Cấp bách hành động vì an ninh nguồn nước - Bài 2:

Miền Tây chới với theo những mùa lũ kiệt

15/09/2022 - 06:18

PNO - Suốt mười năm qua, miền Tây Nam bộ chưa đón được mùa lũ lớn nào sau mùa lũ năm 2011. Những mùa lũ kiệt (nước lũ ít) đang trở nên phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kèm theo đó là nỗi lo thiếu nước, nạn xâm nhập mặn, giảm nguồn lợi thủy sản…

Mong lũ về rửa phèn, rửa mặn 

Giữa tháng 8/2022, nước lũ mới bắt đầu đổ về các huyện đầu nguồn của tỉnh Long An. Lại một lần nữa, vùng Đồng Tháp Mười đón mùa lũ chậm (trước đây, lũ thường về vào đầu tháng 7 âm lịch). Những ngày gần đây, nước lũ dâng lên 3 - 5 cm/ngày đêm khiến nhiều người khấp khởi vui mừng. Họ mong năm nay lũ không kiệt như những năm trước.

Vựa lúa miền Tây đang bị đe dọa theo những mùa lũ kiệt
Vựa lúa miền Tây đang bị đe dọa theo những mùa lũ kiệt

Liên tiếp nhiều năm qua, người dân vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An thường xuyên đối mặt với tình cảnh lũ không về hoặc lũ quá nhỏ, ảnh hưởng đến sinh kế. Trong 12 năm gần đây, miền Tây chỉ đón được một mùa lũ lớn vào năm 2011. Mực nước các mùa lũ còn lại đều ở mức trung bình hoặc thấp. Mùa lũ thấp nhất là năm 2015.

Lão nông Bùi Minh Chừng (xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng) cho hay, mấy năm nay, chi phí để làm 2,5ha ruộng lúa cao hơn nhiều lần so với các năm trước đó. Đó là do nước lũ về quá thấp, ruộng đồng không được vệ sinh, bồi đắp phù sa nên nông dân phải tốn rất nhiều chi phí cho phân, thuốc mà năng suất lại không cao. 

Từ đầu tháng Bảy âm lịch, các cán bộ của khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười (tỉnh Tiền Giang) luôn thấp thỏm mong lũ về. Khu bảo tồn này có môi trường đất, nước bị nhiễm phèn. Họ luôn trông mùa lũ về để rửa phèn. Thế nhưng, nhiều năm qua, mực nước lũ thấp khiến vùng đất này vẫn ngậm phèn. Ông Đoàn Thanh Tâm - Phó giám đốc khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười - nói: “Nước lũ về ít, đến mùa khô thì lắng tụ phèn, thiếu nước ngọt, ảnh hưởng xấu đến công tác bảo tồn các loài động, thực vật bản địa cũng như hoạt động của người dân”.

Vườn sầu riêng trên cù lao Thanh Bình, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bị đốn bỏ do đất bị nhiễm mặn gây chết cây
Vườn sầu riêng trên cù lao Thanh Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long bị đốn bỏ do đất bị nhiễm mặn gây chết cây

Ông lý giải, đàn chim hoang dã thường về khu bảo tồn làm tổ để sinh sản trên cây tràm và các loài cây bản địa. Mỗi cây có từ 5-10 tổ chim nên nguồn phân thải ra khá lớn, gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết cây bản địa. Do đó, cần phải có nguồn nước ngọt để giảm ô nhiễm. Nước ngọt cũng giúp giảm bớt độ phèn, tăng tỷ lệ phủ xanh, tạo môi trường khép kín cho các loài hoang dã trú ngụ, sinh sản bền vững, chống bốc hơi nước, tái tạo tiểu khí hậu và tăng tích trữ nước ngầm.

Hai tháng trước, gia đình anh Nguyễn Hữu Huy - sống trên cù lao Thanh Bình, H.Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long - phải bấm bụng chặt đi những cây sầu riêng cuối cùng trong vườn nhà. Vườn sầu riêng này từng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho gia đình anh Huy. Tuy nhiên, tình trạng xâm nhập mặn đã nhanh chóng khiến vùng cù lao này mất đi những vườn trái cây vốn là nguồn sống của người dân bản địa. “Cứ đà này, người dân cù lao sẽ thiếu nước ngọt dù bốn phía đều giáp sông” - anh ngao ngán.

Nguồn nước ngọt ngày càng suy giảm

Ông Văn Ngọc Thịnh - Giám đốc Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - cho hay, cách đây hai năm, một báo cáo tại hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đã nêu số liệu: khoảng 96.000 hộ dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sống ven biển thiếu nước sinh hoạt. Điều này cho thấy, an ninh nguồn nước của vùng này đang bị đe dọa.

Theo một thống kê gần đây, trong tổng số 13 triệu dân ở nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long, có khoảng 8 triệu người sử dụng nước từ công trình cấp nước tập trung, 5 triệu người sử dụng nước từ giếng khoan, dụng cụ trữ nước mưa, từ kênh, rạch, ao, hồ. Toàn vùng có khoảng 3.900 công trình cấp nước, trong đó có hàng trăm công trình hoạt động không hiệu quả hoặc ngưng hoạt động.

Nguồn nước về đồng bằng sông Cửu Long suy giảm rõ rệt trong những năm gần đây do tác động của các đập thủy điện và việc nắn dòng ở đầu nguồn
Nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long suy giảm rõ rệt trong những năm gần đây do tác động của các đập thủy điện và việc nắn dòng ở đầu nguồn

Nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai sẽ ngày càng suy giảm về số lượng và chất lượng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sự gia tăng sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn. Theo “Báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2016-2021” vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố vào cuối tháng 7/2022, cả nguồn nước mặt và nước ngầm khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều đang có dấu hiệu suy giảm, tình trạng nhiễm mặn xảy ra ở rất nhiều khu vực. 

Ông Huỳnh Vũ Ngọc Quý - Trưởng bộ môn sinh thái và tài nguyên môi trường, Viện Kỹ thuật biển, thành viên nhóm quan trắc sinh học vùng hạ lưu sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam - cho biết, từ năm 2008 đến nay, Ủy hội sông Mê Kông đã thực hiện bảy kỳ giám sát sức khỏe sinh thái sông Mê Kông trên lãnh thổ Việt Nam. Kết quả gần đây nhất (năm 2021) cho thấy, môi trường sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông đang ở mức tốt, hạng B (hạng A là rất tốt). Tuy nhiên, đã có sự xuất hiện của một số loài ưa mặn trên sông Mê Kông, cảnh báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, khiến chất lượng nguồn nước giảm sút.

Theo các chuyên gia, năm nay, ngay vào mùa khô (cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022), lượng nước trên sông Mê Kông cao lên bất thường. Sở dĩ có điều bất thường này là do lượng mưa trong mùa khô cao hơn mọi năm và các đập thủy điện ở phía thượng nguồn xả nước (chỉ riêng hai thủy điện Nọa Trát Độ và Tiểu Loan của Trung Quốc đã xả 3,7 tỷ m3 nước). Điều này một lần nữa dấy lên lo ngại về những tác động xấu cho nguồn nước và hệ sinh thái vùng hạ lưu sông Mê Kông, trong đó có sông Tiền và sông Hậu của Việt Nam.

Ông Hoàng Việt - Quản lý Chương trình nước, Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - cho hay, nhiều báo cáo khoa học ở trong và ngoài nước đã chỉ ra, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ “vừa sụt lún, vừa tan vỡ” mà một trong những nguyên nhân là tình trạng khai thác nước ngầm và cát quá mức. 

Ông Hoàng Việt cho rằng, nguy cơ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước đang hiện hữu bởi ngoài lượng nhỏ nước mưa, phần lớn nước đều từ thượng nguồn sông đổ về. Tuy nhiên, ở thượng nguồn, các quốc gia như Lào, Trung Quốc đang xây các con đập để làm thủy điện, tích trữ một lượng lớn nước để phát điện. Một lượng lớn phù sa cũng bị “giam cầm” trong các hồ thủy điện này. Cùng với đó, các dự án chuyển dòng nước từ sông Mê Kông sang các dòng sông nhỏ ở phía bắc Thái Lan đã làm thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng rất lớn đến lượng nước đổ về Việt Nam.

“Đây là những nguy cơ đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Chúng không chỉ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long mà còn ảnh hưởng đến hệ sinh thái vùng này” - ông Hoàng Việt nói. 

Sơn Vinh

Bài cuối: Hiến kế để bảo vệ nguồn nước tốt hơn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI