Miền Trung nắng nóng gay gắt, thiếu nước nghiêm trọng

08/06/2014 - 22:41

PNO - PNO - Trong khi Nam bộ đã bắt đầu vào mùa mưa thì tại nhiều tỉnh miền Trung, nắng nóng vẫn gay gắt.

Những ngày này, nhiệt độ ở Nghệ An luôn ở mức cao. Trong vòng một tháng qua, liên tiếp có hơn 14 vụ cháy rừng xảy ra tại tỉnh này.Tại Khánh Sơn (Nam Đàn, Nghệ An), hơi nóng từ mặt đường nhựa hắt lên kèm gió Lào như phả lửa vào mặt. Trên các cánh đồng ở huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và Nam Đàn, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương (Nghệ An) vắng bóng nông dân thu hoạch lúa, ngô, khoai bởi họ đã ra đồng đi làm vào ban đêm và trở về nhà lúc 2-3g sáng để trốn cái nóng 40 độ C. Nhiều phụ nữ ra khỏi nhà đi làm phải khoác áo chống nắng, dùng khăn bịt che kín mặt chỉ chừa hai mắt và đội nón lá. Đến trưa, họ phải kéo nhau ra giếng nước, bóng cây bên hồ… để hóng mát, tránh cảm giác bỏng rát rồi đến 16g chiều mới tiếp tục được công việc.

Nhiều giếng nước, bể chứa nước dự trữ của người dân đã bắt đầu cạn kiệt. Cống Kẹp dưới chân núi Sắt (xã Khánh Sơn) có “mỏ nước” được UBND xã Khánh Sơn cho đầu thầu, đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận nước sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân muốn dùng nước Cống Kẹp phải bỏ tiền mua. Người ta tận dụng tất cả vật dụng đựng nước, chất lên xe đạp, xe máy và cả xe kéo để chuyên chở nước về.

Mien Trung nang nong gay gat, thieu nuoc nghiem trong
Giếng khô khiến người dân bản Khe Lẻ, xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An
phải đi gùi từng gùi nước về dùng - Ảnh: Hoàng Lâm

Tại Phú Yên, hàng nghìn hộ dân ở các xã miền núi thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại xã vùng cao Sơn Định, huyện miền núi Sơn Hòa, nước được bán với giá từ 70.000 đến 100.000đ/m3. Nhiều ngày qua, vợ chồng chị Nguyễn Thị Tiến, ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định khốn đốn, chống chọi với cái nắng như đổ lửa. Buổi trưa, năm người trong gia đình phải ra sân núp dưới tán cây và xem chừng đường ống dẫn nước từ xe bồn bơm vào hồ. “Mỗi xe nước, tôi phải mua với giá 250.000đ. Nếu mua lẻ, phải trả từ 70.000 đến 100.000đ/m3. Nước đắt lại khan hiếm, nên chỉ dám dùng để nấu ăn và tắm cho con trẻ. Còn người lớn phải đi khoảng 2km đến hồ Hòa Thuận hoặc suối Hòa Bình trong xã để tắm rửa, giặt giũ”, chị Tiến nói. Theo bà Phạm Thị Hương, chủ một giếng đào còn nước duy nhất trong xã, đến thời điểm này, các giếng nước của người dân đều cạn kiệt. Giếng nào còn, mỗi ngày đêm cũng chỉ chắt vét được vài thùng nước dùng tạm. Ông Nguyễn Thanh Tân, Chủ tịch UBND xã Sơn Định cho biết, xã này có năm thôn, hơn 500 hộ dân, hiện phần lớn đều thiếu nước sinh hoạt do các giếng đào khô nước. Riêng thôn Hòa Bình có khoảng 70/100 hộ phải mua nước để sử dụng.

Hai địa phương ở Bình Định có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt cao là huyện Tuy Phước và huyện Phù Mỹ. “Các giếng nước của người dân bị xâm nhập mặn, nhiễm phèn. Hiện nay, nguồn nước sạch chỉ cung cấp được 60% hộ dân trong toàn xã”, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước cho hay. Ông Mai Văn Xịn, Khu vực trưởng Hải Minh (P.Hải Cảng, TP.Quy Nhơn), nói: “Gần 2.000 nhân khẩu ở Hải Minh thiếu nước sinh hoạt gần cả tháng nay. Người dân ở đây hiện đang phải mua nước được lấy từ khe núi Nhơn Hội. Mỗi đôi nước 40 lít mua tại ghe có giá 6.000đ. Nếu gia đình nào không có người đến ghe mua nước thì có dịch vụ gánh nước đến tận nhà bán với giá 10.000đ/đôi”.

Tại khu dân cư số 8, thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi có 27/33 giếng nước sinh hoạt của người dân nguồn nước đã bị nhiễm mặn, không sử dụng được. Ông Đặng Trung Chính, 60 tuổi, ở khu dân cư số 8 cho biết: Gia đình ông và hàng chục hộ dân khác phải xuống tận giếng Xó La, cách nhà trên 3km để lấy nước về. Khu dân cư số 7, thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn tình trạng thiếu nước sinh hoạt của gần 300 hộ dân cũng xảy ra khá nghiêm trọng. Bà Bùi Thị Bái, 65 tuổi, cho biết: Gần một tháng nay gia đình bà phải tốn tiền triệu để mua nước. Nắng nóng cũng làm gần 100 héc ta hành và cây trồng vụ hè thu đang trong giai đoạn phát triển có nguy cơ mất trắng.

Tại huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên-Huế, nhiệt độ có lúc lên đến 40-41 độ C. Thường thì người dân ở đây đi làm rẫy từ sáng đến chiều mới về nhà, nhưng những ngày này mới 8-9g sáng đã phải về nhà để tránh nóng.

PV-CTV miền Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI