Chi phí logistics của Việt Nam còn quá cao

21/03/2018 - 14:00

PNO - Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm và đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), ngành dịch vụ logistics Việt Nam đang phát triển mạnh với tốc độ từ 15-16%/năm và đóng góp khoảng 3% vào GDP của cả nước. Tuy nhiên, chi phí logistics/GDP ở Việt Nam đang ở mức trung bình là 16,8%, cao hơn so với chi phí logistics/GDP của các nước lân cận trong năm 2016: Singapore 8,5%, Thái Lan 15%, Malaysia 13%, Philippines 13%… 

Chi phi logistics cua Viet Nam con qua cao

Ông Nguyễn Duy Minh - Tổng thư ký VLA - cho biết, một trong những nguyên nhân đẩy chi phí dịch vụ logistics cao là do kiểm tra chuyên ngành, chi phí vận tải, phụ phí cảng biển, ùn tắc tại cảng và giao thông đô thị…

Ông Minh nhấn mạnh: “Thời gian thông quan hàng hóa là một trong những nguyên nhân làm tăng chi phí logistics. Mỗi năm, doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng cho việc kiểm tra chuyên ngành (100.000 mặt hàng), lượng hàng hóa làm thủ tục kiểm tra hai - ba lần chiếm 58%. Vận chuyển đường thủy dù có chi phí rẻ hơn năm - sáu lần nhưng thời gian vận chuyển dài gấp đôi đường bộ nên doanh nghiệp phải vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ với chi phí cao”.

Theo ông Minh, để giảm chi phí logistics đối với hàng xuất khẩu, Việt Nam cần tập trung cắt giảm mạnh chi phí vận tải và lưu kho.

Ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch VLA - cũng cho biết, việc ký kết và thực hiện 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ gia tăng xuất khẩu, mở rộng sản xuất công nghiệp và tạo tiền đề để phát triển thị trường vận chuyển nhanh hàng hóa tiêu dùng, nhất là vận tải hàng đông lạnh và hoa quả xuất khẩu.

Đây là dịch vụ logistics tiềm năng hàng đầu của Việt Nam. Thị trường vận tải hàng hóa bằng đường không sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Các nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng cường đầu tư vào kho đông lạnh, vận tải hàng đông lạnh và hoa quả tươi.

“Để phát triển logistics, bên cạnh chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, phát triển thương mại điện tử, kết cấu hạ tầng logistics thì đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao là yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay” - ông Hiệp nhấn mạnh. 

Được biết, tại Việt Nam trong lĩnh vực logistics, các doanh nghiệp Việt  vẫn làm chủ thị trường, nắm giữ 90% thị phần khai thác cảng biển và làm chủ ở lĩnh vực vận tải đường bộ, khai quan, cung cấp kho, dịch vụ kho.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI