Mỹ ký hiệp định thương mại song phương với Nhật, tạo sức ép lên Trung Quốc

09/10/2019 - 06:51

PNO - Thỏa thuận thương mại hạn chế với Nhật vẫn còn nhiều điểm yếu so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng vẫn là quân bài mạnh trên bàn đàm phán với Trung Quốc

Hôm thứ Hai, 7/10, Chính phủ Mỹ ký một thỏa thuận thương mại hạn chế với Nhật Bản mà theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, sẽ có lợi cho nông dân và chủ trang trại của Mỹ. Theo các chuyên gia, thỏa thuận này vẫn còn nhiều điểm yếu so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhưng vẫn là quân bài mạnh trên bàn đàm phán với Trung Quốc.

My ky hiep dinh thuong mai song phuong voi Nhat, tao suc ep len Trung Quoc
Đại sứ Nhật Bản tại Mỹ - Shinsuke Sugiyama (trái, tại bàn) - và Đại diện Thương mại Mỹ - Robert Lighthizer (phải, tại bàn) - công bố Hiệp định Thương mại Mỹ - Nhật trước sự chứng kiến của Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Trump nhận xét: “Thỏa thuận mới là một chiến thắng to lớn cho cả hai quốc gia, giúp tạo ra vô số việc làm, mở rộng đầu tư và thương mại, giảm đáng kể thâm hụt thương mại, thúc đẩy sự công bằng, “có đi có lại” và mở ra những cơ hội lớn để phát triển”. 

Trước thỏa thuận, nông dân Mỹ vẫn trong tình cảnh bất lợi ở thị trường Nhật Bản kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương mà chính quyền thời Tổng thống Obama đã thông qua. Kết quả, 11 quốc gia khác ở Thái Bình Dương - bao gồm các nhà sản xuất trang trại lớn như New Zealand và Canada - đã đi trước Mỹ và hưởng nhiều ưu đãi tại Nhật Bản. 

Thỏa thuận mới có vẻ “yếu thế” hơn TPP

Toàn văn thỏa thuận Mỹ - Nhật Bản cho thấy, một số sản phẩm nông nghiệp sẽ có quyền vào thị trường kém hơn so với những điều khoản của TPP. Trong đó, bơ, sữa bột tách béo và sữa bột nguyên kem của Mỹ, cùng với một số loại ngũ cốc, sẽ cạnh tranh trực diện với các bên ký kết TPP khác về hạn ngạch nhập khẩu của Nhật Bản. 

Mỹ để lại nhiều không gian hơn cho các thương hiệu bơ nổi tiếng như Anchor hay Australia’s Western Star khi rút khỏi TPP; đồng thời, các thương hiệu từ Liên minh châu Âu cũng hưởng ưu đãi tương tự TPP trong thỏa thuận thương mại Nhật Bản - EU vào tháng 2/2019. Bên cạnh đó, phô mai - mặt hàng xuất khẩu sữa lớn nhất của Mỹ sang Nhật Bản - mất đi đặc quyền loại bỏ thuế quan lên tới 40% trong 15 năm, như từng hiện diện trong TPP.

Theo TPP, Nhật Bản sẽ chấp nhận 70.000 tấn gạo miễn thuế từ Mỹ theo hạn ngạch cụ thể, nhưng điều này không được ghi nhận vào thỏa thuận song phương. Ngược lại, lúa mạch Mỹ - sử dụng rộng rãi trong sản xuất bia - được cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Nhật khi giảm bớt chi phí cộng vào đến 45%, phù hợp với các đối thủ cạnh tranh và điểm yếu duy nhất là điều khoản không bao gồm mức tăng hạn ngạch 65.000 tấn mỗi năm trong vòng 9 năm như TPP. Thịt bò và thịt heo của Mỹ là những đối tượng hưởng lợi chính trong thỏa thuận. Thuế quan nhập khẩu thịt bò Mỹ của Nhật Bản sẽ giảm dần từ 38,5% hiện nay xuống còn 9% vào năm 2033, ngang bằng các đối thủ tại Úc, New Zealand và Canada. Thịt heo nạc cũng tiến dần đến miễn thuế trong 9 năm. Ngoài ra, thuế quan đối với rượu vang Mỹ giảm từ 15% xuống còn 7,1% vào ngày 1/4/2020, tương tự thỏa thuận cũ trong TPP.

Sức ép lên bàn đàm phán với Trung Quốc

Trong khi đem lại nhiều lợi ích cho nông dân Mỹ, thỏa thuận song phương mới dường như không giải quyết được sự khác biệt về thương mại ở nhiều khía cạnh khác. Nó không bao gồm phần lớn các sản phẩm tạo nên mối quan hệ thương mại song phương, đáng chú ý như ô tô từ Nhật Bản và máy bay, khí propane hóa lỏng, thiết bị sản xuất chất bán dẫn từ Mỹ.

Sự cải thiện chính so với TPP đến từ hiệp định thương mại kỹ thuật số Mỹ - Nhật Bản. Các quan chức ngành công nghệ mô tả đây là thỏa thuận “TPP-Plus” và phù hợp với mục tiêu thiết lập các quy tắc thương mại điện tử, internet toàn cầu của Mỹ. Thỏa thuận bao gồm việc cấm đánh thuế xuyên biên giới đối với lượt tải xuống và nội địa hóa dữ liệu, cho phép quốc gia yêu cầu lưu trữ dữ liệu đám mây về ngành tài chính ngay tại địa phương.

Việc ký kết thỏa thuận thương mại giữa Washington và Tokyo có thể làm phức tạp các nỗ lực giải quyết cuộc chiến tranh thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở Washington vào trung tuần tháng 10/2019 bởi giờ đây, Mỹ có thêm “đồng minh” để buộc Bắc Kinh phải chấp nhận yêu cầu của họ.  

Tấn Vĩ (theo Reuters, SCMP, NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI