Nghe đất “kể chuyện”

15/05/2023 - 08:41

PNO - Ở trưng bày Tiếng nói của đất (đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, TPHCM), công chúng sẽ được tìm hiểu về quá trình tạo ra các sản phẩm gốm từ đất, lịch sử của nghề ứng với từng địa phương, cũng như chuyện giữ nghề, giữ văn hóa trước những thách thức của thời đại.

Trưng bày có 3 không gian riêng biệt, gồm gốm của người Khơ Me ở An Giang, của người Chăm ở Ninh Thuận và người Việt - Hoa ở Bình Dương. Từ đây, cho thấy được sự đa dạng trong chất liệu, cách thức, công cụ làm gốm. Mỗi không gian giới thiệu sơ lược về lịch sử nghề, trưng bày công cụ, thành phẩm, khái quát về quy trình thực hiện. Tại đây, công chúng cũng cảm nhận được một phần không gian thực tế của nghề gốm nhờ sự bài trí, sắp đặt.

Gia đình nghệ nhân Đàng Thị Thiệt (Ninh Thuận) có 3 thế hệ hiện gìn giữ nghề gốm truyền thống - ẢNH: THÀNH LÂM
Gia đình nghệ nhân Đàng Thị Thiệt (Ninh Thuận) có 3 thế hệ hiện gìn giữ nghề gốm truyền thống - ẢNH: THÀNH LÂM

Cùng là đất, nhưng thổ nhưỡng mỗi vùng khác nhau tạo nên bản sắc cho mỗi vùng. Người Khơ Me ở An Giang tìm đất đủ tiêu chuẩn, giã đất, nhồi đất, lọc sạn… nắn thành thỏi dài hình trụ, sau đó đập dẹp tương ứng với kích cỡ đồ vật. Trong khi đó, người Chăm ở Bàu Trúc (Ninh Thuận) lại mang đất đi ngâm để loại bỏ tạp chất, sau đó trộn cùng cát rồi mới mang đi sản xuất đồ gốm. Điểm thú vị là phần lớn các vật dụng đều có phôi hình quả bí tròn, hoa văn trên gốm Chăm thường sử dụng hoa tươi, lá tươi, vỏ sò để tạo hình, dùng răng cưa của lược tạo sóng nước… Vì thế, mỗi sản phẩm gần như là độc bản.

Người Hoa khi di cư sang Việt Nam, đến vùng Lái Thiêu, mang theo kỹ thuật làm gốm truyền thống, rồi cải biến dựa trên tình hình thực tế, sự giao thoa văn hóa với người Việt bản xứ để cho ra nghề gốm Lái Thiêu trứ danh. Nếu như gốm của người Khơ Me ở An Giang và người Chăm ở Ninh Thuận thiên về sự giản dị, mộc mạc thì gốm Lái Thiêu lại gắn với những kỹ thuật xử lý kỳ công trong việc tạo hình, tráng men. Đồ gốm Lái Thiêu thế kỷ XIX, XX đã bước vào bộ sưu tập cổ vật của nhiều nhà sưu tầm.

Từ đất sinh ra cà ràng, nồi, ấm, chén, khạp, hũ… nép mình trong góc bếp ấm cúng, giản dị hay trở thành cổ vật, bảo vật tồn tại qua hàng trăm năm bởi kỹ thuật độc đáo, tay nghề điêu luyện của những người thợ. Sản phẩm từ gốm cũng góp mặt trong văn hóa cưới hỏi, phong tục truyền thống của các dân tộc.

Gốm Lái Thiêu sản xuất vào thế kỷ 20, được giới thiệu tại trưng bày Tiếng nói của đất ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ
Gốm Lái Thiêu sản xuất vào thế kỷ 20, được giới thiệu tại trưng bày Tiếng nói của đất ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Đất phụng sự cho cuộc sống của con người, bằng chính sự sáng tạo, thích nghi của họ. Đất còn kể chuyện của những người phụ nữ tần tảo đi suốt chiều dài lịch sử. Gốm cứng, nhưng được tạo thành từ sự mềm mại của đất và cả sự nữ tính của phụ nữ.

Ở nhiều gia đình, nghề này được truyền nối từ khi những đứa trẻ mới lên 10, đến nay đã trở thành những ông lão, bà cụ. Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, nghề thủ công truyền thống đang đứng trước nhiều khó khăn nhưng vẫn có những người miệt mài làm việc để giữ nghề, giữ văn hóa. Câu chuyện về gia đình 3 thế hệ của nghệ nhân Đàng Thị Thiệt (Ninh Thuận) vẫn đang giữ nghề gốm nhen nhóm lên hy vọng rằng người còn, nghề còn, văn hóa còn. 

“Thổ hành kim, ly tác bảo” nghĩa là “Đất biến thành vàng, bùn biến thành báu vật”, là câu nói để ca ngợi nghề gốm. Báu vật, không chỉ là những vật hữu hình, mà còn là văn hóa, truyền thống, lịch sử. 
Trưng bày kéo dài đến hết tháng 10/2023. 

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI