Một chồng nhiều vợ - 'chuyện riêng tư' hay trách nhiệm công dân?

28/04/2019 - 06:00

PNO - Hầu như hết thảy mọi người đều trầm trồ, thán phục không khí “đầm ấm, hòa bình” của gia đình năm vợ một chồng ấy. Kẻ tán dương chồng “bản lĩnh”, người khen mấy bà vợ “khôn ngoan, trưởng thành"...

Ai cũng biết chế độ hôn nhân một vợ một chồng không chỉ được bao bọc bởi luân lý, đạo đức, mà còn được pháp luật bảo vệ, thậm chí ở mức độ hình sự, vi phạm chế độ một vợ một chồng là hành vi tội phạm. Thế nhưng, thực tế vẫn có chuyện “một ông hai bà”, thậm chí… năm bà.

Ông tỷ phú năm vợ

Câu chuyện ông tỷ phú Việt có 5 vợ chung sống cùng nhau được giới báo chí rỉ tai từ lâu, gần đây lại rộ lên theo những bản tin liên quan tới việc ông bị bắt. Ông này thường tự hào công khai cả “series bà xã” đủ màu da, sắc tộc từ Âu sang Á trong các cuộc chiêu đãi thượng khách. Hầu như hết thảy mọi người đều trầm trồ, thán phục không khí “đầm ấm, hòa bình” của gia đình năm vợ một chồng ấy. Kẻ tán dương chồng “bản lĩnh”, người khen mấy bà vợ “khôn ngoan, trưởng thành”.

Mot chong nhieu vo - 'chuyen rieng tu' hay trach nhiem cong dan?
 

Tôi cũng từng được một ca sĩ nổi tiếng kể về cuộc hôn nhân của ông với ba chị em ruột. Bà nào cũng yêu ông say đắm, và dĩ nhiên vẫn yêu thương nhau như “chị em một nhà”. “Mấy bả chỉ đơn giản thấy không có cách nào giữ được tôi thì thôi để người trong nhà giữ giùm, còn hơn bị người ngoài san sẻ”, nam danh ca nheo mắt. Tôi cũng cười rõ to che giấu cái sự “ngậm ngùi” cho mấy chị em luôn muốn sống hạnh phúc bên người chồng mà họ thương yêu đó.

Thực tế như chúng ta biết, những trường hợp tương tự không hiếm, cũng không phải chỉ xảy ra ở những người nổi tiếng hay giàu sang. Hình như mô-típ “một ông nhiều bà” hay “hoa thơm đánh cả cụm” xuất hiện ở mọi nơi trong xã hội hiện tại.

Nhưng, các nữ đồng nghiệp của tôi vẫn khó chịu mỗi khi nghe người ta kháo nhau về tiệc rượu của ông tỷ phú năm vợ, hay chuyện về ca sĩ nọ. Bởi các đồng nghiệp ấy từng chứng kiến nhiều “hậu trường” nuốt nước mắt vào trong của những người vợ phải “share chồng”, chỉ khác là họ không thể chung sống cùng nhau.

Vào một trưa cuối năm 2014, tại Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh (TP.HCM), ông Bùi Duy Du xin ly hôn và đòi quyền nuôi con với cô Lương Thị Chung. Dù hai người chưa từng đăng ký kết hôn nhưng cuộc sống chung của họ được nhìn nhận là hôn nhân thực tế. Trước tòa, người chồng “hờ” còn ngang nhiên cho biết khi chung sống với Chung, ông ta còn cùng lúc sống như vợ chồng với hai người đàn bà khác.

Thế rồi, cuối phiên xét xử, Chung òa khóc khi chủ tọa tuyên ông Du được quyền nuôi hai con. Gần chục năm theo “chồng”, cô chẳng còn gì cả. Bây giờ, đến ngay cả hai đứa con cũng bị tước mất… Dù chỉ còn một thứ duy nhất là nước mắt để bảo vệ mình, cô cũng phải mím môi biến nó thành sự căm hận. “Tôi sẽ nộp đơn kháng án, kiện thêm ông ta tội vi phạm chế độ một vợ một chồng và tội làm giả giấy tờ”, cô tuyên bố với phóng viên.

Sự ai oán của những cảnh đời ngày càng thấy nhiều như Chung khiến các nữ đồng nghiệp quá đỗi bất bình: chấp nhận sống chung như mấy bà vợ kia lại có vẻ hiện đại, văn minh và hạnh phúc? Câu trả lời đúng hay sai khiến tất cả chúng ta đều lợn cợn, đâu có riêng gì đồng nghiệp của tôi.

Tòa gặp khó

Cách đây hai năm, tôi từng tiếp cận trường hợp của bà Trần Thị P. (62 tuổi) tố cáo chồng là ông Trần H.D. (67 tuổi), có con với một cô gái chỉ bằng tuổi con út của họ. Vợ chồng bà chung sống gần 40 năm và có với nhau 3 mặt con.

Khoảng năm 2014, ông D. chung sống như vợ chồng với cô Nguyễn D.H. (27 tuổi, quê Cà Mau) tại địa chỉ lô G chung cư Nguyễn Thiện Thuật, P.1, Q.3, TP.HCM.

Trong thời gian đó, ông D. đã gửi đơn xin ly hôn với bà P. nhưng bà không đồng ý vì cho rằng dù cuộc sống vợ chồng đôi lúc có mâu thuẫn, nhưng không trầm trọng đến nỗi phải ly hôn. “Suốt quá trình chung sống, tôi luôn làm tròn nghĩa vụ người vợ, người mẹ. Tôi không có hành vi xúc phạm chồng và gia đình chồng. Tôi vẫn yêu thương chồng con nên không đồng ý ly hôn”, bà P. tâm sự.

Mot chong nhieu vo - 'chuyen rieng tu' hay trach nhiem cong dan?
Ảnh minh họa

Bởi bà thừa hiểu, nguyên nhân chính khiến ông D. muốn ly hôn là do ông có quan hệ tình cảm với cô H. Bà P. đưa ra nhiều hình ảnh, video minh chứng. Trước đó, phát hiện ông D. và H. sống với nhau, bà đã nhiều lần đến gặp nói rõ cho cô gái biết rằng ông D. và bà là vợ chồng hợp pháp. Mong muốn của người phụ nữ đáng tuổi mẹ cô vợ bé chỉ giản đơn là giữ gìn gia đình.

Tòa án nhân dân Q.5 đã bác đơn ly hôn của ông D. Sau đó, ông tiếp tục kháng cáo, nhưng vẫn bị bác đơn. Đầu năm 2017, ông D. tiếp tục có đơn yêu cầu tòa giải quyết cho ông ly hôn. Tòa Q.5 thụ lý, nhưng bà P. vẫn không đồng ý và gửi đơn kêu cứu khắp nơi.

Theo luật sư Lê Hà Gia Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), Luật Hôn nhân và Gia đình cấm các hành vi: kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Đồng thời, pháp luật cũng chế tài nghiêm khắc, từ xử phạt vi phạm hành chính đến xử lý hình sự đối với cá nhân vi phạm điều này.

Nếu đương sự có hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như có thể làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính thì có thể áp dụng điều 147 tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng của Bộ luật Hình sự.

Hình phạt đối với người phạm tội này là cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Ngoài ra, trong trường hợp đã có quyết định của tòa án tiêu hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Luật sư Thanh cho rằng, trường hợp sống chung như vợ chồng của ông D. và cô H. đã đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng được quy định tại điều 147 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, một thẩm phán về hưu cho biết, các vụ ngoại tình, sống chung như vợ chồng công khai vi phạm điều 147 bị đưa ra xét xử hình sự rất ít.

Trở lại chuyện ông tỷ phú năm vợ và ông ca sĩ ba vợ, có thể chúng ta chỉ nhìn thấy bề nổi của đời sống hôn nhân “tân tiến” ấy như bao nhiêu chính khách, trí thức đã bày tỏ thái độ tán đồng khi được các ông thết đãi hay trò chuyện. Chỉ có điều, từ góc độ trách nhiệm công dân, thì hành vi vi phạm pháp luật công khai ấy, nếu được xem là bình thường, phải chăng chính là đang bao che?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ, luật sư Phùng Thanh Sơn - Giám đốc Công ty Luật Thế Giới Luật Pháp (Đoàn Luật sư TP.HCM) - cho hay, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính thì tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phát hiện, tố cáo và đấu tranh phòng chống vi phạm hành chính.

“Do đó, việc bạn bè ông tỷ phú hay ông ca sĩ, nếu biết các ông ấy vi phạm chế độ một vợ một chồng mà không có động thái gì để chống lại hành vi vi phạm đó, nghĩa là do nể nang hay mưu cầu gì đó ở các ông mà không lên tiếng, hoặc ý thức về chuẩn mực đạo đức của các vị chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của pháp luật, của xã hội”, luật sư Sơn nói.

Theo ông Sơn, giá như những bậc chính khách, trí thức xem rằng việc đa phu, đa thê như vậy là một vấn đề nghiêm trọng, thì họ sẽ có các động thái để chống lại hành vi sai trái, có nghĩa vụ tố cáo hành vi vi phạm. Không thể bình thản và xem đó là chuyện của người trong cuộc, chuyện riêng tư và không có phản ứng gì.

Đoàn Phó Ba

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI