Cọc gỗ vừa phát hiện ở Hải Phòng khớp với trận chiến Bạch Đằng năm 1288

21/12/2019 - 17:18

PNO - Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định bãi cọc này nhằm ngăn chặn quân Mông – Nguyên trong trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288). Tính ra các cọc gỗ này đã có tuổi thọ hơn 730 năm.

Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Hải Phòng vừa hoàn thành việc khai quật bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng). Theo đó, tuy mới khai quật gần 1.000m2 nhưng Viện đã phát hiện được một tài nguyên văn hóa vô cùng lớn – là 27 cọc cổ được xác định có niên đại khớp với trận Bạch Đằng lần 3 (năm 1288).

Coc go vua phat hien o Hai Phong khop voi tran chien Bach Dang nam 1288
Bãi cọc ở cánh đồng Cao Quỳ, thuộc xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP. Hải Phòng

Các cọc phân bố so le, không thẳng hàng, kích thước các cọc cũng không đều nhau; nhằm ngăn chặn quân Mông - Nguyên không đi được vào khu vực sông Giá và khu vực chỉ huy của Trần Quốc Tuấn, chúng chỉ còn đường đi theo sông Đá Bạc vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa cọc đã được bố trí sẵn. Trận này, toàn bộ quân Mông – Nguyên bị nhấn chìm xuống sông Bạch Đằng.

Theo ông Đặng Văn Bài (Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam), việc phát hiện ra ra bãi cọc cổ này sẽ giúp các nghiên cứu, nhìn nhận về chiến thắng Bạch Đằng được sâu sắc và hoàn thiện hơn, góp phần chứng minh lịch sử quân sự và nghệ thuật quân sự của cha ông ta.

Bãi cọc này ban đầu được phát hiện khi anh Nguyễn Văn Triệu đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài (thuộc cánh đồng Cao Quỳ), anh Triệu thấy có hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Trước đó, người dân cũng phát hiện nhiều cọc gỗ lớn khi đào huyệt ở phía Bắc và Tây Bắc của vườn cau.

GS. Vũ Minh Giang (Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) đánh giá đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng, mở ra những nghiên cứu mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng.

N.M.T

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI