"Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian": Sinh ra từ cái đẹp

30/12/2021 - 18:29

PNO - Khởi nguồn từ đau thương, mất mát, "Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian" là chuyến hành trình chữa lành nhờ cái đẹp và chất thơ của văn chương thuần khiết.

Dưới hình thức những lá thư gửi từ nhân vật chính – một chàng trai Mỹ gốc Việt với biệt danh Chó Con, đến người mẹ mù chữ của mình, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian mang dáng dấp tự truyện của chính Ocean Vuong, người chuyển đến Mỹ năm hai tuổi, sống với người mẹ đơn thân làm nghề móng trong một gia đình không ai biết tiếng Anh.

Dệt nên từ hoài niệm và những tâm tư sâu kín, cuốn sách chất chứa những dằn vặt tuổi trưởng thành, sự hoài nghi về căn tính và nỗi cô đơn của kẻ bên lề. Nhưng trên hết, nó là câu chuyện về cách con người vượt qua mất mát nhờ nương tựa vào nhau và vào chính mình.

Năm 2020, bộ phim Nomadland của nữ đạo diễn Chloé Zhao gây tiếng vang mạnh mẽ trên toàn cầu nhờ khắc họa thân phận người lao động Mỹ sau cuộc Đại suy thoái 2008. Khi đặt trong tương quan với cuốn tiểu thuyết của Ocean Vuong, ta thấy cả hai tác phẩm đều nhìn sâu vào tình trạng xê dịch của con người do những biến cố lớn của thời đại. Chỉ khác là, trong Nomadland, dù phải đi khắp nơi tìm việc trên chiếc xe tải thì nhân vật chính Fern vẫn là một người da trắng, danh tính của cô vẫn thuộc về nước Mỹ.

Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đề cập đến những hoang mang căn tính của người nhập cư
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian đề cập đến những hoang mang căn tính của người nhập cư

Trái lại, Chó Con và gia đình của cậu lại là những người da vàng, những người đặt chân đến Mỹ mà vẫn bị trói buộc với mảnh đất bị chiến tranh tàn phá nằm bên kia đại dương. Họ như những bóng ma lưu lạc giữa hai nơi chốn, không thuộc về quá khứ cũng chẳng thuộc về tương lai. Quá khứ chỉ còn len lỏi trong những câu chuyện hồi cố của của người già. Còn tương lai, tương lai cho những đứa trẻ nhập cư nằm ở đâu giữa triền miên bạo lực, nghèo đói và mất phương hướng, như những gì Chó Con và bạn bè cậu trải qua? Đến tận cùng, câu hỏi nhức nhối nhất vẫn là câu hỏi của người mẹ với Chó Con khi họ cùng trở về Việt Nam để chôn cất bà ngoại: “Mình đang ở đâu, hả con?

Trong cuốn sách của mình, Vuong bóc tách hiện thực trần trụi bằng ngôn ngữ thấm đượm chất thơ. Khi lặn sâu vào ký ức, anh tỉ mẩn so sánh một trận bom nơi quê hương với những cánh bướm vua tan nát, khúc chân hoại tử vì bệnh tật với những đóa hoa tím vô danh, hay mái tóc bạc trắng của bà ngoại với tuyết. Ký ức với Vuong có lẽ cũng giống như tuyết phủ, vừa tê tái lại vừa đẹp đẽ lạ thường, với những niềm hy vọng khơi lên giữa đớn đau. Đó là chiếc khăn xanh màu trời mà ngoại Lan dùng quấn tã cho mẹ giữa khung cảnh ám mùi thuốc súng và chết chóc, là những người phụ nữ vùng chạy khỏi số phận bất hạnh để gồng gánh một gia đình mà không có đàn ông. Họ tiếp tục sống, với niềm tin bất diệt rằng đau thương sẽ nhòa mờ đi trên đôi cánh của tình yêu và khát vọng.

Không chỉ phóng chiếu những hoang mang về căn tính của người nhập cư, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian còn là cuốn tiểu thuyết về những giằng xé tuổi trưởng thành. Vượt lên trên câu chuyện tình đồng tính giữa Chó Con và chàng thanh niên da trắng Trevor là khao khát được yêu thương và thấu hiểu của những con người trẻ tuổi. Đó còn là hành trình nhìn sâu vào bản ngã, lấp đầy những tâm hồn nhiều tổn thương bằng sự đồng cảm và tình yêu, thứ tình yêu thô ráp, trần trụi mà mang tính chữa lành hơn cả.

Hơn cả một tự truyện, Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là cuốn tiểu thuyết ý thức rõ nét về cả nỗi khổ đau lẫn niềm kiêu hãnh của con người. Niềm kiêu hãnh ấy khiến con người trở nên đẹp đẽ, dù những phút huy hoàng đều ngắn ngủi như thời khắc một bông hoa hướng dương vươn về phía ánh sáng mặt trời. Giống như câu mà Chó Con đã viết trong một bức thư gửi mẹ: “Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh – nhưng con đã nhầm rồi mẹ ạ. Mình sinh ra từ cái đẹp.”

Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI