Ngày Độc lập ở Rạch Giá theo lời kể của nhà văn Sơn Nam

02/09/2020 - 11:21

PNO - Sau tròn 75 năm ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đọc lại tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, chúng ta được sống lại không khí của Ngày độc lập ở tỉnh lẻ Rạch Giá mùa thu năm ấy.

Trong cuốn Hồi ký Sơn Nam, tập hợp 4 tập: Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, 20 năm giữa lòng đô thị, Bình an (NXB Trẻ, 2009); ở phần Ở chiến khu 9, nhà văn đã kể lại chi tiết diễn biến cuộc cướp chính quyền của nhân dân tỉnh Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay) tháng 8/1945:

“Một Ủy ban khởi nghĩa đã đi ô tô đến Tòa Bố tỉnh để gặp viên tỉnh trưởng do người Nhật chỉ định. Sau nhiều phút cãi vã không gay go cho lắm, hắn ta chịu rút lui trong khi dân chúng kéo đến hô khẩu hiệu, gây sức ép như vũ bão. Lính Nhật còn lai rai vài đứa, phần lớn dường như đã tự động gom về Sài Gòn để đầu hàng Đồng minh. Riêng ở kho lúa gạo đầu Doi, chừng năm tên lính Nhật cứ ở đó, tử thủ, đồng bào gần đây cho biết thỉnh thoảng chúng dùng dây xích sắt khóa chân nhau, ngụ ý thề sinh tử để bảo vệ, không một ai được chạy trốn”.

Sau ngày cướp chính quyền, Rạch Giá cử hành một cuộc mít tinh lớn chưa từng có. Sơn Nam viết: Bảo là “dự mít tinh”, “được may mắn dự mít tinh” nhưng khi đó chẳng ai hiểu từ đó nghĩa là gì, “trừ một số ít cán bộ”.

Rạch Giá ngày xưa
Rạch Giá ngày xưa

Năm đó, chàng thanh niên Phạm Minh Tày (tên thật của Sơn Nam), mới 19 tuổi, đã tốt nghiệp trung học ở Cần Thơ. Đó là độ tuổi đủ để ông lưu giữ trong trí nhớ những ấn tượng cho riêng mình, xem đó là sự hãnh diện.

Theo trí nhớ của nhà văn, hình ảnh của buổi mít tinh giống với khí thế được nhà thơ Hoàng Cầm mô tả trong bài Đêm liên hoan, Đầu nhấp nhô như biển sóng ngang tàng.

Đồng bào từ các vùng gần xa trong tỉnh lần lượt đến, tương đối có trật tự, phần lớn mặc quần áo đen, có trẻ em khoảng 15 tuổi, thêm nhiều bà, nhiều cô mặc áo dài tươm tất.

Mặt bằng là sân bóng đá của tỉnh, luôn luôn bị gió biển thổi tạt vào đất liền. Sân quá rộng, thiên hạ chen chúc tràn sân. Khán đài dựng lên, đơn sơ, với sự hiện diện của Ủy ban Việt Minh, gồm khoảng 7 người, tham dự như khách quý còn có một vài nhà sư, linh mục, sư sãi Khơ me.

“Không có máy vi âm (micro), làm sao nói cho cả vạn người nghe? Đành dùng kỹ thuật thời xưa là nói trong ống loa bằng thiếc”, nhà văn Sơn Nam tả lại.

Và người diễn thuyết trước đồng bào Rạch Giá hôm đó là ai? “Không ai khác lạ, người mà từ hơn năm qua đồng bào đã nghe tên: Nhà báo Nguyễn Văn Tạo mặc nhiên được tự do, sau thời gian bị quản thúc” (ông Nguyễn Văn Tạo sau đó được chỉ định vào Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ với chức vụ Ủy viên trưởng Nội vụ. Ông trúng cử Quốc hội khóa I, là trưởng đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh Rạch Giá).

Trí nhớ của chàng thanh niên 19 tuổi vẫn lưu giữ sâu đậm hình ảnh của ngày hôm đó: Nguyễn Văn Tạo mang kiếng trắng, chống gậy (ông Tạo lúc đó 37 tuổi, vừa mới được ra khỏi nhà tù đế quốc), nói không có giấy viết sẵn, giọng không to lắm, ấy thế mà cả khu vực nghe rõ. Ai nấy đều lắng tai nghe, trang trọng.

Ông Tạo nói về độc lập và thống nhất đất nước, lấy chuyện cụ thể là Nguyễn An Ninh từng tranh đấu và hy sinh; chuyện nhà báo Trương Cao Động viết báo chống thực dân ở Sài Gòn bị thực dân trục xuất về Trung kỳ; nói thêm về trẻ con thất học, sưu cao thuế nặng… Khi kết thúc, ai nấy vỗ tay vang dậy. 

Sơn Nam cũng cho biết thêm, buổi nói chuyện của đại diện Việt Minh vẫn chưa giải tỏa được nỗi thắc mắc lớn của quần chúng. Người dự mít tinh thì thào, loan truyền riêng rằng ông Hồ Chí Minh là người đứng lên lãnh đạo Mặt trận Việt Minh nhưng Hồ Chí Minh phải chăng là Nguyễn Ái Quốc, chắc chắn như vậy. Hay là ông Nguyễn Ái Quốc chưa muốn ra công khai?

Rời sân vận động về nhà, dọc đường, nhà văn Sơn Nam chứng kiến cảnh một ông lão quắc thước đang thao diễn để tập võ nghệ cho đám thanh niên. Đi ngang đình Nguyễn Trung Trực, ông thấy hai ông kỳ lão đứng khoanh tay trước cái lư hương đỏ rực nhang và nến. Và không cần phải mời bà con vào cúng tiến (vì không bày các thùng Phước sương), nhưng là bổn phận, ngày vui của đông đảo đồng bào, nên ông cảm thấy “chắc hẳn linh hồn ông Nguyễn Trung Trực cũng hả hê”.

Còn trước sân đình, hai cần xé đầy bánh tét, bánh ít và cái lu, cái gáo dừa để đồng bào tùy ý dùng. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới sau lái chiếc tàu tuần biển của Pháp mà ta đã sung công. Vài toán thanh niên xếp hàng hai, đang tập đi, với phong cách quân đội chính quy, vài người xách lựu đạn nội hóa, hình bầu dục, đúc bằng đồng, phía sau có cái đuôi khá dài. Họ mặc quần cụt, chân mang dép nhựa bằng cao su tươi chưa sơ chế. Họ hát: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng…”.

Sau cuộc cách mạng tháng Tám, chàng thanh niên Phạm Minh Tày cũng tham gia Thanh niên Tiền phong, lần lượt công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, để rồi trở thành nhà văn với bút danh Sơn Nam với những trang viết đậm nét văn hóa của đất và người Nam bộ.

Lê Tiên Long

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI