Mùa xuân trên trang báo xưa

25/01/2021 - 12:17

PNO - Tác phẩm Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa không chỉ đơn giản là một hợp tuyển các bài báo xưa cũ, mà còn cho thấy nhịp đập của một thế kỷ sôi động thể hiện qua đặc sản của làng báo là các giai phẩm tết.

1.

Năm ấy tôi đã ăn một cái “tết kinh tế”. 
Nhà báo Tế Xuyên đã mở đầu bài viết Nhớ cái tết “kinh tế” năm xưa trên báo Đuốc Nhà Nam xuân Tân Hợi 1971 như thế. 

Vậy “tết kinh tế” là gì? Tế Xuyên giải thích: “Danh từ “kinh tế” nếu nói đầy đủ thì là “kinh tế khủng hoảng” - đã thành tiếng nói đầu môi của người dân”. Nhưng Tế Xuyên không nói chuyện tết năm 1971, mà bồi hồi kể lại cái tết ngấp nghé bốn thập niên trước. 

Độc giả hôm nay chắc hẳn sẽ không còn nghe thấy nhiều cái tết đặc biệt với những danh xưng gợi tò mò như thế, nếu không có những tác phẩm như Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa (Phương Nam Book và Nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2021) do nhà báo Phạm Công Luận tuyển. 

Tiếp nối tinh thần của ấn phẩm cùng tên xuất bản năm 2020, tập 2 của Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, lần này tác giả vẫn tỉ mẩn lần giở những trang báo cũ để dò theo những hồi ức, những áng văn thơ trên các giai phẩm tết xuất bản ở Sài Gòn trước năm 1975. 

Đọc hợp tuyển này ta được “gặp lại” những khuôn mặt văn nghệ sĩ, ký giả đã khuất bóng từ lâu, chợt như sống lại trong ánh sắc mùa xuân bằng những bài thơ, tùy bút, hồi ức. Những Lê Thọ Xuân, Đinh Hùng, Đồng Hồ, Viễn Châu, Hồ Hữu Tượng… những người làm nên bức tranh sinh hoạt văn nghệ, báo chí, học thuật một thời.
Trong suốt lịch sử dài đầy biến động của thế kỷ XX, họ vô tình hay hữu ý đã là chứng nhân trên mảnh đất hình chữ S. Những mùa xuân trôi qua trong giai đoạn này cũng thấm biến cố thời đại, tác động không nhỏ đến các văn nghệ sĩ, ký giả, làm nên một nét đặc sắc cho các giai phẩm xuân xưa. 

Đón tết trong trại giam quả là một hồi ức khó quên đối với Viễn Châu. Trong bài viết Tết trong khám Cẩm Giang đăng trên Điện Báo xuân Canh Dần 1950, thuở đất nước chưa chia cắt. Đối với mọi người, tết nghĩa là đoàn viên, nhưng với những người ngồi tù dưới chế độ thực dân như Viễn Châu, tết là một niềm hy vọng, minh chứng cho sức sống bền bỉ của những người yêu nước. Dù được cho phép tổ chức đón tết trong tù, nhưng mọi hoạt động đều phải qua kiểm duyệt gắt gao. 

Đón tết trong nhà lao, bên cạnh các nghi thức cúng kiếng mang tính lễ nghi, đây là dịp để những người tù bày tỏ tinh thần yêu nước. Những bài hát, bài thơ được diễn xướng, trở thành nguồn cổ vũ, một tuyên ngôn bằng thơ:

Nhìn ánh sáng, tim thắm tươi, ta hát vang khải hoàn ca oai dũng”.
“Nghìn tiếng sấm đêm rền nổ trên trời thẳm ấy rồng Nam reo mừng
”.

2.
Tác phẩm Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa không chỉ đơn giản là một hợp tuyển các bài báo xưa cũ, mà còn cho thấy nhịp đập của một thế kỷ sôi động thể hiện qua đặc sản của làng báo là các giai phẩm tết. 

Ngày nay, chúng ta vẫn nói về cái chết của báo in với một dự cảm mơ hồ đến một lúc nào đó những tờ báo chỉ còn là hoài niệm hay một ấn phẩm mang tính chất biểu tượng. Nhưng cứ đến hẹn lại lên, các tòa soạn, phóng viên, cộng tác viên đều chuẩn bị tinh thần “vào màu báo tết” với niềm hứng khởi chờ bài viết được tuyển chọn cho giai phẩm này, thường là những bài chọn tinh nhất, hay nhất, vừa có ý nghĩa tổng kết năm cũ vừa để đón chào năm mới. 

Điều này là sự kế thừa tinh thần của những báo xuân trước. Chúng ta hôm nay đọc sách này để biết chuyện các tác giả xưa, còn tác giả xưa thì viết những bài hồi tưởng lại những cái tết xưa hơn nữa. Người đọc hôm nay đọc hai lần hoài niệm, như trường hợp bài viết của Tế Xuyên có nhắc đến ở trên. Ông đứng ở năm 70 để vọng về cái tết trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 30 của thế kỷ trước. Cuộc khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, ảnh hưởng nặng nề đến Việt Nam, Tế Xuyên đã kể ra những hoàn cảnh cùng khổ của cái tết thiếu ấm no. 

Nhưng trong hoàn cảnh đó, phong vị tết ở miền quê vẫn không bị ảnh hưởng, bởi cho dù tác động của khủng hoảng kinh tế, người nông dân vẫn “sống phây phây” với những món “cây nhà lá vườn”. Không chỉ thế, họ còn nuôi ngược những người bạn thành thị sa cơ lỡ vận đến chơi nhà, không chỉ dịp tết, mà còn đến sáu tháng, một năm - khiến cho Tế Xuyên dù đã 40 năm trôi qua vẫn phải xuýt xoa: “Những lúc nhàn rỗi ra đồng, lúa tỏa lên một mùi thơm bát ngát. Biết bao giờ cho đất nước thanh bình, để trở về quê cũ hưởng lại cái thú vui êm đềm của ruộng rẫy?”.

Không chỉ riêng Tế Xuyên, mà có lẽ cả những người cùng thời với ông, khát vọng thống nhất, được tận hưởng một mùa xuân hòa bình, hạnh phúc, lúc nào cũng là khát vọng hàng đầu. 

Hôm nay chúng ta được hưởng cái tết hòa bình, đọc những gì các bậc tiền bối viết, thấy có những điều tưởng chừng bình thường mà xa xỉ đến vậy. Những cái tết khó khăn đó, tuy vất vả nhưng lấp lánh tình người, tình quê hương xứ sở, như lời thơ của Phạm Công Thiện đăng trên báo Văn xuân Bính Ngọ 1966 được tuyển trong tập này: 

“Xa rồi Việt Nam Đà Lạt và cà phê Tùng cuối năm
Anh gục đầu trong hầm cà phê Figaro Nữu Ước

(New York, tháng 11/1965)

Tình hoài hương, nỗi nhớ quê nhà thường là giọng đặc trưng trong các giai phẩm tết cả xưa lẫn nay. Và chính vì điều đó, ta thấy mình gần gũi với người dân Việt Nam thuở trước. 

Cái tết Tân Sửu 2021 năm nay cũng là một cái tết đáng nhớ, khi chúng ta vừa trải qua một năm khó khăn do đại dịch COVID-19. Đọc Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa, chợt nghĩ mai sau, báo tết có còn, để bạn đọc còn háo hức giở trang, biết được có một cái tết cũng vô tiền khoáng hậu diễn ra ngay trong thời của chúng ta.

Chung Bảo

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI