Năm nguyên nhân khiến thiếu hụt xăng dầu

12/10/2022 - 17:45

PNO - Chiều 12/10, tại họp báo thường kỳ của Bộ Công thương, đại diện Bộ đã chỉ ra 5 nguyên nhân chính khiến hàng loạt cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa.

5 nguyên nhân khiến nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, những ngày gần đây, có hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh tập trung tại một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TPHCM, An Giang, Bình Phước…

Nguyên nhân chính do từ đầu năm 2022 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, giá biến động với biên độ lớn. Các DN xăng dầu trong nước gặp khó khi giá xăng dầu thế giới tăng kỷ lục. Từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2022, giá xăng dầu thế giới lại giảm, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều DN bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.

Đến chiều ngày 12/10, các cửa hàng xăng dầu tại TPHCM đã mở bán trở lại nhiều hơn
Đến chiều ngày 12/10, các cửa hàng xăng dầu tại TPHCM đã mở bán trở lại nhiều hơn

“Do thua lỗ nên nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh”, ông Trần Duy Đông cho hay.

Thứ hai, do tín dụng bị thắt chặt, tỷ giá USD/VNĐ tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để duy trì lượng hàng nhập như các năm trước.

Thứ ba, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam cao nhưng lại chưa được tính đủ vào giá cơ sở trong mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều tiết nên DN hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước châu Âu, các DN đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.

Thứ tư, tình trạng một số DN đầu mối phía Nam bị tước giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 – 1,5 tháng do vi phạm hành chính dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của doanh nghiệp đầu mối bị tước giấy phép này.

Một lý do khác được chỉ ra là mưa bão cũng ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của doanh nghiệp, làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Tiếp tục kiến nghị giảm thuế xăng dầu 

Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Duy Đông cho hay, Bộ Công thương sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính giảm các loại thuế liên quan đến mặt hàng xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, cơ quan chức năng sớm rà soát và gửi thông báo áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước (khoản chênh lệch giá trong nước so với giá thế giới) theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian qua để đảm bảo tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. Từ đó, khuyến khích các DN tăng lượng nhập hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.

Bộ cũng sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố (đầu mối là Sở Công thương) chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về duy trì bán lẻ xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định.

Theo ông Đông, bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.

Ông Đông cho hay, bộ đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối hỗ trợ để điều phối nguồn hàng, tăng cường cung ứng xăng dầu tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ.

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường trên toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trên địa bàn (đầu mối là Sở Công thương) tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường một cách chặt chẽ ở khâu bán lẻ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Đại diện Bộ Công thương thông tin thêm, sáng 12/10, Bộ Công thương đã họp với DN đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho kinh doanh xăng dầu nhằm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh và đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Hiện nay mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng cao, Bộ Công thương đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam trong công thức tính giá cơ sở để đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí phát sinh thực tế cho doanh nghiệp.

 “Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện thông quan hàng hóa nhập khẩu, cho phép các xe vận chuyển xăng dầu được đi trong thành phố vào giờ cao điểm để kịp cấp hàng cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu”, ông Trần Duy Đông đề nghị.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, về cơ bản Việt Nam đã đáp ứng được nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải trả lời về các vấn đề thị trường xăng dầu gây bức xúc trong những ngày gần đây
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải (bìa phải) cho rằng, cần thống kê lại số cửa hàng xăng dầu dừng hoạt động

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là nguồn cung. Nguồn cung hiện rất khó khăn. 75-80% nguồn cung xăng dầu đến từ nguồn trong nước, nhập khẩu 20-25%. Tình hình nguồn cung xăng dầu ở nước ngoài rất khó khăn. Cả khu vực châu Âu, những “ông lớn” mua luôn cả lô để đưa về châu Âu. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu ít, không phải lúc nào cũng nhập nên không phải đối tượng được ưu tiên trong nhập khẩu xăng dầu.

Một trong những giải pháp tháo gỡ là cần tăng chi phí vận chuyển trong nước. Việc này đã bắt đầu thực hiện từ 11/10. “Còn chi phí vận chuyển từ ngoài nước về, từ ngày 10/7, chúng ta cũng mới điều chỉnh tăng lên nhưng thời gian vừa rồi, chi phí này chưa đáp ứng đủ chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra thực tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị vấn đề này trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hải nói.

Nguyễn Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI