Mùa lạnh, trẻ dễ mắc quai bị

24/12/2016 - 11:02

PNO - Cuối năm trời lạnh là thời gian thuận lợi cho siêu vi phát tán, trẻ em rất dễ mắc bệnh quai bị. Hiện mỗi ngày có khoảng 20 trẻ đến khám BQB ở cả hai BV Nhi Đồng 1 và 2.

Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, cuối năm trời lạnh là thời gian thuận lợi cho siêu vi phát tán, trẻ em rất dễ mắc bệnh quai bị (BQB). Hiện mỗi ngày có khoảng 20 trẻ đến khám BQB ở cả hai BV Nhi Đồng 1 và 2, trong đó nhiều trẻ phải nhập viện vì biến chứng viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm tụy cấp...

Quai bị vào mùa

Sáng 22/12, phụ huynh và bệnh nhi (BN) đông nghẹt trước khu khám bệnh của BV Nhi Đồng 1 và 2, nhiều trẻ một bên hàm sưng to, cứ đưa tay xoa xoa mặt cho đỡ khó chịu. Chị Ngô Thị H. (P.Bình Trưng Tây, Q.2) chốc chốc phải chặn tay cậu con trai năm tuổi vì bé cứ miết bàn tay lên mặt rồi lại đưa tay vào miệng để sờ chỗ sưng.

Chị kể: “Hai ngày nay, thằng bé cứ mệt mệt, không hiếu động như bình thường, người cứ âm ỉ sốt lúc cao lúc thấp, tôi tưởng chỉ là cảm nắng. Tối qua, thấy hàm con sưng to, con lại kêu đau, bỏ ăn… tôi đưa đi BS gần nhà mới biết bé mắc BQB, bệnh sẽ tự khỏi nên không cho thuốc. Sáng nay thấy hàm con càng sưng to hơn, tôi sợ bệnh có thể ảnh hưởng sau này nên đưa vào đây khám cho yên tâm”.

BS Đặng Kim Huyên - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Nhi Đồng 2 cho biết: “Mùa lạnh cuối năm là lúc dễ bùng phát BQB, phụ huynh cần đề phòng. Từ đầu tháng 12 đến nay đã có 120 BN mắc BQB đến khám tại đây”.

Mua lanh, tre de mac quai bi
Gần đến giờ nghỉ trưa, vẫn còn nhiều phụ huynh đăng ký khám bệnh cho con tại BV Nhi Đồng 2, trong đó có những trẻ mắc bệnh quai bị

Không chỉ ở BV, các phòng khám tư cũng tiếp khá nhiều BN mắc BQB. Trong dòng người chờ khám bệnh ở phòng khám Nancy, Q.5, có không ít trẻ từ 5-14 tuổi đang sưng hàm - dấu hiệu đặc trưng của BQB. Tại phòng khám của BS Lê Thanh Tùng - ở chung cư Lê Thành, P.An Lạc, Q.Bình Tân cũng có nhiều trẻ mắc BQB đến khám. Đáng lo nhất là những ngày qua, BQB đã tấn công vào trường học - môi trường rất dễ lây lan.

BS Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, vừa phát hiện hai ổ dịch QB ở trường học: Trường tiểu học Tân Xuân, H.Hóc Môn có 31 em và Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3 có ít nhất 13 em mắc BQB. Trao đổi với PV báo Phụ Nữ, thầy Huỳnh Minh Vũ - Hiệu trưởng Trường Tân Xuân nói: “Để phòng ngừa lây lan, ngày nào y tế địa phương cũng đến trường sát trùng, khử khuẩn và theo dõi sát sức khỏe học sinh. Đồng thời, trường cũng tạm dừng tổ chức học bán trú từ ngày 16 - 23/12. Đã gần một tuần không có thêm ca bệnh mới”. Trước đó, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cũng xuất hiện ổ dịch QB ở Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Sàng Ma Sáo.

Bệnh lành tính, nhưng không được chủ quan

BS Trương Hữu Khanh cho biết, QB là bệnh viêm tuyến mang tai do siêu vi gây ra, sẽ tự khỏi trong vòng 7-14 ngày. Bệnh có triệu chứng sốt, sưng ở vùng quai hàm nên gọi là quai bị. Bệnh rất dễ lây lan qua đường hô hấp khi ho, hắt hơi…

Sau khi tiếp xúc với virus QB, người bệnh thường có cảm giác khó chịu, ăn kém, sốt và sưng đau góc hàm. Tuyến mang tai có thể sưng một hoặc hai bên. Tuy là bệnh lành tính nhưng phụ huynh không được chủ quan vì bệnh có thể gây biến chứng nặng như viêm màng não, viêm tụy cấp, viêm buồng trứng (ở nữ), viêm tinh hoàn (ở nam)…

Theo lời chị Liên (Q.Tân Phú): “Ba tuần trước, con tôi là Nguyễn Thanh B., năm tuổi, bỗng dưng cáu gắt, khó chịu, than mệt bỏ ăn. Tôi tưởng con mè nheo nên không quan tâm. Sau đó tôi đi công tác tỉnh, gửi bé cho bà ngoại trông. Ba ngày sau tôi về thì thấy má trái của con sưng to, được bà ngoại quét vôi trắng toát. Lại phát hiện con sốt cao, than nhức đầu, nôn ói nhiều nên vội vàng đưa vào BV Nhi Đồng 1 khám, BS kết luận bé bị QB gây biến chứng viêm màng não, phải nhập viện theo dõi. Tôi rất ân hận vì đã lơ là với con. Bà ngoại tuy quan tâm nhưng lại chữa theo cách dân gian lạc hậu, suýt ảnh hưởng đến tính mạng con”.

BS Phạm Thái Sơn - Khoa Nhiễm, BV Nhi Đồng 2 cho biết, vào mùa này, tại khoa trung bình có từ một-hai BN mắc BQB điều trị nội trú. Do đây là bệnh lành tính nên phụ huynh có thể chăm sóc trẻ tại nhà, nhưng khi trẻ có các dấu hiệu bất thường như: sốt, bìu sưng to, đau, nôn ói là có thể đã biến chứng viêm tinh hoàn; hay trẻ sốt, đau bụng, nôn ói là biến chứng viêm tụy cấp; hoặc trẻ sốt, nhức đầu, nôn ói là biến chứng viêm màng não… thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Một trong những lý do khiến bệnh diễn tiến nặng, gây khó khăn trong điều trị là do nhiều phụ huynh đã tự chữa BQB cho con theo những cách dân gian như: đắp vôi, đắp lá, dán cao, phán bùa ngãi… Những việc này dễ gây biến chứng nhiễm trùng tuyến nước bọt và nhiễm trùng huyết, dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng trẻ.

BS Trương Hữu Khanh nhắc nhở: “Cuối năm là cao điểm của BQB, việc chăm sóc trẻ bệnh và phòng ngừa là hết sức quan trọng. Cách phòng bệnh chỉ đơn giản là tránh để trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh và cha mẹ nên cho con tiêm vắc-xin ngừa bệnh. Những trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên là có thể tiêm ngừa bệnh này với mũi chích: sởi, QB, rubella. Nên chích nhắc lại để tạo miễn dịch lâu dài. Tuy nhiên, việc chủng ngừa không đạt hiệu quả phòng bệnh 100%, nên dù đã chích ngừa vẫn cần có ý thức phòng bệnh.

Thùy Dương

Những quan niệm sai lầm về quai bị

- Mắc BQB mà chạy nhảy sẽ bị “xuống” tinh hoàn gây sưng, viêm?

Không đúng, vì biến chứng viêm tinh hoàn là do tiến trình của bệnh, không thể biết trước hay ngăn ngừa được. Tuy nhiên, bệnh nhân QB, nhất là những người bị viêm tinh hoàn thường mỏi mệt, khó chịu, đau nên khi vận động mạnh sẽ khiến cơ thể càng mệt và làm sưng, đau “vùng kín” hơn. Vì vậy, khi bị QB nên nằm nghỉ ngơi, tránh vận động.

- Bị QB là vô sinh?

Không đúng. Chỉ một số ít người bị QB có biến chứng viêm tinh hoàn, trong đó chỉ khoảng 1% bị teo tinh hoàn và trong số bị “teo” này cũng chỉ có một tỷ lệ nhỏ bị vô sinh. Hơn nữa, biến chứng viêm tinh hoàn và các ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản chỉ xảy ra ở bé trai tuổi dậy thì trở lên.

Cách xử lý và chăm sóc trẻ bị quai bị tại nhà

- Cho trẻ nghỉ ngơi, không vận động nhiều. Trường hợp trẻ sưng tinh hoàn thì phải nghỉ ngơi tuyệt đối.

- Kiêng thức ăn chua, cay vì những thức ăn này gây kích thích khiến tuyến nước bọt hoạt động nhiều hơn, làm trẻ đau hơn. Nên cho trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm, loãng, dễ nuốt, nhiều dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.

- Nếu trẻ sốt hoặc quá đau, có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt.

- Hạn chế không cho trẻ ra ngoài gió vì khi bệnh, sức đề kháng giảm dễ làm bệnh tấn công trẻ, có thể gây bội nhiễm.

- Trẻ và người chăm sóc trẻ phải rửa tay thường xuyên. Luôn lau dọn, sát trùng chất dịch của trẻ bệnh tiết ra. - Không cho trẻ mắc bệnh đến trường, các khu vui chơi công cộng vì có thể làm phát tán bệnh.

BS Nguyễn Trí Dũng - GĐ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI