Nếu không đầu tư logistic, TP.HCM sẽ thua các tỉnh

05/08/2018 - 06:00

PNO - Đó là nhận định của bà Phạm Thị Thúy Vân – Phó giám đốc marketing Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, tại hội nghị “Xây dựng danh mục sản phẩm chủ lực ngành thương mại dịch vụ của TP.HCM”, do Sở Công Thương TP.HCM vừa tổ chức.

Theo bà Vân, hiện Long An đã xây dựng cảng quốc tế Long An thu hút khách hay Bình Dương cũng có các dự án, hầu như hàng hóa qua cảng Cát Lái đều từ Bình Dương…

Tương lai, nếu logistics thành phố không tốt, khách hàng về các tỉnh, thành phố sẽ mất nguồn thu. Nếu không đầu tư sớm, TP.HCM sẽ bị mất lợi thế cạnh tranh so với các tỉnh kế bên.

Neu khong dau tu logistic, TP.HCM se thua cac tinh
Hệ thống kết nối của Cát Lái được hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống ICD - nơi tập kết hàng hóa container dọc khu vực xa lộ Hà Nội.

“Hầu như đối tác nước ngoài khi đưa hàng về Việt Nam đều chọn cảng Cát Lái. Ngoài chất lượng dịch vụ tốt thì hệ thống kết nối của Cát Lái được hỗ trợ mạnh mẽ từ hệ thống ICD - nơi tập kết hàng hóa container dọc khu vực xa lộ Hà Nội.

Đây là điều tốt cho công ty nhưng tạo áp lực lên giao thông kết nối đến cảng Cát Lái; khó phát triển các cảng mới như cảng Hiệp Phước phía Nam thành phố. Trong khi hơn 10 năm trước, thành phố quy hoạch phía Nam là thành phố cảng nhưng không thu hút nhà đầu tư. Vì đường kết nối giao thông vào khu vực này kém, hiện tại rất yếu, thiếu hệ thống logistics hỗ trợ...", bà Vân nhận xét.

Đồng ý kiến, bà Đặng Thị Minh Phương – Tổng giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Phương cho rằng, các trung tâm logistic ở TP.HCM rất nhỏ lẻ, manh mún, chưa hoàn chỉnh. Những trung tâm logistics lớn nhất vẫn ở các tỉnh lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương. Tất cả nguồn hàng cung ứng cho TPHCM thì doanh thu logistics rơi vào các tỉnh lân cận. Do đó, cách nhanh nhất tăng nguồn thu cho thành phố phải  “đưa” logistic về TP.HCM.

Theo thống của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, dịch vụ logistics ở Việt Nam có qui mô 20 – 22 tỷ USD/năm, chiếm 20,9% GDP của cả nước, trong đó vận tải chiếm 40-60% chi phí, là một thị trường dịch vụ khổng lồ.

T.S Trần Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TP.HCM cho rằng, khu vực dịch vụ của thành phố đang dịch chuyển, nhu cầu thị trường đang cần các dịch vụ tài chính ngân hàng, logistics, du lịch… nên tập trung phát triển mạnh. Do vậy, cần có phân tích cụ thể hơn để tìm dịch vụ chủ lực cho từng nhóm ngành.

"Hiện các doanh nghiệp châu Âu, Mỹ đã đem trung tâm logistic quốc tế về Việt Nam nhưng vẫn đưa về Long An, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… Khi cần xuất khẩu đi thì vận chuyển từ các tỉnh lên cảng TP.HCM.

Để cung ứng hàng cho thành phố thì cũng từ trung tâm logistic từ các tỉnh đưa về thành phố thì doanh thu đều thuộc về các tỉnh lân cận. Do đó, cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ logistics phát triển, đặc biệt là trung tâm phân phối bao gồm nội địa và quốc tế”, bà Phương nói.

TP.HCM là địa phương không chỉ thu hút logistics của cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam mà hiện nay tất cả doanh nghiệp Đồng bằng Sông Cửu Long vẫn lên thành phố lấy container rỗng về đóng hàng rồi chuyển lên cảng TP.HCM đi xuất khẩu.

"Do hiện tại chưa có hãng tàu nào đồng ý mở code để mở container rỗng từ Đồng bằng Sông Cửu Long. Khách hàng chở gạo từ đồng bằng Sông Cửu Long bằng xà lan lên để đóng hàng. Do đó, việc kết nối đường bộ cần được tính đến", bà Vân cho biết thêm.

Để có được trung tâm logistic ở thành phố, các doanh nghiệp đều cho rằng cần có quy hoạch tổng thể về cơ sở hạ tầng, mặt bằng để đặt vị trí trung tâm logistics thuận tiện. Nếu không các doanh nghiệp logistics khó tìm được vị trí đất đai, mặt bằng để thành lập.

Hiện, vận tải đường bộ chiếm 50-55% trong chi phí logistics. Thành phố đang xây dựng các tuyến metro, nếu phối hợp với các tuyến này phân phối hàng hóa giao cho các trung phân phối cũng là cách giảm thiếu chi phí và giảm kẹt xe.

Do quy định giờ giấc hiện nay nên xe vận tải hoạt động 6 tiếng khiến hiệu quả thấp, chi phí tăng cao.

Mặt khác, doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực logistics cần các chính sách hỗ trợ cụ thể, đặc biệt là cần nguồn ngân sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, biết ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành logistics…

Ngoài ra, cần thay đổi phương thức vận chuyển, không chỉ đơn thuần lập ra trung tâm logistics mà thành phố phải tận dụng tuyến metro phối hợp. Nếu không sau này hoàn thành metro chỉ vận tải hành khách, thiếu hàng hóa thì những xe vận chuyển không đủ tải để vận chuyển hàng hóa vào thành phố

Cụ thể, từ đường nối cao tốc Trung Lương qua Củ Chi, quốc lộ 22 nối về hướng quận 7 cần có đường kết nối rất tốt, có quy hoạch kho bãi, khuyến khích các doanh nghiệp kho bãi, quy hoạch các doanh nghiệp mở TTTM, logistics tại đây. Thành phố cần phải quy hoạch trọng điểm, có nhóm nghiên cứu cụ thể chứ không chung chung.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI