Nện sân phơi lúa

17/04/2021 - 07:03

PNO - Bây giờ đô thị hóa, đất đồng thành khu dân cư, nghề lúa ở đây biến mất, những cái sân phơi đã trở thành kỷ niệm xa xôi.

Cách trung tâm TP.HCM một giờ xe máy, cánh đồng trũng ngoại ô nơi tôi sống chỉ trồng một vụ lúa mùa duy nhất trong năm. Lúc điện thoại di động và internet bắt đầu có mặt ở nội thành, quê tôi vẫn là vùng hẻo lánh, dày đặc cầu khỉ, dân trong vùng chỉ có thể đi bộ hoặc sử dụng xuồng, ghe. 

Hồi đó nhà ai cũng có một cái sân lớn phía trước, dành để phơi lúa. Mùa thu hoạch, nhà nhà vui như hội vì cây lúa là nguồn thu nhập chủ yếu. 

Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Để chuẩn bị chỗ phơi, cánh đàn ông cuốc cái sân trước nhà để làm mặt phẳng. Bọn con nít cùng người lớn xách nước sông lên, vừa tưới vừa giẫm cho đất nhão ra thành bùn mịn. Lũ trẻ chúng tôi hò hét vang trời. “Cuộc vui” chỉ tàn khi một người có kinh nghiệm nào đó ra lệnh dừng lại vì đã tưới đủ lượng nước. Kể từ giây phút đó, không ai được phép giẫm lên sân bùn, để bùn cô đặc lại thành đất dẻo.

Chiều hôm sau, ba tôi và các chú bác hàng xóm bắt đầu nện sân bằng chày vồ. Chày vồ được làm từ một thớt gỗ dày, đường kính khoảng ba tấc, có cán. Chỉ sức đàn ông mới có thể vung và nện chày vồ chan chát trên đất. Sau khi “nện thô” một lượt, mặt sân bằng phẳng hơn. Ba bảo tôi đặt một thau nước bên cạnh. Ba nhúng mặt vồ cho ướt, điệu nghệ nện nhẹ tay, sao cho mặt sân bóng loáng. Động tác này còn được mọi người gọi là “vuốt”. Ai càng cẩn thận, tỉ mỉ thì sân của họ càng được vuốt nhẵn trơn. 

Mùa trăng sáng, ngày vất vả ngoài ruộng, đêm cùng nhau nện sân dưới ánh trăng. Tiếng chày của những người đàn ông hòa trộn như một điệu nhạc đồng quê, dồn dập, rộn ràng, gợi cảm giác nôn nao và chút gì đó lãng mạn. Phụ nữ tụ trò chuyện, trẻ con rượt đuổi nhau vòng quanh sân. Hầu như mọi người đều ra khỏi nhà và quanh quẩn bên những cái sân đang được thay áo mới.

Nhìn sân phơi láng mịn khô dần, gần như có thể chạy nhảy trên đó mà không để lại dấu chân, tôi hỏi ba đã hoàn thành chưa, ba bảo chưa xong. Đó là lý do ba đem ở đâu đó về những bao phân trâu còn tươi, bốc mùi nặng. Tôi khịt mũi, nhăn mặt, chê ba và mấy chú “chơi dơ”. Ba cười: “Dơ vậy đó, nhưng không có nó là không được nghe con”. Rồi ba nói tụi con nít chúng tôi tránh xa, ba khuấy phân thành nước, tưới lên sân, dùng chổi quét đều một lớp mỏng khắp mặt. Sau một ngày nắng lớn, mặt sân chuyển màu xanh rêu và ngai ngái mùi cỏ, không còn hôi. Ba tôi giải thích, phân trâu là lớp hồ kết chặt mặt sân, ánh nắng không thể làm nó nứt nẻ. Hạt lúa cũng khó dính vào đất khi mặt sân đã có lớp hồ này bảo vệ.

Sân phơi hoàn thành là lúc lúa về nhà. Từ đầu thôn đến cuối xóm, nhà ai cũng cao vút những đống lúa vàng óng. Gà vịt sung sướng chạy trên sân với cái diều căng cứng. Đêm đến, như mọi người, ba tôi trải tấm đệm bàng trên một lớp rơm, giăng mùng để ngủ giữ lúa, phòng kẻ trộm. Tôi đòi theo ba ngủ ngoài sân, sợ con gái cảm lạnh và ánh sáng của mặt trăng khiến con khó ngủ, ba phủ một cái mền mỏng lên nóc mùng. Rơm mềm ấm dưới lưng, ánh trăng vẫn rọi vào từ bốn phía và tôi có thể nằm nhìn bầu trời trong vắt, mơ màng nghe bờ lá dừa ven sông lao xao trong gió. Đêm ngủ ngoài trời lạnh và đầy hơi sương là những ký ức đẹp đẽ nhất tuổi thơ tôi.

Khi đàn gà vịt cần mẫn tìm những hạt lúa còn sót lại trong rơm rạ là lúc sân phơi hoàn thành vai trò. Nó sẽ chai cứng dưới ánh nắng nung người, trở thành chỗ phơi củi hoặc mọc lên một cây rơm. Chờ đến năm sau, mọi người lại xới đất, tưới sân, thay cho nó chiếc áo mới để đón chào một vụ thu hoạch lúa. 

Bây giờ đô thị hóa, đất đồng thành khu dân cư, nghề lúa ở đây biến mất, những cái sân phơi đã trở thành kỷ niệm xa xôi. 

Quỳnh An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI