Nếu không tiến hành ngay các biện pháp bảo vệ, cọc cổ trận Bạch Đằng sẽ hỏng

25/12/2019 - 17:32

PNO - Theo các chuyên gia, sau khi xuất lộ, các cọc gỗ rất nhanh bị hư hỏng.

Liên quan đến bãi cọc cổ thứ tư được phát hiện ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng), mới đây các chuyên gia đã có ý kiến cần nhanh chóng có các biện pháp bảo tồn di tích. 

Ba bãi cọc được phát hiện trước đó đều thuộc địa bàn thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, sau khi khai quật bãi cọc ở đồng Vạn Muối (năm 2005) và đồng Má Ngựa (năm 2009 và 2013), hai bãi cọc này đều được lấp bùn đất trở lại để bảo quản.

Neu khong tien hanh ngay cac bien phap bao ve, coc co tran Bach Dang se hong
Sau ba lần xuất lộ ở Quảng Ninh, lần thứ tư này, cọc cổ được phát hiện ở huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng.

Riêng bãi cọc Đầm Nhử có một phần nhỏ là lộ thiên, thỉnh thoảng hút nước lên để phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, có một số cọc cổ được lưu giữ, trưng bày ở Bảo tàng Quảng Ninh và Bảo tàng Bạch Đằng. Tuy nhiên, chi phí bảo quản những cọc này ở môi trường bên ngoài rất cao.

Các chuyên gia cho biết, sau khi đưa ra khỏi môi trường đất (đã chôn vùi nhiều năm), các cọc gỗ rất nhanh bị hư hỏng, biến dạng, làm mất giá trị của hiện vật. Do đó, UBND TP. Hải Phòng cần sớm tiến hành các thủ tục để đưa bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ vào danh mục kiểm kê di tích; cũng như tiến hành ngay các biện pháp bảo tồn hiện vật.

Neu khong tien hanh ngay cac bien phap bao ve, coc co tran Bach Dang se hong
Trận địa cọc Bạch Đằng gắn với ba lần quyết chiến chống ngoại xâm của dân tộc Việt: Bố Cái Đại Vương Ngô Quyền đánh quân Nam Hán năm 938, vua Lê Hoàn đánh Tống năm 981 và năm 1288 Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đánh quân xâm lược Nguyên - Mông lần 3. Ảnh: wikipedia.org

Bên cạnh đó, Hải Phòng nên tiếp tục phối hợp với các chuyên gia giỏi chuyên môn để mở rộng việc khai quật tại khu vực đã xuất lộ cọc cổ, thu thập thêm những chứng tích lịch sử, tránh sự rời rạc và lẻ tẻ trong việc xếp hạng di tích.

Các chuyên gia cũng đề nghị Hải Phòng chuyển đổi quyền sử dụng đất ở khu vực đã tiến hành khai quật khảo cổ để trở thành khu vực bảo tồn di sản, đồng thời dừng mọi hoạt động sản xuất để bảo vệ di tích.

Nếu chưa có phương án bảo vệ tối ưu thì nên lấp đất trở lại và cắm mốc, có hàng rào bảo vệ, tránh các hoạt động phát triển kinh tế xã hội trong khu vực này.

N.M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI