Ném thuốc trầm cảm đi, vui sống thôi!

02/12/2022 - 12:20

PNO - Muốn có 1 công việc ổn định và được ở nhà chăm con, chị đã chọn nghề thêu tay truyền thống. Sau 6 năm miệt mài bên khung thêu, chị được vinh danh Nghệ nhân bàn tay vàng. Không ai nhận ra chị đã từng là người đàn bà trầm cảm sau ly hôn.

Yêu mình trước đã 

Năm 2006, cô gái trẻ đẹp Quản Thị Cúc rạng rỡ lên xe hoa. Nhưng cuộc hôn nhân chỉ thực sự ấm êm vào những năm đầu. Năm 2014, chị Cúc quyết định ly thân, từ bỏ công việc quản lý tại một siêu thị ở Hà Nội, trở về quê mẹ ở Thái Bình để điều trị bệnh trầm cảm. 

Khoảng thời gian ở một mình đó, chị suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều. Hoặc tiếp tục cuộc sống hôn nhân ngột ngạt để tránh điều tiếng và duy trì gia đình đủ cha mẹ cho các con, hoặc dừng lại.

Chị Cúc tự hỏi: “Các con có hạnh phúc hay không khi cha mẹ không hạnh phúc? Điều mình cần bây giờ là gì?…”.

Công việc mỗi ngày của chị Cúc là sáng tạo sản phẩm mới và hướng dẫn cho học viên
Công việc mỗi ngày của chị Cúc là sáng tạo sản phẩm mới và hướng dẫn cho học viên

 

Và sau cùng, chị hiểu, chỉ khi bản thân mình thấy an ổn, hạnh phúc mới có thể mang lại điều tốt lành cho người thân bên cạnh, nhất là với các con. Chị quyết định thay đổi, quyết định ly hôn để bước vào cuộc sống mới, mà ở đó chị lựa chọn “yêu lấy mình trước đã”.

Những tưởng việc bước ra khỏi ràng buộc hôn nhân giúp chị có thể thở phào nhẹ nhõm, nhưng không, khoảng thời gian sau đó còn kinh khủng hơn với chị. Chị phải đối mặt với từ những khó khăn kinh tế khi bỏ việc về quê, tới những lời ra tiếng vào của họ hàng. 

Chị kể: “Bao thị phi, điều tiếng dồn dập kéo đến. Người ta nói tôi bỏ chồng theo trai…”. Ai cũng bảo chị không biết trân trọng hạnh phúc, bởi hiếm có mới tìm được một người hiền lành như anh chồng. Nhưng chỉ người trong cuộc mới biết, cuộc hôn nhân ấy đầy ngột ngạt, gượng ép, tổn thương và cả hai chẳng thể cố gắng được nữa.

Hoa tay không trên bàn tay mà trong trái tim 

Dù chịu không ít những áp lực cả về tài chính và tâm lý, nhưng nghĩ đến con trẻ, chị Cúc không ngồi ủ rũ nữa, chị nhớ lại: “Tôi quyết định ném cái túi thuốc trị trầm cảm đi, gạt uất hận sang một bên. Cuộc sống của mình không thể để người ngoài sắp đặt”.

Thủ tục ly hôn xong, chị đón bé thứ hai về nhà mẹ. Trong tay chị khi đó chỉ còn hơn 200.000 đồng và còn phải gánh thêm 1 khoản nợ. Với chị, đây là một thất bại nặng nề trong đời, nhưng vì thương con, vì niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp phía trước, chị quyết tâm chữa lành và vượt lên tổn thương.

Thay vì nộp đơn xin việc, chị chọn công việc có thể làm chủ. Chị nhớ lại hình ảnh êm đềm ngày xưa, thuở mẹ chị và nhiều người phụ nữ trong làng thường ngồi thêu tay. Nay công việc truyền thống ấy đã mai một. Từ ký ức đó, chị nảy ra ý tưởng vực dậy nghề thêu, 1 công việc tạo thu nhập, được ở gần con và đóng góp công sức cho quê hương.

Những ngày đầu học thêu, chị Cúc phải hì hụi với mũi lướt cả tuần, mũi đâm xô cỡ vài tháng cùng rất nhiều lần thất bại mới ra được thành phẩm. Thị trường khó tính, hàng làm ra không dễ bán, có những ngày chị phải đi đi về về giữa Hà Nội, Sa Pa để chào hàng. 

Một mẫu thêu trên lá của chị Cúc
Một mẫu thêu trên lá của chị Cúc

 

Khó khăn càng nhiều, hy vọng và niềm tin của chị càng lớn, để rồi sau cùng nghề không phụ lòng người. Khi những sản phẩm thêu tay đã bán nhiều nơi, được nhiều người biết đến, chị mở trung tâm dạy thêu để lan tỏa những giá trị nghề truyền thống tới cộng đồng. Sau hơn 6 năm gắn bó với nghề, chị Cúc được vinh danh là Nghệ nhân bàn tay vàng do Trung ương Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng.

Nghệ nhân Quản Thị Cúc luôn động viên các bạn trẻ: “Hoa tay đâu nằm trên đầu ngón tay, hoa tay nằm trong lòng bạn, trái tim bạn, hoa tay ở sự quyết tâm theo đuổi những điều mà bạn yêu thích. Tôi không hề có hoa tay trên bàn tay, mà mình chỉ có hoa tay ở trong trái tim và nhiệt huyết với nghề. Con đường tôi đi không có ai dẫn lối, còn bạn, tôi đã mở đường, tại sao bạn không thử? Chỉ cần bạn tin vào bản thân và quyết tâm làm vì niềm tin ấy, chắc chắn bạn sẽ làm được”.

Từ những chia sẻ, động viên và hướng dẫn của chị, rất nhiều học viên đã tạo nên sản phẩm thêu tay xuất sắc. 

 

Sai thì sửa, kể cả đó là hôn nhân 

Trải qua cuộc hôn nhân đổ vỡ rồi vực dậy giữa những tổn thương chưa kịp lành, hiện tại, chị Cúc đã có đời sống vừa đủ hạnh phúc. Hạnh phúc khi được cống hiến hết mình cho đam mê, cho cộng đồng và hạnh phúc khi ở bên người mình thương. 

Chị Cúc chia sẻ: “Bây giờ hằng ngày được cười, được ở bên người thương yêu thì tất cả những chuyện cũ chỉ để thi thoảng mình nhớ lại, mỉm cười nhẹ nhàng vì đã từng quyết định - một quyết định mà người ngoài nhìn vào cho đó là ngu ngốc”.

Khi được hỏi về bí kíp để sống hạnh phúc sau những tổn thương, chị Cúc nói: “Tôi nghĩ mỗi người ở mỗi hoàn cảnh sẽ có những góc nhìn khác nhau, cách giải quyết vấn đề khác nhau. Nhưng với tôi, trước hết là hiểu bản thân cần gì và chọn được công việc vừa ý. Khi tôi vui vẻ và hạnh phúc, tôi mới mang lại hạnh phúc cho người khác”.

Ước mong của nghệ nhân Quản Thị Cúc là nghề thêu tay truyền thống sẽ có được sự đón nhận của nhiều thế hệ, sáng tạo nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi của nghề. Vừa tâm huyết với nghề, với cuộc sống, chị hay nhắc học viên hãy biết đưa quyết định dứt khoát đúng thời điểm: “Ai cũng có thể sai, mà sai thì sửa, kể cả đó là hôn nhân”. 

Mộc Nhiên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI