Nhiều hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9

20/08/2020 - 15:58

PNO - Đa dạng hoạt động từ triển lãm, chiếu phim, hoà nhạc... sẽ được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2/9.

1. Chiếu phim miễn phí

Trong đợt hoạt động kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2020) và ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Điện ảnh chủ trì tổ chức chiếu phim miễn phí.

5 bộ phim được chọn chiếu gồm: Ký ức Long Châu (Công ty TNHH MTV Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương), Quê lụa Tân Châu (Công ty CP Phim Giải Phóng), phim hoạt hình Tắc kè phá án (Công ty CP Hãng Phim hoạt hình Việt Nam), Người lính thầm lặng (Công ty cổ phần Phim truyện I) và phim tài liệu Làng xây đảo.

Hình ảnh trong phim tài liệu Làng xây đảo từng được phát trên VTV1.
Hình ảnh trong phim tài liệu Làng xây đảo từng được phát trên VTV1.

Trong thời điểm cả nước đang dồn sức chống dịch COVID-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ các địa phương chỉ tổ chức chiếu phim nếu kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đặc biệt phải đảm bảo các yêu cầu y tế. Trong trường hợp không tổ chức chiếu phim trong đợt này, các địa phương chủ động để dành phim chiếu tiếp vào những đợt sau.

2. Hoà nhạc Giai điệu Tổ quốc

Giai điệu Tổ quốc là chương trình do Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) phối hợp với một số nghệ sĩ, đơn vị tổ chức hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam.

Chương trình được chia làm 3 giai đoạn tương ứng với cuộc đời của mỗi con người. Giai đoạn đầu đời, chương Đất nước lời ru kể về cuộc sống của những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của gia đình. Chương 2 - Bài ca người lính, là câu chuyện khi những đứa trẻ từ làng quê yên bình ấy trở thành những người lính sẵn sàng tham gia 2 cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước. Ở chương cuối – Khát vọng, là những ngày tháng đất nước giành được hoà bình, mọi người trở về cuộc sống thường nhật, xây dựng cuộc sống mới.

Ca sĩ Đỗ Tố Hoa và ca sĩ Vũ Thắng Lợi tập luyện cho một tiết mục trình diễn trong chương trình.
Ca sĩ Đỗ Tố Hoa và ca sĩ Vũ Thắng Lợi tập luyện cho một tiết mục trình diễn trong chương trình.

Nhạc sĩ Hồng Kiên đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc, phần biên đạo múa/lên ý tưởng chương trình được giao cho NSƯT Trần Ly Ly và đạo diễn Phú Trần. Chương trình có sự tham gia của một số ca sĩ gồm Tùng Dương, Trọng Tấn, Uyên Linh, Vũ Thắng Lợi, Dương Hoàng Yến... Sẽ có 15 ca khúc được trình diễn trong đêm nhạc, trong đó có Mẹ yêu con, Áo mùa Đông, Đưa cơm cho mẹ đi cày, Hạt gạo làng ta, Lá xanh, Tình ca...

Vì tổ chức trong đợt dịch COVID-19 nên để đảm bảo tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt nhất, chương trình vẫn diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội nhưng không có khán giả tham dự. Chương trình sẽ lên sóng trực tiếp lúc 20g ngày 22/8 trên VTV1.

3. Ra mắt sách kỷ niệm dịp lễ lớn

Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM vừa ra mắt cuốn Cách mạng tháng Tám 1945 - Thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Cuốn sách do 2 tác giả GS.TS. NGND Trịnh Nhu và PGS.TS Trần Trọng Thơ thực hiện.

Cuốn sách ra đời nhằm phản ánh và làm rõ hơn một số vấn đề lịch sử trong toàn bộ tiến trình vận động Cách mạng tháng Tám, khởi đầu bằng thời điểm cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai nổ ra (tháng 9/1939). Cùng với đó, trong giai đoạn này, Đảng Cộng sản Đông Dương đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, huy động tối đa sức mạnh dân tộc, chớp thời cơ tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, đến ngày 2/9/1945. 

Cuốn
Bìa cuốn Cách mạng tháng Tám 1945 - thắng lợi vĩ đại đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX

Sách gồm 6 chương với các nội dung: Chương 1 - Vận mệnh dân tộc nguy vong dưới ách thống trị Pháp – Nhật và chủ trương “thay đổi chiến lược” của Đảng Cộng sản Đông Dương; Chương 2 - Khơi dậy và quy tụ các nguồn lực dân tộc phục vụ nhiệm vụ cứu quốc; Chương 3 - Đấu tranh chính trị chuyển lên kết hợp với đấu tranh vũ trang; Chương 4 - “Kháng Nhật cứu nước”; Chương 5 - Toàn quốc tổng khởi nghĩa “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”; Chương 6 - Cách mạng tháng Tám, sự kiểm nghiệm giá trị lý luận cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam, tầm vóc và bài học kinh nghiệm. 

4. Triển lãm tại di tích Nhà tù Hoả lò

Triển lãm mang tên Chắp cánh ước mơ sẽ được khai mạc ngày 28/8 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Không gian triển lãm chia làm 3 phần gồm: Ký ức mùa khai trường, Biến nhà tù thành trường học cách mạng Xây đắp những ước mơ. Tại triển lãm, nhiều hình ảnh, tư liệu sẽ được trưng bày phù hợp theo từng không gian để người xem dễ dàng theo dõi.

Ngoài nhóm hình ảnh về những lớp học tạm bợ được dựng lên trong thời chiến, một số sách, tư liệu quý đã từng được thầy cô dùng để giảng dạy trong thời chiến cũng sẽ được trưng bày. Sự kiện sẽ có sự tham dự của một số nhân chứng, đại diện gia đình các nhân chứng đã từng tham gia vào những lớp học đặc biệt để cùng người xem ôn lại những kỷ niệm đã diễn ra trong hơn 70 năm trước.

Hình ảnh lớp bình dân học vụ sẽ được trưng bày trong triển lãm.
Hình ảnh lớp bình dân học vụ sẽ được trưng bày trong triển lãm.

Một góc còn lại tại triển lãm sẽ là nơi giới thiệu tranh của các bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các tranh vẽ đều mang tinh thần lạc quan, thể hiện niềm tin vào một tương lai tươi sáng, chiến thắng bệnh tật. Tại triển lãm, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng sẽ phát động chương trình ủng hộ cho các bệnh nhi của Lớp học hy vọng tại Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm mong hỗ trợ các em có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI