xuất rất khác nhưng nhiều ấn tượng trong buổi thi tiếng nói sân khấu

Tương tự Minh Dự, dù tốt nghiệp Trường Sân khấu - Điện ảnh từ năm 2007, rồi về “đầu quân” cho sân khấu Nụ Cười Mới, nhưng đến khi tham gia game show Cười xuyên Việt phiên bản nghệ sĩ năm 2015 rồi giành giải á quân, diễn viên Nam Thư mới được khán giả nhớ tên. Dẫu vậy, có vẻ như giải á quân và vị trí bình luận viên Cười xuyên Việt 2016 lại không mang đến cho Nam Thư  nhiều dấu ấn và cảm tình của khán giả, nếu không muốn nói, cách Nam Thư thể hiện ở vị trí bình luận viên đã nhận khá nhiều “gạch đá” từ công chúng.

Nổi lên từ vai hài và được lăng-xê là “kiều nữ làng hài”, nhưng Nam Thư chỉ để lại ấn tượng đẹp cho công chúng sau lần xuất hiện với vai trò trợ diễn cho thí sinh Vũ Trần trong đêm chung kết Kịch cùng boléro 2017, khi hóa thân thành người phụ nữ có số phận trắc trở, bị cuộc đời đẩy đưa từ cô gái quê hiền lành trở thành gái giang hồ khét tiếng.

Không lâu sau đó, Nam Thư chinh phục khán giả với vai diễn bà Ba - nhân vật đầy mưu mô, toan tính, nhưng cũng chất chứa những nỗi niềm đớn đau (vở Gia vũ yên đăng ở sân khấu Thế Giới Trẻ). Thậm chí, không ít khán giả từng dị ứng với “bình luận viên” Nam Thư trước đó đã thay đổi cảm xúc và đặt nhiều kỳ vọng ở Nam Thư, cho rằng Nam Thư diễn chính kịch “ngọt” hơn hài. Tiếc rằng, sau Gia vũ yên đăng, Nam Thư chưa có thêm những dấn thân mới, vì bận phát triển sự nghiệp qua những dự án hài.

Cùng với Minh Dự và Nam Thư, hai gương mặt diễn viên cũng nổi đình đám từ các game show hài là Mạc Văn Khoa và Lê Dương Bảo Lâm. Dù được nhắc đến khá nhiều ở phim Lật mặt 4: Nhà có khách, vai diễn của Mạc Văn Khoa được đánh giá thành công do đây là vai diễn được “đo ni đóng giày”, khai thác sự hài hước bởi giọng nói “không giống ai” của Khoa. Lê Dương Bảo Lâm cũng trở thành diễn viên của sân khấu Idecaf, tham gia cả kịch thiếu nhi lẫn kịch người lớn, nhưng đến nay vẫn chưa để lại nhiều ấn tượng.

Nghe thuat dau chi la ban nang
Nam Thư (trái) trong Gia vũ yên đăng

Khi thị trường giải trí chạy theo xu hướng khai thác triệt để tiếng cười thì khả năng hài hước của diễn viên đang là chọn lựa hàng đầu của hầu hết các nhà sản xuất. Để an toàn và giải quyết vấn đề thời gian thực hiện chương trình “eo hẹp”, do đụng lịch chạy show của nghệ sĩ, nhà sản xuất chủ yếu khai thác những thứ vốn có ở diễn viên hơn là cho họ thử thách với những sáng tạo mới. Bản thân các diễn viên cũng bị cuốn theo dòng xoáy chung, đôi khi không kịp nhận ra những gì mình đang có, đang thể hiện trước công chúng mới chỉ là một khả năng vừa được phát hiện, mang nhiều yếu tố bản năng.

Nhiều năm làm công tác giảng dạy, đồng thời cũng ngồi ghế giám khảo một số game show truyền hình, NSƯT Công Ninh khẳng định: “Dù chiến thắng ở cuộc thi tìm kiếm tài năng, hầu hết thí sinh đoạt giải cũng chỉ mới bộc lộ khả năng. Từ khả năng đến tài năng là một khoảng cách rất xa, đòi hỏi quá trình học tập, rèn luyện, phấn đấu và sáng tạo không ngừng”. Nghệ thuật là cuộc chơi với quy luật đào thải đầy nghiệt ngã. Nhu cầu thưởng thức của công chúng cũng là một phạm trù không mang tính ổn định. Nếu tự hài lòng và chỉ biết khai thác khả năng, bản năng của bản thân, diễn viên đang tự “ăn vào cái đuôi” của mình. Một khi khán giả đã quen với lối diễn nặng tính bản năng, lặp lại cộng sự xuất hiện của những gương mặt mới, họ sẽ nhanh chóng chán và quay lưng với nghệ sĩ.

Đã có không ít tên tuổi nghệ sĩ hài đình đám, thời tấu hài lên ngôi, một đêm chạy đến 10 điểm diễn, nhưng rồi cũng bị lãng quên, bởi cứ lặp lại chính mình. Thời tấu hài “ngắc ngoải”, số nghệ sĩ này không thể thích nghi với lối diễn khác, bỏ luôn cơ hội thử thách bản thân và tích lũy kinh nghiệm cho nghề nghiệp. So với trước đây, việc rèn nghề để tỏa sáng khó khăn hơn rất nhiều, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có quyết tâm và cả sự tỉnh táo. Làm sao để biết vị trí thực của mình giữa những lời tung hô, tán thưởng? Làm sao để tỉnh táo chọn lựa một cơ hội luyện nghề giữa lịch chạy show kiếm tiền dày đặc? Điều này tùy thuộc vào bản lĩnh, cách nhìn nhận về nghề và đam mê, nhiệt huyết dành cho sân khấu của mỗi người.

“Nghệ thuật không thể chỉ là bản năng. Nếu chỉ có bản năng, bạn sẽ khó đi được đường dài và hành trình của bạn cũng sẽ rất nhạt nhòa” - đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc khẳng định. 

Khi thị trường giải trí chạy theo xu hướng khai thác triệt để tiếng cười thì khả năng hài hước của diễn viên đang là chọn lựa hàng đầu của hầu hết các nhà sản xuất. Để an toàn và giải quyết vấn đề thời gian thực hiện chương trình “eo hẹp”, do đụng lịch chạy show của nghệ sĩ, nhà sản xuất chủ yếu khai thác những thứ vốn có ở diễn viên hơn là cho họ thử thách với những sáng tạo mới.

Thảo Vân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI