Cánh đồng chứa cọc cổ ở Hải Phòng từng là lòng sông

22/12/2019 - 17:59

PNO - Nghiên cứu địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp. Kết quả xác định niên đại tuyệt đối C14, là từ năm 1270 - 1430.

Liên quan đến việc cọc gỗ vừa phát hiện ở Hải Phòng có niên đại khớp với trận chiến Bạch Đằng năm 1288, địa tầng cho thấy khu vực xuất lộ cọc là lòng sông bị bồi lấp, các cọc được tìm thấy trong lớp bùn xám, có thể được đóng xuống qua lớp bùn đen lẫn cát hoặc tới lớp trầm tích sét trắng lẫn vàng. Trên mỗi cọc có ngàm để luồn dây kéo hoặc mộng ở giữa cọc để giằng ngang.

Các nhà nghiên cứu lịch sử nhận định, đây có thể là bãi cọc do quân và dân nhà Trần đóng xuống nhằm thu hẹp dòng chảy, dồn quân địch vào những khu vực do quân ta đã mai phục rồi từ đó tấn công bằng các hướng khác như hỏa công thủy binh…

Canh dong chua coc co o Hai Phong tung la long song
Các cọc xuất lộ đều bị gãy

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam, bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên) đã làm sáng tỏ hơn về những phát hiện rải rác các đơn thể cọc trước đây quanh khu vực.

Việc phát hiện này là căn cứ sử liệu đáng tin cậy về trận chiến trên sông Bạch Đằng năm xưa của quân và dân nhà Trần trên mảnh đất Thủy Nguyên, Hải Phòng; thể hiện trận chiến Bạch Đằng không chỉ diễn ra ở một địa điểm mà ở cả vùng rộng lớn kéo dài từ Quảng Yên (Quảng Ninh) đến Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Bạch Đằng là một dòng sông đặc biệt, đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên là hợp lưu của nhiều nhánh sông, dài khoảng hơn 20km, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy.

Các nhà nghiên cứu cho rằng Bạch Đằng có vị trí tối kỵ hiểm yếu do thủy triều tạo nên, với biên độ chênh nhau khi thủy triều lên xuống khoảng 4m. Khi thủy triều lên, có thể giấu được thế trận cọc, nhưng khi triều rút, cọc có thể nhô cao lên 2m, cản các chiến thuyền của địch không thể thoát ra biển.

Canh dong chua coc co o Hai Phong tung la long song
Bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ, thuộc xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng

Chiến thắng Bạch Đằng không chỉ có ý nghĩa đối với dân tộc Đại Việt lúc bấy giờ mà còn có ý nghĩa to lớn với thời đại, vì thắng lợi Bạch Đằng của quân và dân nhà Trần đã bắt đầu làm suy yếu sức mạnh của đế chế Nguyên - Mông, làm suy giảm ý chí tấn công các khu vực khác như Nhật Bản và Đông Nam Á.

Sông Bạch Đằng, không chỉ gắn với 3 lần đại phá quân Nguyên – Mông xâm lược của nhà Trần mà từ năm 938, Bố Cái Đại Vương Ngô Quyền đã đánh tan quân Nam Hán trên sông này, nhờ kế sách cắm cọc nhọn dưới lòng sông.

N.M.Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI