Nếu không thể thi, cần kịch bản cho tuyển sinh lớp Mười

18/06/2021 - 10:33

PNO - Việc TP.HCM thực hiện giãn cách lần hai để chống dịch COVID-19 khiến kỳ thi tuyển sinh vào lớp Mười chưa thể “chốt” thời gian tổ chức. Giả sử kết thúc đợt giãn cách này, mọi thứ được trở lại bình thường thì cũng là lúc ngành giáo dục bắt tay vào tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021. Rất khó để có thể tổ chức ngay kỳ thi tuyển sinh lớp Mười. Vậy, ngành giáo dục cần có kịch bản trong trường hợp không thể tổ chức thi tuyển.

Vẫn lấp lửng chưa biết thi hay không 

Chứng kiến con trai ôn tập đến rã rời sau hai đợt ôn thi để chuẩn bị thi lớp Mười rồi lại hoãn, chị Mai Hương (Q.8) bày tỏ: “Con tôi đang ở trạng thái lơ lửng, bởi không biết khi nào sẽ thi. Cứ sắp đến lịch thi theo dự kiến là học miệt mài, xong lại nghe hoãn. Chưa biết ngày thi nên tâm lý con cũng thất thường. Tôi thật sự hoang mang và nghĩ rằng trong tình hình này không nên thi nữa bởi bọn trẻ đã bị ảnh hưởng tâm lý quá nhiều”. 

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thanh, phụ huynh Trường THCS Colette (Q.3), cho con đăng ký nguyện vọng vào trường chuyên nên chị hy vọng TP.HCM sớm “chốt” phương án để an tâm. “Con tôi vẫn muốn thi nhưng ngành giáo dục có thể dự kiến luôn là tháng Bảy hoặc tháng Tám thi, chứ đừng dự kiến rồi dời. Cần lên phương án và công bố sớm để học sinh không có nhu cầu thi tuyển vào trường top có thể yên tâm”, chị Thanh ý kiến. 

Học sinh lớp Chín Trường THCS Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM) ở thời điểm sắp kết thúc năm học để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Mười - ẢNH: PHÚC TRẦN
Học sinh lớp Chín Trường THCS Tân Tạo A (Q.Bình Tân, TP.HCM) ở thời điểm sắp kết thúc năm học để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Mười - ẢNH: PHÚC TRẦN

Vì quyết định thi khi nào vẫn còn “treo” nên cả thầy và trò đều không dám lơ là ôn tập. Học online vất vả hơn trực tiếp rất nhiều nên càng kéo dài tình trạng này, thầy trò đều mệt rã rời, cả thể chất lẫn tâm lý. Do vậy, không ít người mong muốn TP.HCM chuyển thi tuyển sang xét tuyển, hoặc cho học sinh lựa chọn một trong hai hình thức.
Theo các nhà sư phạm, thi tuyển vẫn là cách tốt nhất để chọn học sinh vào THPT, bởi TP.HCM có hơn 83.000 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp Mười công lập trong khi chỉ tiêu chỉ đáp ứng được hơn 68.000. Vì vậy, để công bằng thì bắt buộc phải thi.

Song, diễn biến dịch bệnh tại TP.HCM đang rất phức tạp. Cả thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội lần thứ hai đến ngày 28/6, do đó, đề xuất thời gian tổ chức kỳ thi vào ngày 25/6 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM là không khả thi. Trong khi kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra ngày 7 - 9/7, tức hơn một tuần sau thời gian giãn cách lần này. Các nhà giáo nhấn mạnh TP.HCM nên chuẩn bị thêm phương án trong trường hợp không thể tổ chức được kỳ thi trước khi năm học mới bắt đầu. 

Có thể có nhiều phương án

Ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng ngay lúc này, thành phố cần chuẩn bị nhiều hơn một phương án tuyển sinh lớp Mười. Theo ông, có ba kịch bản có thể cân nhắc: thứ nhất, vẫn tổ chức kỳ thi tuyển sinh cho 83.300 em vào khoảng tháng Tám nếu dịch bệnh lắng xuống và kịp thời gian khai giảng năm học. Đây là phương án tốt, công bằng nhất để chọn học sinh vào trường THPT nên phải được ưu tiên hàng đầu.

Thứ hai, sở tổ chức thi tuyển cho học sinh đăng ký vào các trường THPT chuyên, lớp chuyên (khoảng 8.000 thí sinh), số còn lại là xét tuyển. Kịch bản này được áp dụng khi dịch bệnh chưa hết hẳn nhưng cơ bản được kiểm soát, phòng thi được đảm bảo giãn cách do ít thí sinh.

Cuối cùng, trong diễn biến xấu nhất, sở tổ chức xét tuyển toàn thành phố. Khi đó, tiêu chí về học lực, hạnh kiểm, các tiêu chí phụ với học sinh lớp Chín ở từng trường THPT phải rõ ràng, công khai, tránh tiêu cực, tranh cãi sau khi công bố kết quả. Tất nhiên, khi tính đến phương án xét tuyển toàn thành phố thì phải bỏ các đăng ký nguyện vọng trước đó mà ưu tiên xét theo địa bàn cư trú. Chắc chắn những thí sinh có nguyện vọng vào trường top đầu sẽ cảm thấy không thỏa mãn. Hơn nữa, sự công bằng còn phụ thuộc vào việc cho điểm và đánh giá ở trường có khách quan, trung thực, phản ánh đúng thực lực học sinh hay không… Đây là phương án chẳng đặng đừng nhưng trong mùa dịch an toàn sinh mệnh là trên hết. 

Đồng ý về những hạn chế của phương án xét tuyển, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1), kiến nghị thành phố có thể đưa ra kịch bản kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Kỳ thi được thu hẹp lại, chỉ tổ chức cho những em có nguyện vọng vào các trường THPT chuyên và trường THPT top trên. Với các trường có tỷ lệ chọi thấp, số lượng đăng ký nguyện vọng 1 thấp hơn chỉ tiêu, sở dùng phương án xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập THCS. 

“Thi tuyển vẫn là phương án tốt nhất nhưng ở một năm lịch sử thế này thì phải chấp nhận phương án mang lại kết quả ít xấu nhất. Vấn đề quan trọng nhất là giải quyết trên cơ sở ưu tiên chỗ học cho học sinh và không để các em bị gián đoạn năm học mới. Trong trường hợp xét tuyển, Sở GD-ĐT cần thống kê lại chỉ tiêu ở các trường công lập nhận được tối đa bao nhiêu để tính toán. Nếu thiếu có thể bàn với các trường ngoài công lập, họ hỗ trợ học phí cho học sinh - nhà nước hỗ trợ lại thuế và các chính sách cần thiết… Tôi nghĩ, trong điều kiện này, mọi người sẵn sàng chung tay”, giám đốc một trung tâm giáo dục thường xuyên nêu quan điểm. 
Nhiều hiệu trưởng THCS cũng cho rằng phương án xét tuyển phải được tính đến bởi đây là cách hợp lý nhất trong bối cảnh dịch bệnh nguy hiểm, không thể đòi hỏi một phương án triệt để, công bằng như thi tuyển. 

Theo ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện có hơn 700 học sinh và gần 400 giáo viên đang ở trong các khu phong tỏa, cách ly. Tất cả các hoạt động giáo dục cũng như các kỳ thi của thành phố đã tạm hoãn theo chỉ đạo của UBND TP.HCM. Sở đang theo dõi sát diễn biến tình hình dịch và sẽ tham mưu cụ thể cho lãnh đạo thành phố về phương thức tuyển sinh lớp Mười phù hợp với tình hình dịch bệnh và thời gian tổ chức thi tốt nghiệp THPT.

Gia Tuệ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI