Nắn chỉnh xương có thể thay thế phẫu thuật đĩa đệm?

24/10/2020 - 06:28

PNO - Không cần dùng thuốc, không cần phẫu thuật… là những lời quảng cáo có cánh về phương pháp Chiropractic trong điều trị thoát vị đĩa đệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, đây chỉ là một trong những biện pháp điều trị bảo tồn và không phải ai cũng có thể áp dụng. 

Nắn chỉnh là hết đau?

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lê Bảo Tiến  đang thăm khám cho một bệnh nhân hồi phục tốt sau phẫu thuật đĩa đệm
Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lê Bảo Tiến đang thăm khám cho một bệnh nhân hồi phục tốt sau phẫu thuật đĩa đệm

Gần đây, phương pháp Chiropractic trong điều trị thoát vị đĩa đệm đang được quảng cáo như một biện pháp “thần kỳ” có thể thay thế nhiều phương pháp truyền thống, trong đó có cả việc phẫu thuật. Trên mạng xã hội, một cơ sở chuyên điều trị cơ xương khớp tại Hà Nội và TP.HCM thông tin, cứ mười người bị thoát vị đĩa đệm thì có đến tám người bệnh viện chỉ định phẫu thuật.

Bên cạnh việc tiêu tốn chi phí tới hàng trăm triệu đồng, cơ sở này cũng cho rằng phẫu thuật thoát vị đĩa đệm có rất nhiều rủi ro như thời gian hồi phục lâu, ảnh hưởng gan thận do sử dụng thuốc giảm đau, nguy cơ tái phát bệnh cao sau 3 - 5 năm…

Từ cảnh báo này, cơ sở điều trị khẳng định, phác đồ nắn chỉnh Chiropractic giúp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm hiệu quả: “Phương pháp vật lý trị liệu nắn chỉnh cơ xương khớp giải phóng các điểm tắc nghẽn bị đau, kích thích lưu thông khí huyết, loại bỏ chèn ép tủy sống và rễ thần kinh… đẩy lùi thoái hóa cột sống hiệu quả mà không phẫu thuật, không dùng thuốc”. 

Một liệu trình tại các trung tâm này có giá khá cao, khoảng 30 triệu đồng cho 12 lần. Chúng tôi tham gia thử một lần điều trị đang khuyến mãi thì được các kỹ thuật viên đưa vào để làm các bài tập giãn cơ mà theo họ, là để khi bác sĩ nắn chỉnh sẽ “dễ” hơn và không bị tổn thương.

Sau gần 30 phút giãn cơ, chúng tôi được hướng dẫn đến phòng bác sĩ người Mỹ và được ông “nắn chỉnh” khoảng mười phút nghe rắc rắc mà không cần chụp phim hay xét nghiệm gì trước đó. Theo các kỹ thuật viên, người bệnh phải đi liên tục ít nhất mỗi tuần ba lần, đến lần thứ năm thì sẽ thấy tác dụng; nếu không sẽ phải đổi liệu trình, như thêm châm cứu chẳng hạn.

“Thần thánh hóa” Chiropractic?

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Lê Bảo Tiến - Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Việt Đức) - chia sẻ, thoát vị đĩa đệm có hai vùng chính hay phải điều trị trên lâm sàng là thoát vị cột sống thắt lưng cùng và cột sống cổ. Khi đĩa đệm bị dịch chuyển khỏi ranh giới, trượt ra phía sau sẽ có nguy cơ bị chèn ép vào thần kinh.

Nếu ở giai đoạn sớm, người bệnh chưa có biểu hiện chèn ép thần kinh, liệt rễ thần kinh, liệt tủy trên lâm sàng sẽ được chỉ định điều trị bảo tồn bằng nhiều phương pháp như: dùng thuốc giảm đau, chống viêm, kết hợp với các phương pháp y học cổ truyền như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu… Điều trị ở giai đoạn này, tỷ lệ thành công khoảng 90%. Còn trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật để giải phóng chèn ép do thoát vị đĩa đệm gây ra.

Tại nước ngoài, phương pháp Chiropractic được sử dụng như một dạng can thiệp tương tự vật lý trị liệu ở Việt Nam. Nếu như đông y dùng thuyết ngũ hành, âm dương thì Chiropractic dựa trên nguyên lý cơ sở giải phẫu chi tiết của cơ thể người, của các khớp, cột sống...

“Tuy nhiên, về mặt bản chất, Chiropractic cũng chỉ là một phương pháp điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm chứ không có giá trị khi bệnh nhân đã được chỉ định mổ, bước vào giai đoạn muộn của bệnh. Hay nói cách khác, không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp này”, phó giáo sư - tiến sĩ Tiến nhấn mạnh. Trong trường hợp bệnh nhân đã được chỉ định mổ, nếu cố điều trị bảo tồn, tỷ lệ thất bại sẽ cao, người bệnh khó hồi phục.

Trên thực tế, hầu hết bệnh nhân có tâm lý sợ phẫu thuật. Dù được bác sĩ giải thích nhưng không ít người vẫn cố gắng điều trị bằng các phương pháp khác. Thực tế, khi quay lại bệnh viện, nhiều bệnh nhân đã trong tình trạng quá nặng, có dấu hiệu liệt rõ trên lâm sàng. Một số khác lại có tình trạng chân buốt rát như kim châm, kiến bò, yếu chi, rối loạn đại tiện phải đóng bỉm…

Với những trường hợp này, theo chuyên gia, dù được mổ, khả năng phục hồi vẫn không cao. “Nhiều trường hợp sau khi mổ, bệnh nhân vẫn đau dù hình ảnh chụp phim cho thấy đã không còn chèn ép bởi tổn thương này không chỉ nằm ở vùng đĩa đệm mà đã hình thành ở vỏ não, khiến não phát đi các xung động, còn gọi là đau thần kinh mạn tính.

Đây là hệ quả của việc để bệnh quá lâu, các tổn thương báo lên não thành “sẹo thần kinh”. Do đó, khi có những biểu hiện đĩa đệm bất thường, người bệnh cần tới cơ sở y tế khám và nghe theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp cần phẫu thuật, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ.

Hiện đã có các phương pháp rất hiện đại như nội soi vết mổ rất nhỏ, tỷ lệ thành công cao. Bệnh nhân có thể đi lại sớm, vận động từ hai tới ba ngày sau mổ. Khi lấy lại được tầm vận động sớm, tỷ lệ thành công của bệnh nhân sẽ đạt mức cao nhất có thể và giảm biến chứng thấp nhất. Từ đó, người bệnh được trả lại sức lao động, lấy lại niềm vui sống. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI