Nếu một ngày tôi bị… ung thư

25/08/2018 - 06:00

PNO - Ngày càng nhiều người mắc bệnh ung thư, bệnh nhân ung thư có thể là những người thân quen, máu mủ, thậm chí chính bản thân chúng ta. Vậy ta đã làm gì để chuẩn bị đương đầu, nếu một ngày bỗng phát hiện mắc ung thư?

Đa số bệnh nhân ung thư bị động cả tâm lý lẫn tài chính

Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM - cho biết: “30% bệnh nhân khi tới Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM và phát hiện bị ung thư không có bảo hiểm y tế (BHYT). 100% bệnh nhân khi phát hiện ung thư dù có BHYT vẫn bị sốc tâm lý mạnh và rơi vào cảnh lao đao về tài chính, thậm chí tuyệt vọng từ chối điều trị. Chi phí điều trị ung thư chênh lệch tùy từng loại thuốc. Có những thuốc BHYT chỉ chi trả 45%, phần còn lại bệnh nhân phải tự trả. Đó còn chưa kể các chi phí phát sinh như ăn uống bồi dưỡng, chi phí cho người nuôi bệnh…”.

Hiện mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 150.000 người mắc bệnh ung thư và trên 75.000 trường hợp tử vong do ung thư. Theo nghiên cứu mới nhất của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 200.000 bệnh nhân ung thư đang điều trị. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), từng nhận định, đa phần bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối nên chi phí điều trị cao.

Riêng chi phí thuốc hằng năm chiếm khoảng 10% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Hiện Quỹ BHYT đang chi trả cho 65 loại thuốc điều trị ung thư, trong đó có những loại thuốc rất đắt như Glivec: hơn 40 triệu đồng/tháng; Erlotinib: 40 triệu đồng/tháng, Sorafenib: 118 triệu đồng/tháng, Cetuximab: 90 triệu đồng/tháng…

Neu mot ngay  toi bi… ung thu
Bạn đã chuẩn bị gì để “chống bão” ung thư?

Đừng để xảy ra rồi mới… “Ước gì”

Là người trong cuộc, đang chiến đấu với bệnh ung thư vú mười năm nay, chị H.T.B. (sinh năm 1980, ngụ tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) thấm thía điều này hơn ai hết. Chị B. cũng như bao người khác, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bị ung thư. Khi đứa con đầu lòng vừa tròn 5 tuổi cũng là lúc chị nhận án tử. Dù có BHYT nhưng mỗi tháng gia đình chị B. vẫn tiêu tốn thêm từ 20-30 triệu đồng cho việc điều trị. Vợ chồng chị B. đã phải bán cả mảnh vườn được thừa kế mà vẫn không đủ, chồng chị chạy vạy khắp nơi vay mượn để tiếp tục kéo dài sự sống cho vợ, gánh luôn trên vai trách nhiệm nuôi con gái học hành. Nay bệnh của chị B. đã bước vào giai đoạn cuối, tế bào ung thư di căn vào xương nhưng anh vẫn không buông tay, rao bán nốt căn nhà là tài sản cuối cùng, hy vọng vợ mình có thể kịp nhìn thấy con gái lớn vào đại học.

Chị B. luôn tự nhủ với những người thân trong gia đình và cả bác sĩ điều trị: “Ước gì tôi có sự chuẩn bị trước khi mắc bệnh, ước gì ngày xưa tôi có một khoản để dành để có thể thu xếp cho chính bản thân và các con, ước gì tôi phát hiện bệnh sớm thì chưa chắc bệnh đã tiến triển thế này và chi phí điều trị cũng sẽ thấp hơn, ước gì…”. Vợ chồng chị B. công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nên việc thu xếp một khoản tiết kiệm cho tương lai không phải là không thể. Thế nhưng họ chưa từng nghĩ tới điều đó, cho tới khi mọi chuyện ập đến, chị B. không thể tiếp tục đi làm, mất đi 50% thu nhập, đồng lương của chồng chị không đủ để trang trải cho cả gia đình lẫn chi phí chữa bệnh cho vợ.

Từ câu chuyện đầy nuối tiếc của chị B., chúng ta lắng nghe kinh nghiệm từ chị T.T.M.T. (36 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM) vừa phát hiện bị ung thư cổ tử cung cách đây một tuần. Vì đã chuẩn bị từ sớm nên chị có những biện pháp chống đỡ hiệu quả, giảm thiểu “thiệt hại” về người và của khi căn bệnh ung thư ập đến. 

Chị T. thực hiện khám sức khỏe định kỳ rất nghiêm túc. Đặc biệt, sáu tháng một lần, chị đều đặn tầm soát các bệnh ung thư mà phụ nữ hay mắc phải như ung thư vú, cổ tử cung. Cách đây hai năm, chị T. đã mua gói bảo hiểm ung thư của một công ty bảo hiểm nước ngoài. Mỗi năm, chị đóng cho gói bảo hiểm này 3,3 triệu đồng, mức thụ hưởng là 750 triệu đồng khi phát hiện bệnh ung thư. “Lúc tôi mua bảo hiểm, ai cũng cười cợt. Khi tôi phát hiện mình bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, về tâm lý bị sốc thật nhưng tôi đã nghĩ ngay tới số tiền 750 triệu đồng bảo hiểm mình sẽ được hưởng.

Có thể bấy nhiêu chưa đủ cho tôi điều trị bệnh nhưng nếu không có đồng nào thì gia đình tôi sẽ khốn đốn”. Anh P.Q.M. - chồng chị T. - tâm sự, nhờ khoản tiền chuẩn bị sẵn nên tâm lý vợ anh khá ổn định. Người bệnh ung thư thường yếu đuối, sợ trở thành gánh nặng của chồng con. Anh vẫn đủ khả năng lo cho vợ nhưng với số tiền 750 triệu đồng sắp được nhận, vợ anh sẽ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật y tế tiên tiến hơn.  

Không tránh được thì… “chống”

Trên một diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu với bệnh ung thư, nhiều chị em đã rút ra nhiều kinh nghiệm quý báu, cảnh tỉnh những ai còn thời gian hãy lập tức thay đổi bản thân và đặt kế hoạch cho tương lai. Nickname P.K.B. nhắn nhủ, chúng ta không thể biết trước tương lai nhưng có thể tự thay đổi bản thân bằng cách:

- Sống lành mạnh, điều độ; chế độ ăn nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây, ít thịt đỏ, hạn chế rượu, bia và thuốc lá.

- Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm/lần. Nếu là phụ nữ hãy thường xuyên tầm soát các bệnh ung thư vú, cổ tử cung. Nam giới hãy chú ý tầm soát các bệnh ung thư gan, phổi, tiêu hóa. Phát hiện sớm ung thư đóng vai trò quan trọng trong việc đạt hiệu quả điều trị, chi phí cũng sẽ giảm nhẹ hơn.

- Hãy tiết kiệm tiền bằng nhiều cách. Mua BHYT là điều bắt buộc. Ngoài ra, hãy mua thêm các gói bảo hiểm sức khỏe tùy khả năng kinh tế. Hiện nay, rất nhiều công ty bảo hiểm có sản phẩm bảo hiểm ung thư và bảo hiểm các bệnh hiểm nghèo. Mức tối thiểu chỉ từ một triệu đồng/năm nhưng mức thụ hưởng đến vài trăm triệu đồng. Khi bị ung thư, yếu tố tài chính rất quan trọng. Nếu chuẩn bị tốt về tài chính bạn còn có thể tiếp cận kỹ thuật y tế tiên tiến, hiện đại. Tài chính vững vàng mới có thể thực hiện những dự định dang dở, lo cho con cái, hoặc ít ra không trở thành gánh nặng cho người thân.

  Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI