Năm 2023 - lạm phát tiếp tục gia tăng, khủng hoảng nhân đạo càng thêm trầm trọng

01/01/2023 - 13:42

PNO - Dự báo kinh tế thế giới năm nay tiếp tục suy giảm cùng lúc lạm phát ngày càng gia tăng trong khi đó biến đổi khí hậu sẽ gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn cầu.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố đầu tháng 12/2022 một lần nữa điều chỉnh dự báo GDP thế giới năm 2023 tiếp tục giảm do ngân hàng trung ương các nước phải tập trung cho “cuộc chiến” chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc đang xấu đi.

GDP toàn cầu giảm đều từ 2021

Phát biểu trong chương trình “Squawk Box Europe” của CNBC cuối năm, nhà kinh tế Daniel Lacalle (Tây Ban Nha) cho hay kinh tế toàn cầu có thể phải đối mặt với thập niên tăng trưởng chậm chạp. Các nền kinh tế khắp thế giới đang phải vật lộn với vô số cú sốc, từ cuộc xung đột Nga-Ukraine đến chính sách “zero COVID” dai dẳng của Trung Quốc, đã khiến lạm phát tăng vọt và các hoạt động kinh tế suy yếu.

Màn hình hiển thị thông báo lãi suất của Cục Dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE), ngày 2/11/2022. Ảnh: CNBC
Màn hình hiển thị thông báo lãi suất của Cục Dữ trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) tại Sở giao dịch chứng khoán New York (NYSE) ngày 2/11/2022 - Ảnh: CNBC

IMF cho biết tăng trưởng GDP toàn cầu đã giảm từ 6% năm 2021 xuống còn 3,2% năm 2022 và sẽ tiếp tục xuống còn 2,7% vào năm 2023. Đây là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001 (không kể cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành). Trong khi đó, lạm phát toàn cầu được dự báo tăng từ 4,7% năm 2021 lên 8,8% trong năm qua trước khi giảm xuống 6,5% vào năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Các con số đều cao hơn mức chỉ tiêu mà nhiều ngân hàng trung ương lớn đưa ra.

Năm 2022, lạm phát tàn khốc đã được ghi nhận ở cả các nước phát triển và đang phát triển. Tỉ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ lên 9,1% trong tháng 6, mức cao nhất trong gần 41 năm và vẫn ở mức cao 7,1% trong tháng 11. Lạm phát của châu Âu đã ở mức hai con số trong 3 tháng liên tiếp. Giá tiêu dùng thiết yếu ở Nhật Bản đã tăng 3,7% trong tháng 11, cao nhất kể từ tháng 12/1981. Tỉ lệ lạm phát hàng năm của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên 85,51% trong tháng 10, cao nhất kể từ năm 1997. Lạm phát ở Argentina xấp xỉ 100% vào cuối năm qua.

Theo Lacalle, khả năng nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại là “điểm tích cực lớn nhất” mà thị trường có thể kỳ vọng vào năm 2023. Nước đông dân nhất thế giới đang mang đến niềm an ủi cho các nền kinh tế khi chính thức tuyên bố chấm dứt các yêu cầu kiểm dịch đối với du khách vào ngày 8/1. Đây được xem như một động thái từ bỏ tham vọng “zero COVID” mà nước này đã áp dụng suốt gần 3 năm nay.

“Việc mở cửa trở lại của Trung Quốc là điều cần thiết không chỉ cho sự tăng trưởng kinh tế vốn đang ảm đạm của họ mà còn chắc chắn sẽ tạo ra một động lực đáng kể cho cả thế giới, đặc biệt khu vực Mỹ Latinh và châu Phi. Tôi nghĩ đó là một yếu tố quan trọng khi các nhà xuất khẩu Đức, Pháp đã cảm thấy khó khăn do các biện pháp phong tỏa của đại lục”, ông Lacalle nói.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng dù cho có sự thúc đẩy trên, tình trạng tăng trưởng sẽ không thể đạt được mức trước đại dịch trong thời gian dài sắp tới. Ông khẳng định: “Chúng ta có thể sẽ bước vào một thập niên tăng trưởng rất kém. May mắn lắm thì các nền kinh tế phát triển mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng 1% mỗi năm. Nhưng nếu có thể đạt được mức đó thì điều đáng tiếc hơn là tình trạng lạm phát cao. Theo tôi, chúng ta sẽ phải hứng chịu tác động không mong muốn từ các gói kích cầu khổng lồ đã thực hiện vào các năm 2020-2021. Điều đó đã không mang lại mức tăng trưởng tiềm năng như mong đợi”.

Dù các triển vọng khá bấp bênh, nhưng Lacalle nhấn mạnh sẽ không có cuộc khủng hoảng nào sắp xảy ra. Ông kết luận, các thị trường đang bắt đầu thẩm định được môi trường kinh doanh toàn cầu. Nghĩa là mức tăng trưởng hay sự phát triển kinh tế tương lai sẽ có khả năng tránh được các cơn khủng hoảng tài chính. Đây chắc chắn là điều tích cực nếu mọi thứ như Lacalle đánh giá.

Biến đổi khí hậu sẽ gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo

Theo Tân Hoa Xã, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Trung Quốc đã duy trì các nguyên tắc cơ bản lành mạnh và theo đuổi phát triển chất lượng cao. Khả năng phục hồi và tiềm năng kinh tế nước này đã truyền cảm hứng hy vọng trong cộng đồng quốc tế.

Trước những cuộc khủng hoảng trong năm 2022, Trung Quốc đã duy trì ổn định chung bằng cách phối hợp hiệu quả chính sách COVID-19 với phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời, đưa ra một loạt gói kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định giá tiêu dùng và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu. Nhìn về phía trước, Trung Quốc không chỉ ưu tiên ổn định kinh tế, nhằm theo đuổi tiến bộ vững chắc, mà còn cam kết mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước, phát huy đầy đủ vai trò cơ bản, then chốt của tiêu dùng và đầu tư năm 2023.

Cảnh tượng nhiều người ngồi trên nóc xe buýt trong khi những người khác đang lội qua con đường ngập nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Karachi, Pakistan ngày 27/8/2020. Ảnh: Reuters
Cảnh tượng nhiều người ngồi trên nóc xe buýt trong khi những người khác đang lội qua con đường ngập nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát tại Karachi, Pakistan ngày 27/8/2020 - Ảnh: Reuters

Bên cạnh kinh tế, một nghiên cứu có tiêu đề “Danh sách theo dõi khẩn cấp năm 2023” do Ủy ban Cứu trợ quốc tế (IRC) công bố cho biết, biến đổi khí hậu sẽ đẩy nhanh các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới vào năm 2023. Từ đó, kéo theo các vấn đề xung đột vũ trang, suy thoái kinh tế. Số người có nhu cầu trợ giúp nhân đạo đã tăng vọt trong 10 năm qua, đạt gần 339,2 triệu người so với 81 triệu người vào năm 2014. IRC lưu ý, biến đổi khí hậu là một trong những yếu tố chính làm gia tăng các trường hợp cần cứu trợ khẩn cấp. Một nghịch lý là 20 quốc gia nằm trong danh sách cần theo dõi tình trạng nhân đạo khẩn cấp, như Haiti và Afghanistan, chỉ chiếm 2% lượng khí thải CO2 toàn cầu.

Nghiên cứu chỉ ra những đợt mưa kéo dài kỷ lục, chiến tranh, dịch bệnh đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực thảm khốc ở Somalia, Ethiopia và đã làm tử vong cho hàng ngàn người ở Pakistan. Ngoài ra, khoảng cách giữa nhu cầu cứu trợ nhân đạo và nguồn tài chính đã ngày càng tăng lên với mức thâm hụt toàn cầu tính đến tháng 11/2022 là 27 tỉ USD.

Các nhà tài trợ đã không thể đáp ứng một cách tương xứng nhu cầu mà các nước cần. Kết quả các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đã không thể tiếp cận các dịch vụ nhân đạo cần thiết để tồn tại, phục hồi và tái thiết. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng số người buộc phải rời bỏ nơi cư trú đã tăng từ 60 triệu vào năm 2014 lên hơn 100 triệu năm 2022. Trong đó, Venezuela là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. IRC kêu gọi, các chính phủ cần chủ động đầu tư hơn nữa vào việc ngăn ngừa, giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Nam Anh (theo CNBC, Xinhua, Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI