Mở lối toàn cầu cho văn học trong nước

18/04/2022 - 07:37

PNO - Lần đầu tiên, Hội đồng Văn học dịch được thành lập với kỳ vọng sẽ là cánh cửa mở, đưa văn học trong nước ra thế giới. Bên cạnh đó, sự vinh danh các dịch phẩm xuất sắc hằng năm cũng tạo cơ hội cho dịch giả định danh mình.

Đường dài cho “xuất khẩu văn chương Việt”

Hội Nhà văn TP.HCM vừa thành lập Hội đồng Văn học dịch, với ba thành viên gồm: dịch giả Hiền Nguyễn (Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ Đại học Văn Lang, Chủ tịch hội đồng) cùng hai ủy viên là dịch giả Nguyễn Lệ Chi (Giám đốc Công ty sách Chibooks) và nhà báo Dương Kim Thoa (Biên tập viên Ban Quốc tế, Báo Tuổi Trẻ). Sau hơn 40 năm thành lập, lần đầu tiên Hội Nhà văn TP.HCM có một Hội đồng Văn học dịch. Đây cũng là dấu ấn đầy kỳ vọng của hội nghề nghiệp trên con đường đưa văn học trong nước “xuất ngoại”.

“Thị trường văn học dịch trong nước (dịch từ các ngôn ngữ khác ra tiếng Việt - PV) hiện nay hết sức sôi động. Tuy nhiên, việc chuyển ngữ từ văn học tiếng Việt sang các ngôn ngữ khác, ngay cả với những ngôn ngữ phổ biến như Anh, Pháp, Hoa vẫn còn hết sức khó khăn. Vì vậy, việc giao lưu văn hóa - văn học là một thiệt thòi không nhỏ cho những người sáng tạo văn chương. Chúng tôi luôn canh cánh làm sao có thể giới thiệu được tác phẩm văn học có giá trị của Việt Nam đến với độc giả nước ngoài” - nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM chia sẻ.

Nhìn lại lâu nay, các tác phẩm văn học trong nước từng được chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài chỉ có một số tên tuổi nhà văn: Tô Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Lê Minh Khuê…; với các tác phẩm quen thuộc: Dế Mèn phiêu lưu ký, Nỗi buồn chiến tranh, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Tôi là Bêtô, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ… Văn học trong nước không ngừng vận động và phát triển, cùng với sự xuất hiện của các thế hệ nhà văn mới, mỗi năm đều có tác phẩm hay, được đánh giá cao, hoặc được trao các giải thưởng danh giá. Nhưng “giấc mộng xuất khẩu văn chương Việt” dù được bàn tới bàn lui từ thập kỷ trước, đến nay vẫn… bế tắc. 

Một trong những đơn vị tiên phong và năng nổ trong việc chủ động quảng bá tác phẩm văn học trong nước ra nước ngoài là Chibooks. Cách đây nhiều năm, Chibooks đã xây dựng dự án đưa tác phẩm của các nhà văn Bùi Anh Tấn, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang, Hồ Anh Thái… sang giới thiệu tại hội chợ sách Kuala Lumpur và Bắc Kinh. Gần đây nhất là đưa Tủ sách văn hóa Việt (gồm tác phẩm tản văn, du ký của nhiều tác giả trong nước) cũng như sách của các nhà văn Vũ Đình Long, Nguyễn Việt Hà… đến giới thiệu tại các hội sách quốc tế. Nhưng hoạt động vẫn chỉ có thể dừng lại ở việc giới thiệu tác phẩm theo hình thức catalogue, với danh mục và nội dung tóm tắt ngắn gọn. Đó là bước đầu tiên để thu hút sự chú ý của các đối tác xuất bản nước ngoài, nhưng để đi đến lựa chọn và quyết định hợp tác chuyển ngữ, lại cần có bản dịch hoàn chỉnh tác phẩm sang tiếng Anh. Điều này nằm ngoài tiềm lực của nhà làm sách tư nhân. 

Việc một số tác phẩm trong nước được giới thiệu, chuyển ngữ và phát hành ở nước ngoài lâu nay phần lớn là thông qua kết nối cá nhân giữa tác giả, nhà làm sách trong nước. Theo nhận định của bà Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty sách Chibooks - là “còn rất nhiều hạn chế, chỉ xảy ra tự phát chứ chưa có lộ trình, kế hoạch cụ thể, đồng bộ”. Hội đồng Văn học dịch ra đời với kênh hoạt động chính thống từ hội nghề nghiệp có thể là cầu nối đầy hy vọng cho đường dài của xuất khẩu văn chương Việt. 
Cần nhiều nguồn lực hỗ trợ

Trong tháng 5/2022, Trường đại học Văn Lang sẽ tiến hành một chuỗi hoạt động dịch thuật Hàn - Việt. Dịch giả Hiền Nguyễn cho biết, hoạt động này sẽ có sự giao lưu giữa các nhà văn hai nước, cũng như tương tác dịch tác phẩm từ tiếng Hàn sang tiếng Việt và ngược lại. “Chỉ có sự tương tác hai chiều mới tạo được sự liên kết, trong năm 2023, chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy mạnh hoạt động liên quan đến văn học dịch. Trước mắt, chúng tôi cố gắng giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới và ngược lại. Tôi cũng rất mong sẽ sớm có một thư viện văn học dịch, đó chính là cơ sở dữ liệu hỗ trợ tốt cho chúng tôi trong việc phát triển hoạt động dịch thuật, giới thiệu văn học trong nước ra thế giới” - dịch giả Hiền Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn TP.HCM, bày tỏ. 

Nỗ lực đưa tác phẩm có giá trị ra thế giới không nằm ngoài xu thế chung của hội nhập, nhất là khi Việt Nam đã nhận được thư ngỏ từ Ủy ban Nobel về việc đề cử tác phẩm dự giải Nobel mới đây. Và khi đặt vai trò quan trọng của việc dịch thuật văn học trong nước ra thế giới, cũng chính là cần phải bàn đến vai trò không thể thiếu của đội ngũ dịch giả trong nước. 

Ông Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ - nhận định: Hầu hết dịch giả hiện nay đều gắn bó với dịch thuật bằng đam mê, và họ cũng rất ít có cơ hội định danh tên tuổi mình. Thiếu sự vinh danh từ các giải thưởng cũng như việc dịch thuật và vai trò của dịch giả vẫn chưa được xem trọng. Muốn đưa tác phẩm văn học trong nước ra thế giới thì “cầu nối toàn cầu” chính là đội ngũ dịch giả này. Nhà văn Bích Ngân cho biết, từ năm 2022, giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM sẽ có thêm hạng mục Văn học dịch nhằm ghi nhận, tôn vinh lao động sáng tạo của dịch giả. Hạng mục này vốn đã có trong cơ cấu giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam thường niên, nhưng tên tuổi dịch giả thường mờ nhạt bên cạnh tác phẩm được trao giải. 

Văn học Việt lâu nay ra nước ngoài thường thông qua những kênh kết nối cá nhân, các đơn vị làm sách, nhưng vẫn chưa có chiến lược và sự đồng bộ (trong ảnh là một số tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng nước ngoài)

Văn học Việt lâu nay ra nước ngoài thường thông qua những kênh kết nối cá nhân, các đơn vị làm sách, nhưng vẫn chưa có chiến lược và sự đồng bộ (trong ảnh là một số tác phẩm văn học Việt được dịch sang tiếng nước ngoài)

Phát triển đội ngũ và hỗ trợ dịch giả bằng nhiều hình thức, vật chất, tinh thần, các giải thưởng liên quan dịch phẩm… là đề xuất của dịch giả Hiền Nguyễn trong việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững. “Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của hội đồng vẫn cần đến sự chỉ đạo, định hướng từ phía sở, liên hiệp và Hội Nhà văn, cần liên kết nhiều mắt xích với các ban ngành, đoàn thể liên quan và các nhà xuất bản, cũng như các nguồn hỗ trợ khác trong xã hội” - dịch giả Hiền Nguyễn nói thêm.

Đã có sẵn chất liệu là các tác phẩm văn học có giá trị, cùng đội ngũ dịch giả tâm huyết, thì Hội đồng Văn học dịch chính là điểm tựa, “bệ đỡ” để văn học Việt có thêm nhiều cơ hội trong việc tìm đường ra thế giới.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI