Miễn phí y tế toàn dân: hoàn toàn khả thi

11/04/2025 - 06:29

PNO - Miễn viện phí toàn dân là điều mong ước của đội ngũ y, bác sĩ và của nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, có rất nhiều việc phải làm.

Chiều 8/4, trong buổi gặp mặt cán bộ công an chi viện cho chiến trường miền Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng bí thư Tô Lâm cho biết, sẽ quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm lo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, trong đó sẽ chú trọng phát triển y tế, tiến tới miễn viện phí cho mọi người dân.

Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương ẢNH: N. THẠCH
Người dân làm thủ tục khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Nhi trung ương ẢNH: N. THẠCH

Áp dụng trước cho người nghèo, người già

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu trung ương - cho rằng, miễn viện phí cho mọi người dân là định hướng đúng đắn, thể hiện sự chăm lo của Đảng và Nhà nước tới nhân dân. Để làm được điều này, theo ông, cần tìm ra cách làm hợp lý để vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo được khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Ông phân tích, so với miễn học phí, việc miễn viện phí có những điểm khác bởi mỗi cấp học có mức học phí chung nhưng mỗi bệnh nhân lại có mức viện phí riêng. Chi phí chữa bệnh cho người này có thể 10 triệu đồng nhưng người khác lại 100 triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng, chẳng hạn với bệnh nhân được ghép tạng.

Theo ông, để giải quyết vấn đề này, hướng giải quyết đầu tiên và then chốt nhất là việc hỗ trợ của Nhà nước trong khám, chữa bệnh của nhân dân không được rời xa bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo ông, chính sách miễn viện phí phải gắn bó, kết hợp hài hòa với chính sách BHYT mới có tính khả thi. Nhà nước hỗ trợ người dân thông qua BHYT, bù vào phần chi thêm cho ngành y tế làm việc. Như vậy, các bệnh viện cũng không lo phải quay trở lại thời kỳ bao cấp mà ngược lại, vẫn tự chủ và tự chủ một cách thuận lợi, có nguồn lực để đầu tư trang thiết bị y tế, nâng cao trình độ, kỹ thuật.

Bên cạnh đó, cần phải phân nhóm đối tượng, nghĩa là không miễn viện phí ngay cho mọi người mà áp dụng từ từ cho từng nhóm đối tượng. Ông Nguyễn Anh Trí lý giải, trên thực tế, có một số người có thể đợi được chính sách hỗ trợ, nhưng một số lại cần sự hỗ trợ sớm hơn.

Có thể ưu tiên áp dụng chính sách miễn viện phí cho những trường hợp như người nghèo, cán bộ cách mạng lão thành, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với đất nước, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, người dân vùng sâu, vùng xa... rồi mở rộng dần đối tượng.

“Nếu làm tốt 2 việc là gắn chính sách này với BHYT và phân nhóm đối tượng thì tôi nghĩ có thể áp dụng ngay chính sách miễn viện phí mà không cần đợi tới năm 2030. Chúng ta làm mỗi năm một ít, để tới năm 2030 là triển khai ra toàn dân. Điều này hoàn toàn khả thi” - ông nói.

Linh hoạt áp dụng tùy đối tượng

Theo trung tá, bác sĩ Phan Hữu Hùng - Giám đốc Bệnh viện Quân dân y Miền Đông (TPHCM) - về chủ trương miễn phí y tế toàn dân, Chính phủ và Bộ Y tế cần cụ thể hóa thành chính sách và có hướng dẫn lộ trình cho các bệnh viện, cơ sở y tế để thực hiện đồng bộ trong hệ thống y tế.

Ông cho rằng, trên thực tế, có người cần miễn phí, có người muốn chọn lựa dịch vụ khám, chữa bệnh. Do đó, trước mắt, có thể miễn viện phí toàn dân thông qua BHYT toàn dân, bởi BHYT đã và đang giúp người dân giảm đáng kể chi phí khám, chữa bệnh.

Khi miễn phí y tế toàn dân, nguồn thu của bệnh viện - đặc biệt là bệnh viện công - sẽ gặp khó, dẫn đến không có kinh phí để duy trì hoạt động, đầu tư thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng. Nếu không giải quyết được, điều này sẽ gây ra gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Ở Bệnh viện Quân dân y Miền Đông, số người khám BHYT chiếm trên 90%. Ngành y tế cũng đang tích hợp BHYT vào căn cước công dân, nên việc miễn phí y tế toàn dân sẽ thuận lợi. Bên cạnh việc miễn phí, nên cho phép các bệnh viện tạo nguồn thu từ các dịch vụ. Người dân có tiền muốn khám, chữa bệnh ở dịch vụ cao cấp hơn, chọn thuốc và vật tư y tế chất lượng cao hơn thì các bệnh viện vẫn đáp ứng nhu cầu.

“Do đó, cần có sự phân biệt giữa các dịch vụ cơ bản và dịch vụ theo nhu cầu để bệnh nhân lựa chọn, từ đó bệnh viện mới có nguồn thu, duy trì hoạt động” - ông nói.

Bác sĩ Phan Hữu Hùng cũng nhận định, việc miễn viện phí phức tạp hơn so với miễn học phí bởi đối tượng bệnh nhân đa dạng hơn về lứa tuổi, tình trạng bệnh, cách thức điều trị, loại thuốc, loại vật tư dùng cho mỗi loại bệnh cũng khác nhau dẫn đến chi phí khác nhau. Do đó, bệnh viện cần có được sự linh hoạt trong việc cung cấp dịch vụ cho người bệnh.

Theo các chuyên gia, việc miễn viện phí hoàn toàn khả thi nhưng  cần áp dụng cho đối tượng ưu tiên, sau đó mở rộng. Trong ảnh: Bác sĩ  Bệnh viện Nhi trung ương đang khám bệnh cho người dân - ẢNH: N.THẠCH
Theo các chuyên gia, việc miễn viện phí hoàn toàn khả thi nhưng cần áp dụng cho đối tượng ưu tiên, sau đó mở rộng. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương đang khám bệnh cho người dân - ẢNH: N.THẠCH

“Miễn viện phí toàn dân là điều mong ước của đội ngũ y, bác sĩ và của nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, có rất nhiều việc phải làm. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu này vào năm 2030 như gợi ý của Tổng bí thư Tô Lâm”.

Bác sĩ NGUYỄN TRI THỨC - Thứ trưởng Bộ Y tế

Người dân phấn khởi với thông tin “miễn viện phí”

Nghe hỏi về chủ trương miễn viện phí toàn dân, anh Trần Văn Nam - 42 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM - nói: “Đây là thông tin tuyệt vời”. Là lao động chính trong gia đình 5 người nhưng công việc phụ hồ bấp bênh nên anh luôn bị động khi trong nhà có người bệnh.

“Nhà tôi vừa có con nhỏ, vừa có người già nên mỗi khi chuyển mùa, vợ chồng tôi lại thấy bất an. Lo tiền ăn cho gia đình, tiền học cho con thì không còn dư, đâm ra hễ cảm, sốt là ra tiệm thuốc tây mua thuốc uống đỡ chứ không dám đến bệnh viện khám” - anh kể.

Gần đây, mẹ anh là Trịnh Thị Thương (63 tuổi) bị đau lưng kéo dài, vợ anh thúc giục đưa đi khám nhưng anh chỉ đủ tiền bốc thuốc nam cho bà uống cầm chừng. Đến khi không ngồi dậy nổi, bà cũng không chịu đến bệnh viện vì sợ phải nhập viện khiến con cháu lo lắng, tốn tiền bởi bà không có BHYT.

Anh Nam nói: “Ngoài mẹ tôi thì 2 đứa con tôi cũng dễ bệnh. Tôi rất mong chính sách miễn viện phí được thực hiện để những gia đình có thu nhập thấp như tôi không phải đắn đo, cân nhắc đến bệnh viện mỗi khi có bệnh”.

Điều trị bệnh ung thư nhiều năm qua, chị N.T.L. - 48 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - hy vọng chủ trương miễn phí y tế toàn dân sớm thành hiện thực. Chị nói, chỉ cần miễn giảm 50% tiền thuốc ngoài danh mục BHYT, chị cũng mừng rồi. Với số tiền đó, con trai chị sẽ có thêm bữa ăn chất lượng, chồng chị cũng không phải làm thêm 2-3 việc từ sáng sớm đến tận tối mịt.

Mấy năm qua, dù có BHYT nhưng chị phải tốn hơn 9 triệu đồng để mua thuốc ngoài danh mục BHYT; những đợt hóa trị, xạ trị, số tiền chi ra còn nhiều hơn. Bản thân không thể làm việc, lại tiêu tốn quá nhiều khiến chị luôn áy náy với chồng, con.

Ý kiến:

Tính toán kỹ lưỡng, thực hiện từng bước

Tôi hoàn toàn ủng hộ gợi ý miễn viện phí của Tổng bí thư Tô Lâm. Chính sách miễn, giảm viện phí đang được nhiều nước áp dụng. Trong bối cảnh hiện nay, khi quy mô nền kinh tế của nước ta còn nhỏ, nhu cầu về đầu tư rất lớn, việc miễn viện phí sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho nguồn ngân sách.

Do vậy, để miễn viện phí, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có cách làm hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Có thể chưa miễn toàn bộ nhưng miễn phí ở các khâu nào đó trong quá trình chăm sóc y tế hoặc ưu tiên miễn phí cho một số đối tượng để từng bước giảm gánh nặng viện phí, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Bà HOÀNG THỊ THANH THÚY - đại biểu Quốc hội, tỉnh Tây Ninh

Miễn viện phí là xu thế chung của thế giới

Ngay sau khi Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh công lập tới hết lớp Mười hai, tôi đã nói rằng sẽ tới lúc chúng ta miễn viện phí cho toàn dân. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi cho rằng điều này là không khả thi, nhưng tôi xin khẳng định, trên thế giới, đã có rất nhiều nước áp dụng chính sách này.

NHS UK là viết tắt của National Health Service, tức Dịch vụ Y tế quốc gia Chính phủ Anh. Mọi người sinh sống ở Vương quốc Anh đều có thể sử dụng những dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe do chính phủ tài trợ chi phí.

Ở Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia cũng đã áp dụng chính sách này. Ở Thái Lan, mỗi lần tới bệnh viện khám, người dân đóng 30 baht Thái, tương đương khoảng 1 USD và sau đó sẽ được miễn toàn bộ chi phí phía sau. Ở Malaysia cũng tương tự. Việt Nam hoàn toàn có thể tham khảo cách làm của 2 nước này để áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn của đất nước.

Chúng ta đang cải cách hành chính mạnh mẽ. Cả nước cũng đang tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa giới hành chính, sáp nhập xã phường, bỏ cấp huyện, sáp nhập tỉnh. Nhờ đó, ngân sách nhà nước sẽ giảm được phần chi lớn cho đội ngũ cán bộ, công chức. Tôi tin rằng, đây sẽ là nguồn lực để Nhà nước có thể hỗ trợ người dân trong khám, chữa bệnh.

Ông NGUYỄN HUY NGA - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế)

Phạm An - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI