Cọc cổ mới phát hiện ở Hải Phòng đã thay đổi nhận thức về lịch sử như thế nào?

24/12/2019 - 14:12

PNO - Trước đây chúng ta chỉ biết trận Bạch Đằng diễn ra ở Quảng Ninh, nhưng bãi cọc Cao Quỳ là cứ liệu khẳng định Hải Phòng có đóng góp quan trọng trong chiến dịch chống quân xâm lược Nguyên - Mông.

Như Báo Phụ nữ TPHCM đã thông tin, Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng vừa hoàn thành việc khai quật bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và phát hiện được 27 cọc cổ. Những cọc này được xác định có niên đại khớp với trận Bạch Đằng lần 3 (năm 1288).

Coc co moi phat hien o Hai Phong da thay doi nhan thuc ve lich su nhu the nao?
3 hố khai quật bãi cọc Cao Quỳ nhìn từ trên cao - Ảnh: Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng

Trước đó, đã có 3 bãi cọc cổ được phát hiện ở thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh:

Bãi cọc Đầm Nhử, được phát hiện năm 1958, trong quá trình đào đắp đê Yên Giang. Bãi cọc này rộng 120m2, với khoảng 300 cọc và được đặt trong phạm vi bảo vệ 7,5ha. Bãi cọc ở đồng Vạn Muối, phát hiện năm 2005. Và bãi cọc ở đồng Má Ngựa, phát hiện và khai quật lần đầu năm 2009; lần thứ 2 là năm 2013.

Song, các bãi cọc này chưa thể mô phỏng hết toàn bộ quy mô, hình thức, nội dung của trận đánh Bạch Đằng năm 1288. Những cọc cổ mới phát hiện ở cánh đồng Cao Quỳ to hơn, cách bố trí cũng khác so với những cây cọc đã được khai quật trước đó tại thị xã Quảng Yên. Đặc biệt, chân cọc không được đẽo nhọn nên chức năng của các cọc này có thể không giống với các bãi cọc nêu trên.

Coc co moi phat hien o Hai Phong da thay doi nhan thuc ve lich su nhu the nao?
Những cọc cổ xuất lộ trên cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng)

Các nhà sử học cho biết, từ phát hiện này cần có nghiên cứu tổng thể về mối liên kết lịch sử liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng. Bãi cọc Cao Quỳ nằm đối diện Hang Son và Thiên Long Biển – hai địa danh này là căn cứ hậu cần, đại bản doanh của nhà Trần.

GS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhận định, tất cả các di tích đó đều có liên quan mật thiết với nhau. Bãi cọc Cao Quỳ giúp các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu cũng như người dân cả nước có nhận thức mới đúng đắn, đầy đủ, khách quan, sát thực tế hơn về trận chiến Bạch Đằng năm 1288.

Trước đây, chúng ta chỉ được biết rằng trận Bạch Đằng diễn ra tại tỉnh Quảng Ninh ngày nay. Bãi cọc Cao Quỳ xuất lộ chính là cứ liệu khẳng định, Hải Phòng là nơi từng diễn ra các trận đánh và có đóng góp quan trọng trong chiến dịch chống quân xâm lược Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần. Đây là chiến dịch có quy mô rất lớn, diễn ra ở nhiều địa bàn.

Cũng từ sự xuất lộ của bãi cọc Cao Quỳ mà có nhiều căn cứ cho thấy sở chỉ huy chiến trường của chiến dịch Bạch Đằng năm 1288 khả năng cao được đặt tại khu vực Khu di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên) hiện nay, và nhiều khả năng các trận địa cọc tại Quảng Yên là vị trí cuối trong trận địa do nhà Trần giăng ra.

N.M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI