Talk show Cải lương hôm nay

Đề tài lịch sử: “Mỏ vàng” của sân khấu cải lương

14/05/2023 - 09:20

PNO - aHàng trăm vở diễn về đề tài lịch sử đã được dàn dựng, trong đó có rất nhiều vở gây tiếng vang, với các vai diễn tạo dấu ấn đặc biệt cho nhiều thế hệ nghệ sĩ. Đề tài này là “mỏ vàng” vẫn đang chờ được khai thác.

Chuỗi talk show Cải lương hôm nay do Báo Phụ nữ TPHCM thực hiện là cầu nối để các nghệ sĩ, những người làm nghề tâm huyết với sân khấu cải lương có thể cùng chia sẻ với khán giả mộ điệu những tâm tư, trăn trở về các vấn đề của cải lương hôm nay. Chương trình (mỗi số gồm 2 tập) sẽ được phát định kỳ vào trung tuần mỗi tháng tại www.phunuonline.com.vn và kênh YouTube của báo.

Số 1: Cải lương có cần “làm mới”?

Số 2: Giữ “linh hồn” của nghệ thuật cải lương

Lịch sử bi hùng và những cuộc hóa thân

Lịch sử hào hùng của dân tộc luôn là niềm cảm hứng bất tận cho các loại hình nghệ thuật, trong đó có sân khấu cải lương. Nhiều người cho rằng, với thế mạnh thể hiện cảm xúc bi hùng, sân khấu cải lương càng có lợi thế trong việc làm câu chuyện lịch sử thêm hấp dẫn. Có lẽ những ai từng xem Tiếng trống Mê Linh sẽ khó quên được hình ảnh Trưng Trắc “tế sống” chồng là Thi Sách trước khi thúc trống tiến quân đuổi giặc; dáng đứng sừng sững của tướng quân Phạm Cự Chích trước làn tên của quân thù trong vở Bão táp Nguyên Phong hay sự khẳng khái, cương liệt của danh thần Nguyễn Trãi trước các thế lực hại dân hại nước trong vở Rạng ngọc Côn Sơn… 

Từ trái sang: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Phượng Loan, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà và nhà báo Tiểu Quyên trong chương trình - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Từ trái sang: NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Phượng Loan, đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà và nhà báo Tiểu Quyên trong chương trình - Ảnh: Nguyễn Quang

Từ những “trang sử vàng”, những hình tượng anh hùng trở lại sống động và đầy quyến rũ qua những sáng tạo trên sàn diễn. Qua bao năm, các vở diễn Tiếng trống Mê Linh, Nhụy Kiều tướng quân, Thái hậu Dương Vân Nga, Câu thơ yên ngựa, Bức ngôn đồ Đại Việt, Má hồng soi kiếm bạc… vẫn để lại những cảm xúc trân trọng, đầy tự hào trong lòng người hâm mộ. Và các thế hệ nghệ sĩ như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết, NSND Thanh Vy, NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn…; sau này là các nghệ sĩ Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Kim Tử Long, NSƯT Phượng Loan, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Võ Minh Lâm… đều đã tạo được những dấu ấn khó quên với những vai diễn nhân vật lịch sử trên sân khấu.

Mỗi vở diễn đề tài lịch sử thành công, tạo dấu ấn đều là những cuộc hóa thân, cống hiến trọn tâm sức của người nghệ sĩ. “Mỗi khi nhận một vai diễn nhân vật lịch sử, tôi đều tìm hiểu sử liệu để nắm rõ hoàn cảnh sống, cách hành xử, số phận của nhân vật ngoài đời thật như thế nào. Tôi cũng không ngại xem các nghệ sĩ đi trước đã thể hiện ra sao để học hỏi và tìm tòi, đào sâu, có cách thể hiện mới và khác hơn như thế nào” - NSƯT Phượng Loan chia sẻ. Chị gây ấn tượng với các vai diễn thái hậu Dương Vân Nga trong tác phẩm cùng tên, vai thần phi Nguyễn Thị Anh trong vở Rạng ngọc Côn Sơn.

Với NSƯT Kim Tử Long - người từng thể hiện thành công các nhân vật anh hùng Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi... - là ký ức không quên được từ những ngày còn được “má Bảy” Phùng Há rèn giũa cho từ cách cầm quạt, múa thương, chỉ dạy từng động tác, ra bộ, nhướng mày, từng câu thoại…

“Khổ luyện” là từ mà tất cả nghệ sĩ đều nhắc đến mỗi khi nhớ về ký ức rèn nghề, từng ngày đi lên với sân khấu cải lương. “Ngày xưa, mỗi khi nhận kịch bản về là ôm nó cả ngày lẫn đêm, tìm hiểu, vỡ hoang được một vở diễn có khi mất cả mấy tháng trời. Biểu diễn đến thuần thục rồi vẫn chăm chút từng li từng tí cho nhân vật mình sau mỗi suất diễn, không bao giờ được tự hài lòng với chính mình” - NSƯT Phượng Loan tâm tình.

Những vai diễn xuất thần đi vào lòng khán giả được đổi bằng mồ hôi, nước mắt của người nghệ sĩ trên sàn tập. NSƯT Kim Tử Long nói, trong sự khổ luyện còn có hy sinh. Đó không chỉ là rèn luyện mà còn phải biết bảo vệ giọng hát, bảo vệ sức khỏe, từ bỏ những sở thích/thói quen có hại cho thanh sắc. Có như thế thì cho dù ở tuổi nào đều vẫn giữ được phong thái đỉnh cao của nghệ sĩ. 

NSƯT Kim Tử Long trong vai Nguyễn Trãi của vở Rạng ngọc Côn Sơn - ẢNH: N.TUYẾT
NSƯT Kim Tử Long trong vai Nguyễn Trãi của vở Rạng ngọc Côn Sơn - Ảnh: N.Tuyết

“Kho báu” vô tận từ chất liệu sử

'Đề tài lịch sử luôn là chất liệu vô tận cho văn học - nghệ thuật. Những thời đại văn hóa, những nhân vật anh hùng dù được viết theo chính sử hay dã sử đều là các tác phẩm có khả năng dẫn dụ, làm mê đắm công chúng. Sức hấp dẫn của tác phẩm lịch sử ở chỗ, ai cũng có thể biết kết quả nhưng qua tác phẩm nghệ thuật, họ lại thấy được số phận các nhân vật, những kiến giải của hậu thế, góc nhìn công - tội và cả những cuộc giải oan cho con người của lịch sử. 

“Mãnh lực của sân khấu chính là trong khoảng không gian vài chục mét vuông đó, khán giả được khóc cười với vở diễn, được nhận về những giá trị, triết lý sâu sắc, những bài học lịch sử ý nghĩa với thời đại. Những câu chuyện sử được kể trên sân khấu cải lương lâu nay phần lớn là về các sự kiện, nhân vật sử quen thuộc. Nhưng còn rất nhiều nhân vật hay, trong những bối cảnh lịch sử nhất định qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước vẫn chưa được các tác giả khai thác” - đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà nhìn nhận. NSƯT Kim Tử Long cũng nói, anh luôn mong muốn được thể hiện những nhân vật mới, vì cải lương tuồng sử lâu nay phần lớn là tái dựng các vở cũ. 

“Tại sao không có những nhân vật mới trên sân khấu cải lương tuồng sử?” là câu hỏi của nhiều người làm nghề. Theo đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, hiện nay không phải không có mà là “kịch bản hay thì thiếu, kịch bản yếu thì nhiều”. Ông nhìn nhận một vở diễn lịch sử trước nhất phải có câu chuyện hấp dẫn, kịch bản phải xây dựng cho được hình tượng nhân vật điển hình. Đó cũng là cách tạo đất diễn cho diễn viên phô diễn tài năng và tạo dấu ấn để đời với nhân vật. Đặc biệt, một kịch bản khai thác những câu chuyện mới, dữ liệu mới và có góc nhìn mới, phả hơi thở cuộc sống hiện đại cũng là điều mà đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà đặc biệt quan tâm. 

Một trong những vở có thể nói mang yếu tố mới từ kịch bản, góc nhìn đến cách dàn dựng có thể kể đến Bão táp một vương triều, khai thác hình tượng nhân vật Hồ Quý Ly. Thoát khỏi những hình tượng nhân vật anh hùng theo khuôn mẫu điển hình, Bão táp một vương triều là góc nhìn công - tội về Hồ Quý Ly, về sự hưng vong của triều đại Nhà Hồ. Các vở Dời đô, Tô Hiến Thành xử án… cũng là những vở dàn dựng thành công, đậm dấu ấn. 

Talk show Cải lương hôm nay số 3 có chủ đề: Đề tài lịch sử - “mỏ vàng” của sân khấu cải lương (2 tập) sẽ được phát tại www.phunuonline.com.vn và kênh YouTube Báo Phụ nữ TPHCM. Chương trình có sự tham gia của đạo diễn, NSND Giang Mạnh Hà, NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Phượng Loan.

Trong chương trình, bạn đọc sẽ được nghe các nghệ sĩ chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ với các vai diễn tạo dấu ấn trong các vở cải lương tuồng sử; những góp ý, gợi mở để có thể khai thác, dàn dựng vở diễn đề tài lịch sử trên sân khấu cải lương. Đến với chương trình, NSƯT Kim Tử Long và NSƯT Phượng Loan sẽ biểu diễn tặng bạn đọc bài Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà và trích đoạn vở Tiếng trống Mê Linh. 

Đối với đề tài lịch sử, chính sử hay dã sử đều có cách khai thác chất liệu, kịch tính, số phận nhân vật, những nút thắt mở để hấp dẫn công chúng. Khán giả hôm nay không quay lưng với tuồng sử, nhưng đề tài này lại đang ngày càng vắng bóng trên sân khấu cải lương. “Lý do đầu tiên phải nói là thiếu kịch bản hay. Thứ hai là thiếu kinh phí đầu tư.

Câu chuyện quảng bá tác phẩm cũng chưa thật sự được chú trọng, đặc biệt là đối với các nhà hát, các đơn vị quản lý công lập. Để vở diễn thu hút còn cần có sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên tài năng, tên tuổi, từng tạo dấu ấn trong lòng khán giả. Nhưng trong nhiều vở diễn nhà nước đầu tư, họ lại không có mặt. Về phía khán giả, họ luôn chờ đợi sân khấu có phong cách kể chuyện mới lạ, sáng tạo, độc đáo, thủ pháp dàn dựng mới, tạo nên sự độc đáo nhưng người làm nghề có thể chưa đáp ứng được kỳ vọng của công chúng. Những điều đó là nguyên nhân góp phần vào sự mai một của vở tuồng lịch sử trên sân khấu hôm nay” - NSND Giang Mạnh Hà nhìn nhận. 

Ông cũng cho rằng dù người làm nghề luôn có đam mê và tình yêu thiết tha dành cho sân khấu cải lương cũng không thể làm được nếu không có sự vận hành, quan tâm của cơ quan quản lý nhà nước. Vậy nên, để có được những vở diễn lịch sử hay, hoành tráng vẫn rất cần Nhà nước thật sự hỗ trợ và đặt hàng, cần đầu tư có lộ trình theo phân kỳ từng năm, từng quý. Bên cạnh đó, không thể không chú ý đến việc đào tạo nguồn lực con người, đào tạo thế hệ nghệ sĩ kế cận. 


Ngọc Tuyết - Lục Diệp

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI