Tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ chỉ mới là ngọn

12/10/2022 - 12:58

PNO - Báo Phụ Nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Xuân Huy - giảng viên Khoa Kỹ thuật địa chất và dầu khí Trường đại học Bách khoa TPHCM - về tình hình nguồn cung xăng dầu hiện nay.

Phóng viên: Việc các điểm bán lẻ xăng dầu không muốn bán hàng do “càng bán càng lỗ” theo ông có nguyên nhân từ đâu?

Ông Nguyễn Xuân Huy: Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt liên quan an ninh năng lượng, cho nên bắt buộc phải do Nhà nước áp dụng mức giá theo hướng bình ổn thị trường để ai cũng có thể sử dụng. Ngược lại doanh nghiệp (DN) thì đương nhiên có lời họ mới bán. Bởi chi phí vận hành, chi phí cố định rất nhiều mà phải áp giá do Nhà nước thì DN không nhập hàng nữa. Như vậy, vấn đề là phải có cơ chế chính sách uyển chuyển theo từng thời điểm của thị trường để kịp thời hỗ trợ DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu chẳng hạn về thuế để bảo đảm họ có thể vận hành được.

Quan điểm của tôi là nên xem lại cơ chế giá cần hài hòa lợi ích DN hơn, chứ nguồn cung không hề thiếu và rất đa dạng từ các nước. Nhắc lại, Nhà nước phải có cơ chế ghi nhận thời điểm này DN đang lỗ, để sau đó nếu có chính sách ví dụ như giảm thuế. Sau khi giảm thuế rồi thì bắt đầu DN lãi trở lại thì trả bù.

* Bất ổn trong những ngày qua cho thấy đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh năng lượng không thưa ông?
- Tình hình thiếu xăng dầu hiện nay như vừa nói chỉ là khan hiếm cục bộ, nhưng mới chỉ thể hiện phần ngọn mà thôi. Về mặt kỹ thuật, mô hình cung ứng hiện nay chia làm ba phần. Phần thượng nguồn là phần đang khai thác dầu khí ngoài khơi thềm lục địa của chúng ta chiếm 20% thị phần, trong khi đó nguồn nhập khẩu sản phẩm lọc hóa dầu chiếm 80%. Phần trung nguồn là hệ thống bồn bể chứa, đường ống dẫn và phần hạ nguồn là hệ thống bán lẻ xăng dầu hiện nay. 
 Về mặt thị trường, các cây xăng đang “không muốn bán hàng” như đã phân tích, nhưng rõ ràng còn có nguyên nhân từ chiến lược đầu tư kỹ thuật tại phần trung nguồn và hệ thống tiếp vận.

Người dân chờ đổ xăng trên một cây xăng ở đường Đặng Văn Bi (TP.Thủ Đức) ngày 11/10 - ẢNH:  Q. THÁI
Người dân chờ đổ xăng trên một cây xăng ở đường Đặng Văn Bi (TP.Thủ Đức) ngày 11/10 - Ảnh: Q. Thái

Ngoài các rủi ro chịu giá cao hoặc đứt gãy trên cung đường vận chuyển chủ yếu từ Singapore, Trung Đông và Hàn Quốc về, thì Việt Nam hiện đang sử dụng hệ thống kho chứa nổi chỉ đáp ứng trong ngắn hạn. Tất cả bồn chứa, đường ống chỉ có khả năng tiếp nhận sản lượng xăng dầu đủ đáp ứng cho nhu cầu thị trường cả nước trong vòng một tuần lễ.

Trong khi các nước như Hàn Quốc, người ta đầu tư xây dựng những bể chứa lớn, sâu dưới lòng đất để có thể cung cấp cho thị trường trong nước lên đến 60 ngày. Với khả năng dự trữ năng lượng rất lớn như thế, họ có thể đương đầu với các biến động của giá thị trường dầu, bất trắc do chuỗi cung đứt gãy hoặc các khủng hoảng khác như chiến tranh ở Ukraine vừa qua để vẫn sản xuất, sinh hoạt. Còn hiện giờ Việt Nam chưa có bồn trữ năng lượng nào đủ quy mô như thế mà chỉ nhập vô bao nhiêu là bán ra bấy nhiêu. Chính vì không có chiến lược dự trữ năng lượng quốc gia này, chúng ta hoàn toàn bị động trước giá cả thị trường thế giới, phụ thuộc vào chuỗi cung ứng nếu xảy ra vấn đề trên biển.

Do đó, theo tôi, để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững hiện nay, bắt buộc Chính phủ phải đầu tư hầm dự trữ năng lượng lớn và sâu dưới lòng đất để bảo đảm ít tổn thất và an toàn chứ dùng kho nổi như hiện nay không thể đảm bảo. Điều này nhằm đủ sức chứa các sản phẩm xăng dầu phục vụ cho nội địa. Chẳng hạn theo tính toán, Hàn Quốc xài 7 triệu thùng dầu thô/ngày, Trung Quốc là 18 triệu thùng/ngày nhưng vẫn đủ khả năng dự trữ trong hai tháng. Có nghĩa là khả năng đảm bảo an ninh năng lượng của họ cực kỳ lớn. 

* Xin cảm ơn ông. 

Quốc Ngọc (thực hiện)

Nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng 

Tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu tại TPHCM thiếu hàng cục bộ đã ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng, các tài xế, người giao hàng... 

Anh Phan Anh Quân (ngụ Q.Bình Thạnh) cho biết, bình thường anh đi làm bằng xe công nghệ, nhưng hai ngày nay (10-11/10) rất khó đặt được xe đến chỗ làm tại Q.2. Ứng dụng liên tục báo không có tài xế, giá cước tăng lên 10-15%.

Ông Đinh Minh Hải (một tài xế taxi công nghệ tại TPHCM) cho hay, rất nhiều tài xế lái xe công nghệ đã phải tắt app (ứng dụng) vì khó tìm được cây xăng, phải chờ đợi rất lâu để đổ xăng. “Khách đặt xe đi khắp nơi không phải khu vực nào cũng có cây xăng hoạt động, nên rất rủi ro là hết xăng giữa đường”, ông Hải nói. 

Chủ một cây xăng trên đường Lò Lu (TP.Thủ Đức) cho biết: Do thiếu nguồn cung, cây xăng này phải tạm ngưng bán nhiều ngày nay. Một DN sản xuất yến sào đã ký hợp đồng mua dầu cố định với công ty nhưng do thiếu hụt nguồn nhiên liệu nên đã phải tạm ngưng hoạt động các lò sấy. “Công ty này đã tìm kiếm khắp nơi để mua 400 lít dầu DO, tiếp tục cho mẻ yến đang sấy dở. Họ nhờ chúng tôi tìm, trả giá gấp đôi nhưng vẫn không có hàng”, chủ DN xăng dầu này cho biết.
Bà V. - đại diện một DN xăng dầu nhượng quyền chính thức của Petrolimex tại TP.Thủ Đức (TPHCM) - cho hay, trong hai ngày 10 và 11/10, DN phải tạm ngưng kinh doanh vì hết xăng. Từ ngày 10/10, đơn vị đã nhiều lần liên hệ với Petrolimex để yêu cầu bổ sung nguồn hàng nhưng Petrolimex cho biết chỉ có thể nhận lệnh nhập xăng từ các đại lý, cửa hàng từ ngày 12/10. 

Quốc Thái

 

 

TPHCM đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu

Ngày 10/10, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng đã có công văn gửi Bộ Công thương và Bộ Tài chính về tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố. Theo đó, tính đến ngày 6/10, TPHCM có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 DN đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, một thương nhân làm tổng đại lý và 29 đại lý bán lẻ. Từ ngày 1/10 đến nay, có tình trạng một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu gián đoạn bán hàng do tạm hết mặt hàng xăng hoặc dầu.

Dòng người chen lấn chờ đổ xăng ở một cây xăng trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TP.HCM) sáng 11/10 - ẢNH: H.N

Dòng người chen lấn chờ đổ xăng ở một cây xăng trên đường Phan Huy Ích (Q.Gò Vấp, TPHCM) sáng 11/10 - ẢNH: H.N

Nguyên nhân do một số DN đầu mối, thương nhân cung cấp xăng dầu chưa đảm bảo việc cung cấp đủ số lượng xăng, dầu hoặc cung cấp thiếu hụt ở một số thời điểm. Có tình trạng các thương nhân phân phối không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ. Công ty TNHH Thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil thời điểm trước có mức dự trữ bình quân khoảng 100.000-120.000 m3/tháng, sản lượng bán bình quân khoảng 1.160 m3/ngày. Tuy nhiên, hiện DN đã ngưng nhập khẩu xăng dầu. Hiện giá xăng dầu trong nước chưa phản ánh đầy đủ các chi phí kinh doanh xăng dầu. Nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động.

UBND thành phố kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cả cơ sở xăng dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức. Rà soát lại phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế nhằm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể. Các bộ ngành hỗ trợ giải quyết các khó khăn của DN; xem xét, hỗ trợ nâng hạn mức tín dụng cho các DN kinh doanh xăng dầu (nhất là các DN đầu mối) góp phần tạo nguồn, đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Nam Anh

Giá xăng dầu tăng trở lại

Theo thông tin từ liên Bộ Công thương - Tài chính chiều 11/10, sau bốn kỳ liên tiếp giảm, giá xăng dầu đã tăng trở lại. 

Cụ thể giá bán lẻ xăng dầu áp dụng từ 15 giờ cùng ngày với xăng E5RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít). Giá xăng RON95-III không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 đồng). Dầu diesel 0.05S giá bán không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít). Giá dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít). Giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 14.094 đồng/kg (không thay đổi). 

Liên Bộ Công thương - Tài chính thực hiện trích lập Quỹ bình ổn giá ở mức 200 đồng/lít đối với mặt hàng xăng E5RON92; 400 đồng/lít đối với xăng RON95; 0 đồng/lít đối với dầu diesel và dầu hỏa; 708 đồng/kg với dầu mazut. Liên bộ đã chi Quỹ bình ổn giá đối với dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi đối với các loại xăng dầu khác. 

Liên bộ cũng quyết định tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước (chi phí theo bình quân gia quyền sản lượng xăng dầu DN đầu mối phải trả cho nhà máy lọc dầu hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm nhà máy lọc dầu) tại giá cơ sở xăng dầu. Cụ thể, mức premium trong nước với xăng RON92, RON95 tăng 350 đồng, lên 1.320 - 1.340 đồng/lít; dầu diesel là 30 đồng/lít; dầu hỏa và mazut 0 đồng/lít. Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về cảng với xăng RON92 tăng 40 đồng lên 290 đồng/lít; RON95 tăng 70 đồng lên 280 đồng/lít; dầu diesel được tăng lên 240 đồng; dầu hỏa, dầu mazut 0 đồng/lít. 
Được biết sáng nay, 12/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp với Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu và các thương nhân đầu mối sản xuất và kinh doanh để bàn giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Châu Sa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI