Hoa của ngày xưa ấy

13/02/2021 - 12:05

PNO - Người Hà Nội bây giờ lại yêu thích những loại hoa của một thời. Phải chăng những bình hoa vintage đó khiến con người ta được sống lại cảm giác ấu thơ?

Nhà ông bà ngoại có nhiều năm ở 16 Hàng Rươi, nơi tôi đã sống trong 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Sau này chuyển nhà nhưng vẫn có những khoảng thời gian dài, cô bé con ngày ấy được gửi đến nhà ông bà, nhất là dịp hè và gần tết, khi mẹ cha đều đang bận mải với biết bao nghĩa vụ cuối năm. 

Chợ hoa Hàng Lược tới nay đã 500 tuổi
Chợ hoa Hàng Lược tới nay đã có lịch sử 100 năm 

Tôi thường đu thẳng lên bậu cửa sổ tầng hai, rất yên tâm ngồi đó mà ngó xuống chợ hoa Hàng Lược, những ngày giáp tết. Thuở lên 9 lên 10 thật thần tiên cái cảm giác đó. Chỉ có ông ngoại ở nhà, sẽ không như mẹ bắt đóng cửa sổ kẻo cảm lạnh, tôi có thể ngồi miên man từ sáng đến trưa, đắm minh trong không khí náo nhiệt lao xao của người của hoa và của đất trời đang rạo rực chuyển mùa. 

Rất lâu sau này, qua sách vở tôi mới biết cái chợ hoa đã in hằn trong ký ức thơ ấu ấy cũng đã trải qua nhiều biến thiên lịch sử. Vào thời xửa xưa, chợ hoa tết được mở ở chợ cầu Đông. Trong sách “Dư địa chí”, Nguyễn Trãi viết: “Vào dịp gần Tết, triều đình  cho mở chợ hoa ở chợ cầu Đông”. Chợ họp quanh cây cầu vì ở đây có bến để thuyền bè đưa hàng đi và đến. Chợ tết bắt đầu họp vào ngày 23 tháng Chạp nên chợ hoa cũng họp vào ngày này. 

Phố Bờ Sông là tên dân gian thuở đó của Hàng Lược, nơi bán gương soi và lược chải đầu - chuẩn như tên gọi của nó. Con phố tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng tấp nập bóng những tiểu thư con quan, me tây, bà đầm. Lại có cả các cô thôn nữ răng đen, quần thâm áo vá. Phố Hàng Lược cung cấp gương lược cho cả Hà Nội. Có đủ loại từ lược ngà voi tinh xảo, lược sừng làng Thụy Ứng, lược gỗ làng Tiên Nhị Khê, lược bí làng Hoạch Trạch.

Khi sông Tô Lịch bị lấp thì chợ Cầu Đông không còn, chợ mới Đồng Xuân được xây dựng nhích lên phía trên. Thế kỷ XX bắt đầu được khoảng chục năm thì chợ hoa tết được chuyển ra Hàng Lược. Vậy là, chợ hoa Hàng Lược đã có lịch sử hơn 100 năm. Chợ kéo dài từ khu vực đầu bốt nước Hàng Đậu cho đến hết phố Hàng Lược, vắt qua Hàng Chai, Hàng Mã, Hàng Đồng.

Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, chợ hoa Hàng Lược chỉ có duy nhất một năm không họp, đó là Tết Đinh Hợi năm 1947. Khi đó chiến sự đang diễn ra trên phố phường Hà Nội giữa Trung đoàn Thủ đô và quân Pháp. Còn lại, kể cả trong những năm tháng Mỹ đánh phá Hà Nội bằng không quân, chợ hoa tết vẫn họp. Đối phó với bom đạn, chợ có tản ra các phố xung quanh nhưng trung tâm vẫn là Hàng Lược.

Đi chơi chợ hoa Hàng Lược là thú tao nhã của người Hà Thành
Đi ngắm hoa chợ Hàng Lược là thú tao nhã của người Hà Thành

Chợ hoa Hàng Lược “ăn theo” mùa tết nên chỉ họp một lần duy nhất trong năm, từ trước 23 tháng Chạp cho đến tận tối giao thừa. Nơi đây dĩ nhiên hoa là “nhân vật chính’.  Khu vực Thánh đường Hồi giáo Al-Noor đến ngã ba Hàng Lược - Hàng Khoai là trung tâm của đào và quất, được chuyển về từ các làng hoa ven đô như Nghi Tàm, Quảng Bá, Nhật Tân, Ngọc Hà.

Những năm bao cấp khó khăn, thường chỉ những nhà làm ăn buôn bán mới mạnh tay chơi đào, quất. Còn đa phần nhà cán bộ công chức dạo chợ ngắm là chính, chốt lại thường mua về một bó hoa tươi.

Bình hoa tết phổ biến thời đó thường có lay ơn đỏ, trắng hoặc hồng phấn - thứ hoa hình như sang nhất trong các lọ hoa thập cẩm ngày đó. Rồi thược dược các màu, đồng tiền đơn và cả kép đều đỏ chóe, hoa bướm mỏng manh tím hồng trắng… Nhất là không thể thiếu violet tím ngắt. Mà để mua được một lọ hoa như thế, phải qua nhiều hàng hoa. Chợ hoa tết Hàng Lược hồi ấy người ta bán theo kiểu chuyên môn hóa, mỗi hàng chỉ bán một loại hoa.

Gần đây, hoa thược dược trở lại sau nhiều năm mất dấu trên thị trường hoa tết
Gần đây, hoa thược dược trở lại sau nhiều năm mất dấu trên thị trường hoa tết. Ảnh: Đặng Thanh Hà

 Người người đi chợ ngắm hoa, rồi thỉnh thoảng sà vào một hàng hoa, cứ thế cả quãng dài mới được cả một ôm hoa, mà tay luôn phải giơ cao bó hoa lên cho khỏi bị va quệt. Nhưng có hề gì, đi chợ ngắm hoa chứ đâu phải đi chợ mua hoa. Có nhiều người, một mùa tết qua lại chợ hoa Hàng Lược đến dăm lần. Hoặc như tôi, ngồi ngắm chợ hoa cả tuần không biết chán, để nhận ra rằng, chợ hoa luôn có thứ mùi rất đặc biệt. Không hẳn chỉ là mùi thơm của hoa của cây đúng độ xuân ngời. Hình như là mùi của các hormone hạnh phúc từ bên trong mỗi con người tỏa ra xung quanh, tạo nên không khí hưng phấn, thích thú, tràn trề cảm hứng sống…

Những thứ hoa của ngày xưa ấy, có một quãng cả vài chục năm hầu như đã biến mất, gần chục năm nay đã trở lại trong danh mục hoa tết. Dường như người Hà Nội chọn trưng những loại hoa của một thời ấy như một cách nhớ lại ngày xưa khốn khó mà thương mến. Hay bởi vì những bình hoa vintage đó khiến con người ta được sống lại cảm giác của tuổi thanh xuân, của ấu thơ? 

Những sắc hoa gợi nhớ những năm 1980, 1990
Những sắc hoa gợi nhớ những năm 1980, 1990. Ảnh: linchando

Góc lặng lẽ nhất trong chợ hoa tết có lẽ là khu vực bày bán những bình hoa thủy tiên. Chơi hoa thủy tiên ngày Tết thì Hà Nội là nơi khởi đầu. Từ thập niên 30 của thế kỷ trước, có người làng Yên Phụ là Trưởng Cộng, Trưởng Canh và Trưởng Hán sang Hồng Kông mua cá cảnh thấy chơi hoa thủy tiên hay hay đã mua củ hoa về chơi thử, rồi sau đó mới trở thành thú chơi của nhiều trí thức.  Có lẽ vì thế mà góc bán hoa thủy tiên bao giờ cũng gần với khu bán đồ cổ, đồ cũ- là chếch sang Hàng Mã - Hàng Đồng.  

Hoa thuỷ tiên trở lại trong các phòng khách ngày tết
Hoa thuỷ tiên thanh tao và sang cả 

Tại đây, ta có thể thấy trăm nghìn vật dụng đã từng thân thuộc một thời với mỗi gia đình. Đây là chiếc đèn dầu cổ gợi nhớ những năm gian khó của đất nước. Còn nữa, những bức hoành phi, câu đối, máy hát loa kèn, đồ gốm sứ đông tây kim cổ rất nhiều...

Những vật dụng khiến cho bất kỳ ai lạc bước đến đây đều có cảm giác như đang xuyên không trở về với quá khứ. Ở góc chợ độc đáo này, không ít người ưa hoài niệm tìm thấy những món đồ ưng ý. "Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/Xếp tàn y lại để dành hơi". 

Chợ hoa Hàng Lược thường họp kéo dài suốt từ sáng sớm cho tới tận đêm khuya, thậm chí sát lúc giao thừa chợ mới tan. Mặc dù bây giờ người ta có thể mua hoa, đào, quất… ở nhiều nơi khác nhau, nhưng nhiều gia đình Hà Nội vẫn giữ thói quen đi chơi chợ hoa như một thú tao nhã trước kỳ nghỉ Tết.

Chợ hoa tết Hàng Lược, ấy là một mảnh tâm hồn của người Hà Nội! 

Lê Thành Nam Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI